Tọa đàm do UBND tỉnh Thái Nguyên, TCDL phối hợp tổ chức “Hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc” nhằm bàn thảo, góp ý, đánh giá và gợi mở các ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch mới trên cơ sở kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành trong vùng với nhau và với cả nước.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng ban Tổ chức chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XII - Thái Nguyên 2021 cho biết, thời gian qua các tỉnh thành cả nước nói chung và 6 tỉnh vùng Việt Bắc nói riêng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát huy tối đa và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương.
Đối với Thái Nguyên, Nghị quyết Đại hội đại biểu của tỉnh lần thứ XX năm 2020 -2025 đã xác định, phát triển dịch vụ thương mại là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Tháng 3/2021 UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án Phát triển Du lịch giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030 với mục tiêu đưa Thái Nguyên thành trung tâm du lịch vùng Việt Bắc, phát triển Du lịch thành ngành kinh tế quan trọng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng. Trong đó, có các tiêu chí cụ thể: Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượng khách du lịch khoảng 10%, đón 3,2 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm mới cho 16 ngàn lao động. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3 ngàn tỷ đồng/năm; đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng bình quân về lượng khách du lịch đạt 12%/năm, đón 5-6 triệu lượt du khách, tạo việc làm mới cho khoảng 24 ngàn lao động. Tổng doanh thu đạt 6 ngàn tỷ đồng/năm.
Thái Nguyên đã có nhiều nhà đầu tư vào du lịch, tiêu biểu doanh nghiệp Dũng Tân với mô hình du lịch khácbiệt, tạo sức hút với du khách; KDL Thái Hải đầu tư những sản phẩm du lịch có chiều sâu với nét đặc sắc văn hóa dân tộc Tày... Sắp tới, Thái Nguyên cũng sẽ mời thêm những nhà đầu tư lớn khác như Xuân Trường, Flamingo... đầu tư về cơ sở hạ tầng và sản phẩm mới. Dự kiến, đến năm 2023 - 2024 Thái Nguyên sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu để phục vụ du khách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên hy vọng các địa phương, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu, góp ý xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, kết nối điểm đến của các tỉnh tạo thành chuỗi sản phẩm liên vùng... để góp phần đưa Việt Bắc thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh, Việt Bắc có nguồn di sản đồ sộ, đặc sắc, hấp dẫn chắc chắn sẽ lôi cuốn du khách bởi sự riêng biệt với bầu không khí thiêng liêng của đại ngàn, với những di sản phi vật thể tiêu biểu: Then của người Tày Thái Nguyên, lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, dân ca của dân tộc Nùng Lạng Sơn, múa khèn của người Mông Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang… cũng là những tiềm năng, thế mạnh của Vùng.
Nhiều năm qua 6 tỉnh Việt Bắc đã có sự nỗ lực trong công tác phối hợp xúc tiến quảng bá, tạo sản phẩm… thông qua chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Sự hợp tác này bước đầu đã có kết quả, đó là lượng khách đến với các tỉnh nhiều hơn, đem lại nguồn thu kinh tế cho các địa phương.
Tuy nhiên, qua 2 vòng triển khai Chương trình vẫn còn hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách quốc tế và khách hạng sang. Sự liên kết giữa các tỉnh, các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, chưa tạo được sản phẩm du lịch liên vùng mang tính kết nối. Thị trường tour vẫn chỉ dừng lại ở từng tỉnh riêng lẻ, du khách đến từng tỉnh và đi về trong ngày…
“Tôi mong muốn chất lượng dịch vụ du lịch của Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh Việt Bắc nói chung có sự thay đổi bằng cú hích sản phẩm mới; những tour kết nối đáp ứng nhu cầu của du khách và đem lại nguồn thu cho ngành Du lịch các tỉnh Việt Bắc. Có thể tour 3-4 ngày cho du khách ở lại 6 tỉnh Việt Bắc, hoặc tour 3 ngày 2 đêm tại 2 tỉnh...” – bà Mai bày tỏ.
