Tăng cường phòng dịch, đảm bảo an toàn tại các lễ hội
Theo ông Phạm Văn Hiệu - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hưng Yên cho hay: sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và khống chế trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng như trên cả nước, Hưng Yên đã cho phép các di tích, điểm du lịch mở cửa trở lại từ đầu tháng 3/2021. Cũng theo ông Hiệu: để thực hiện vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Hưng Yên đã tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc thực hiện đầy đủ theo quy định, chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ VHTTDL tại các di tích, điểm du lịch; chủ động trong công tác quản lý, rà soát các hoạt động cung ứng dịch vụ, lữ hành; yêu cầu các khu, điểm du lịch trên địa bàn tăng cường kiểm soát, kiểm tra chất lượng dịch vụ; chú trọng công tác đảm bảo an toàn cho du khách đi dự lễ hội; tăng cường công tác vệ sinh môi trường tại các cơ sở du lịch, điểm đến. Bên cạnh đó, Hưng Yên cũng chú trọng tới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Phối hợp giữa Sở VHTTDL với Hiệp hội Du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tìm cách tái khởi động với nhiều giải pháp, chiến lược phát triển du lịch trong tình hình mới. Xây dựng và cung ứng sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách lẻ, khách đoàn đảm bảo yếu tố an toàn cao nhất.
Giám đốc Sở VHTTDL Lạng Sơn - ông Nguyễn Phúc Hà chia sẻ: Mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng lượng khách đến Lạng Sơn thời gian qua chủ yếu vẫn là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam; lái xe vận chuyển hàng hóa tại khu vực cửa khẩu đường bộ; du khách đi dự lễ hội. Lạng Sơn vẫn thực hiện đúng sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch đến các doanh nghiệp du lịch và toàn thể người dân; tuyên truyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn cho du khách tại các lễ hội cũng như các điểm du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp nhằm từng bước khôi phục hoạt động du lịch: triển khai đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 dành cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và cơ sở lưu trú; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch để thu hút khách du lịch trong thời gian tới, nhất là trong những ngày lễ, tết. “Lạng Sơn cũng tích cực triển khai việc hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ lao động du lịch; xúc tiến quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch Lạng Sơn bằng nhiều hình thức: mạng xã hội, website, ấn phẩm, clip, truyền hình; kết nối với các công ty lữ hành, vận chuyển khách du lịch; có các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp; giảm giá vé tham quan các khu điểm du lịch; giảm giá phòng nghỉ từ 20 - 30%”. Ông Hà cho hay.
Khai thác thế mạnh, xây dựng nhiều sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn
Ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình thông tin: năm 2021, Quảng Bình xác định tập trung vào thị trường khách nội địa với chương trình “Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình” và “Mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên, một đại sứ du lịch”. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19, Quảng Bình tăng cường công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ VHTTDL; xây dựng các phương án đảm bảo an toàn tại các lễ hội, vệ sinh môi trường; tăng cường giám sát các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch, đón và phục vụ khách du lịch trong tình hình mới. Quảng Bình chú trọng phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, thám hiểm hang động, du lịch biển, du lịch lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh - tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, ẩm thực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý, nghiệp vụ nghề du lịch, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về phát triển du lịch cộng đồng bền vững; xây dựng văn hóa du lịch trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai áp dụng có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử du lịch Quảng Bình; tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch.
Để góp phần xây dựng Đà Nẵng là điểm đến an toàn, hấp dẫn, Sở Du lịch đã ban hành các Quyết định về hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 đối với các khu điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú. Đồng thời, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế” và chuẩn bị các điều kiện đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép. Ông Nguyễn Xuân Bình Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, trong thời gian qua Sở Du lịch Đà Nẵng đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch để gìn giữ điểm đến an toàn; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, điểm đến an toàn và truyền thông điểm đến được giải thưởng quốc tế; đẩy mạnh công tác xúc tiến, tổ chức các chương trình kích cầu, thu hút khách du lịch; đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mới; tổ chức các sự kiện hấp dẫn, quy mô lớn để thu hút khách du lịch; triển khai liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch.
Bà Nguyễn Thị Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cho biết: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời ban hành các Nghị quyết định hướng phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Nhờ chính sách kích cầu của tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã tích cực hưởng ứng, triển khai đa dạng chương trình “giảm giá nhưng không giảm chất”, thu hút lượng lớn du khách đến với Quảng Ninh. Bà Bảo cũng cho biết: Trong năm 2021, Du lịch Quảng Ninh vẫn tăng cường công tác phòng, chống dịch, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ. Cùng với những nỗ lực kích cầu thị trường trong nước, Quảng Ninh cũng tận dụng thời gian để nâng cấp sản phẩm dịch vụ và du lịch; thực hiện công tác xúc tiến và quảng bá về một Quảng Ninh an toàn, thân thiện; sẵn sàng chào đón khách quốc tế khi thị trường này phục hồi. Đồng thời, Quảng Ninh tập trung nghiên cứu phát triển kinh tế đêm, lấy trung tâm Yên Tử làm trọng tâm. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng, hoàn thiện, khai thác tốt hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ gắn với hạ tầng giao thông đồng bộ; khai thác hiệu quả hệ thống cửa khẩu, cảng hàng không và cảng biển; hình thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. “Thời gian tới, Quảng Ninh cũng sẽ thúc đẩy liên kết chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả hơn nữa với các địa phương khác như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… nhằm bổ sung lợi thế của nhau, tận dụng tối đa quy mô thị trường, điều kiện hạ tầng và những sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt của mỗi vùng miền để thu hút du khách”, bà Bảo chia sẻ thêm.
Theo ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa: thời gian qua, ngành Du lịch đã tập trung phát triển mạnh mẽ các loại hình nghỉ dưỡng biển chất lượng cao, kết hợp vui chơi trên biển, tham quan, khám phá đại dương, như: ca nô kéo dù, mô tô nước, lặn biển bằng bình khí, đi bộ dưới đáy biển, trò chơi bay nhào lộn trên mặt nước bằng thiết bị áp suất nước, khu hoạt động thể thao trên biển. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch leo núi, tắm thác, trải nghiệm du lịch nông thôn, tắm suối nước khoáng nóng, các hoạt động lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian… Từ giữa năm 2020 đến nay, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Khánh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kết nối doanh nghiệp, kích cầu thu hút khách như: xây dựng website nhatrangnow.com đăng các thông tin, chào bán gói sản phẩm, dịch vụ khuyến mãi; kích cầu, tổ chức các đoàn Famtrip đến Khánh Hòa; triển khai nhiều chương trình Roadshow đi quảng bá tại các địa phương; trao đổi hợp tác trực tuyến giữa doanh nghiệp du lịch Khánh Hòa với doanh nghiệp du lịch cả nước và quốc tế; tổ chức phiên chợ du lịch trực tuyến hàng tháng để kết nối kinh doanh với các công ty quốc tế. Bên cạnh đó, du lịch Khánh Hòa còn khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thường xuyên triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho các doanh nghiệp lữ hành, du khách để kích cầu du lịch nhưng vẫn phải luôn đảm bảo chất lượng, sản phẩm dịch vụ.
Tuấn Sơn