Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Tổng cục Du lịch, Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại và Du lịch Thành phố Hà Nội, Hội Lữ hành Hà Nội, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, các chuyên gia du lịch cùng các đơn vị doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, các khu điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội.
Đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, giá trị đặc biệt, được khai thác tích cực thành nhiều dịch vụ đa dạng, chất lượng, và được kết hợp, tổ chức thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc mang thương hiệu của Du lịch Thủ đô.
Đến nay Hà Nội đã công nhận 28 khu/điểm du lịch cấp Thành phố cũng như gần 130 khu, điểm tham quan du lịch khác trên địa bàn; bên cạnh đó là số lượng lớn các điểm đến, các cơ sở dịch vụ chất lượng tốt phục vụ du khách. Các đơn vị điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố đã rất tích cực, chủ động cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, đưa ra các sản phẩm mới, khai thác các thế mạnh của Thủ đô như du lịch văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng, MICE,...
Các sản phẩm du lịch tổ chức theo các khu vực trọng tâm, gồm: Khu vực trung tâm chính trị Ba Đình gắn với các di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long, Khu Di tích quốc gia đặc biệt về Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch và Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ, phố cũ và Hồ Hoàn Kiếm (không gian di sản); khu vực xung quanh Hồ Tây với bãi 2 bên sông Hồng từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì; khu vực Đông Anh gắn với du lịch tâm linh Cổ Loa - Múa rối nước Đào Thục và khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao; khu vực Ba Vì và vùng phụ cận: Làng cổ Đường Lâm, Làng nghề Vạn Phúc, Làng nghề Thường Tín, Làng nghề Bát Tràng,…
Bên cạnh đó các phẩm du lịch tập trung vào một số nhóm chủ yếu bao gồm: Du lịch văn hóa; tham quan di sản - di tích; tham quan, nghiên cứu tìm hiểu các giá trị cảnh quan, sinh thái (Vườn quốc gia Ba Vì, khu danh thắng Hương Sơn, khu vực Hồ Tây, Sóc Sơn,…); tham quan phố cổ và những công trình kiến trúc Pháp điển hình; tham quan một số bảo tàng tiêu biểu; tham quan một số làng nghề nổi tiếng và thưởng thức ẩm thực; trải nghiệm các hoạt động lễ hội, du lịch cộng đồng, thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống như ca trù, múa rối nước, chèo…
Tại Tọa đàm, một số khu điểm du lịch tại Hà Nội cũng đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch như: Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây), Điểm du lịch Hạ Mỗ (Đan Phượng), Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Đông Anh), Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh), Điểm du lịch Dương Xá (Gia Lâm), Làng nghề lược sừng Thụy Ứng (Thường Tín).
Hà Nội là thị trường du lịch trọng điểm với hơn ngàn doanh nghiệp lữ hành đăng ký hoạt động, tiêu biểu như cộng đồng các doanh nghiệp hội viên Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội liên kết xây dựng các chương trình du lịch tại Hà Nội và cả vùng phía Bắc. Các sản phẩm du lịch này đã làm sinh động, phong phú thêm hệ thống sản phẩm du lịch của Hà Nội, qua đó giúp đẩy mạnh thu hút khách du lịch.
Thủ đô Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch trong năm 2022 (Chuyên trang du lịch TripAdvisor đã xếp Thành phố Hà Nội đứng thứ 13 trong danh sách Top 25 Điểm đến được ưa thích nhất châu Á 2022; Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de đánh giá Hà Nội là một trong những điểm đến ưa thích nhất Đông Nam Á; Dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights xếp hạng Hà Nội là một trong những thành phố được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất). Thành phố Hà Nội vinh dự được công nhận là: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới năm 2022 của tổ chức Giải thưởng du lịch Thế giới World Travel Awards.
Đẩy mạnh kết nối, quảng bá thu hút du khách
Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, để thúc đẩy quá trình hồi phục và phát triển ngành Du lịch Thủ đô, công tác đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhóm giải pháp then chốt giúp thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới. Do vậy, các doanh nghiệp lữ hành và điểm đến mới cần đặc biệt quan tâm đầu tư quảng bá giới thiệu, xây dựng được các sản phẩm thực sự hấp dẫn, cạnh tranh, mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của Hà Nội, tạo ra những tour sản phẩm mới "kể" những câu chuyện để du khách cảm nhận được sự gần gũi của thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội được đảm bảo bởi các sản phẩm du lịch chất lượng tốt nhất.
Trong thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch đối với các điểm đến trên địa bàn Thành phố; tăng cường hợp tác các bên giữa cơ quan quản lý nhà nước - đơn vị lữ hành - các điểm đến và các cơ sở dịch vụ du lịch, để triển khai xây dựng các tour, sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, độc đáo; hỗ trợ các đơn vị điểm đến tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch trên đa phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các lớp tập huấn, hỗ trợ chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức từ các chuyên gia đến đội ngũ cán bộ, người lao động tại các đơn vị điểm đến.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho rằng, Hà Nội là địa điểm có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng cần xây dựng những sản phẩm đặc trưng, gắn với khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan, làng nghề, nông nghiệp. Hà Nội cần hoạch định không gian du lịch để tạo thành tuyến du lịch xuyên thủ đô. Các quận, huyện cần kết nối tour, tuyến du lịch với các loại hình khác nhau; cần liên kết sản phẩm, dịch vụ theo vùng; khai thác các giá trị điểm đến để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo; ứng dụng công nghệ để kết nối dịch vụ...
Ngoài ra, để thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, các đại biểu tham dự tọa đàm cũng cho rằng các quận, huyện cần quy hoạch, nâng cấp cơ sở hạ tầng đạt chuẩn, đẩy mạnh lĩnh vực du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa và du lịch tâm linh; hình thành các ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp bổ trợ du lịch như: hoạt động kinh tế đêm, công nghiệp văn hóa… Các sản phẩm du lịch cần phải có yếu tố sáng tạo, đáp ứng đúng nhu cầu, đảm bảo thẩm mỹ và an toàn vệ sinh. Hơn nữa, việc kết nối các khu, điểm du lịch của các quận, huyện với các điểm du lịch trong Thành phố là một trong những yếu tố then chốt để phát triển du lịch.
“Tọa đàm này sẽ là cơ sở, là tiền đề giúp 28 khu, điểm du lịch đã được UBND Thành phố công nhận cũng như gần 130 khu, điểm tham quan du lịch khác trên địa bàn Thành phố kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, nhằm đưa khách du lịch đến với các điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố, giúp tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp du lịch từng bước phục hồi, phát triển, tạo động lực thúc đẩy ngành Du lịch Thủ đô phát triển bền vững” ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.
Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt khách (năm 2021 Thủ đô Hà Nội không đón khách du lịch quốc tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19); khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng 4,3 lần so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021. Hà Nội tiếp tục đặt các mục tiêu lớn đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế). Từng bước phấn đấu đưa Hà Nội nằm trong nhóm thành phố có ngành Du lịch chuyên nghiệp, phát triển có thương hiệu, sản phẩm uy tín, có các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.
|
Lan Phương