Đồng thời, Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên cũng mong muốn chương trình liên kết phát triển du lịch giữa 6 tỉnh Việt Bắc sẽ tiếp tục được mở rộng liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các thị trường du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Bình…
Tại tọa đàm, đa số các đại biểu đã thẳng thắn góp ý, đánh giá thực trạng về chất lượng sản phẩm du lịch, hoạt động liên kết, khai thác các tour, tuyến du lịch vùng Việt Bắc với du lịch cả nước; trao đổi kinh nghiệm tổ chức sự kiện, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như những kỳ vọng, mong muốn của các doanh nghiệp du lịch trong hoạt động liên kết với tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh vùng Việt Bắc nói chung.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao các ý kiến, ý tưởng có ý nghĩa thiết thực giúp tìm giải pháp thúc đẩy liên kết du lịch vùng, tạo ra các sản phẩm du lịch ngày càng chất lượng, góp phần phục hồi ngành du lịch trong thời điểm sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, trong giai đoạn tới, để tiếp tục phục hồi các hoạt động du lịch, ngành Du lịch cần tiếp tục quan tâm đến thị trường du lịch nội địa, phát triển các sản phẩm du lịch mới, tăng cường xúc tiến, quảng bá; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch.
Trước mắt, ngành Du lịch nói chung và du lịch các tỉnh Việt Bắc cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục khai thác tiềm năng, phát triển du lịch nội địa bền vững. Trong đó, luôn đặt yếu tố an toàn làm ưu tiên hàng đầu trong việc triển khai hoạt động du lịch theo hướng dẫn của ngành y tế và theo bộ tiêu chí du lịch an toàn mà Tổng cục Du lịch đã ban hành; Nâng cao năng lực doanh nghiệp bền vững thông qua liên kết, chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực, cố gắng giữ lực lượng lao động chất lượng cao, duy trì việc sửa chữa cơ sở vật chất, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, từng bước thực hiện chuyển đổi số. Việc nâng cao năng lực không chỉ giúp các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn mà còn sẽ giúp ứng phó tốt hơn với các rủi ro hiện tại và trong tương lai. Đặc biệt phải tăng cường liên kết, phối hợp liên ngành, kết nối doanh nghiệp và địa phương để đẩy mạnh công tác xúc tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những gói sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn cho khách du lịch.
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp và điểm đến cần chú trọng tìm hiểu về nhu cầu và xu hướng đi du lịch của du khách để đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch phù hợp thị trường khách nội địa, tiến hành các chương trình khuyến mãi kích cầu phù hợp, không chỉ là yếu tố về giá mà còn nâng cao giá trị của sản phẩm dịch vụ cung ứng. Đặc biệt, cần có chiến dịch truyền thông, xúc tiến hiệu quả. Tiếp tục tăng cường truyền thông với các thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố an toàn, giá cả hợp lý và chất lượng dịch vụ đảm bảo. Tổng cục Du lịch luôn sẵn sàng đồng hành với các địa phương trong phát triển du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh truyền thông kích cầu du lịch nội địa, cũng như chuẩn bị để chào đón khách quốc tế trở lại Việt Nam khi các điều kiện cho phép trong thời gian sớm nhất.
Trong khuôn khổ tọa đàm, đại diện các Sở VHTTDL Vùng Việt Bắc đã ký cam kết hợp tác, kết nối, đồng hành để đưa du lịch Vùng bứt phá bằng những điểm sáng mới, xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh và sự kỳ vọng. Cũng tại tọa đàm, Hiệp hội du lịch, Hội du lịch Cộng đồng các tỉnh, 35 đơn vị doanh nghiệp lữ hành đã ký cam kết chung tay xây dựng sản phẩm mới, kết nối các tỉnh Vùng Việt Bắc với cả nước để tạo ra những gói sản phẩm đáp ứng trúng nhu cầu của du khách trong bối cảnh mới.
Đoàn Hoa