Với mục tiêu để thu hút du khách trở lại sau thời gian tạm gián đoạn vì ảnh hưởng dịch bệnh, sản phẩm,dịch vụ du lịch phải có sức hấp dẫn, mới mẻ, nhiều địa phương đã tập trung phát triển, hoàn thiện các điểm đến mới, bổ sung dịch vụ, sản phẩm du lịch phù hợp với thế mạnh của địa phương.
Đa dạng các chương trình kích cầu và sản phẩm du lịch
Các địa phương và doanh nghiệp đã tung ra nhiều chương trình kích cầu để thu hút khách du lịch trong năm 2021. Chương trình kích cầu du lịch đã làm hồi sinh thị trường du lịch nội địa, là điểm tựa cho sự phục hồi của ngành du lịch, đồng thời giúp giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 gây ra. Đặc biệt, một số địa phương đã xây dựng và khai trương website kích cầu du lịch nhằm giúp du khách có thể tìm kiếm thông tin chính thức từ các doanh nghiệp và tăng tính tương tác giữa du khách và nhà cung cấp dịch vụ.
Làm thế nào để khai thác bền vững và hiệu quả các giá trị di sản, văn hóa truyền thống của địa phương tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng, mang dấu ấn riêng có phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của các thị trường khách, trước hết đó là thị trường khách nội địa, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, để đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa cần đa dạng hóa sản phẩm và mang đậm tính vùng miền địa phương: du lịch thông minh, du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch nghệ thuật, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm. Khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch mới tại những khu vực còn khó khăn những có tiềm năng du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực nông thôn một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.
“Để phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá thì cũng cần nhìn nhận vai trò các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương là rất quan trọng thể hiện trong các mặt như: doanh nghiệp khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch để phát triển sản phẩm phải có trách nhiệm bảo vệ và tái tạo, đảm bảo yếu tố bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư; phối hợp cùng chính quyền địa phương ngăn chặn, hạn chế những tác động xấu xảy ra trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch như ô nhiễm môi trường, biến đổi da dạng sinh học, xung đột văn hóa; xác định thị trường và phân khúc khách du lịch, có chiến lược quảng bá tiếp thị và thông tin về sản phẩm du lịch bằng nhiều phương tiện kể cả trong và ngoài nước; thực hiện nếp sống văn minh du lịch, có thái độ lịch sự, thân thiện, mến khách, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và địa phương”. TS. Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình chia sẻ.
Nhấn mạnh sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút du khách, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang chia sẻ, tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch, nhanh chóng, linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút khách; đảm bảo xây dựng thương hiệu điểm đến an toàn cho du khách trong bối cảnh đại dịch Covid–19. Tỉnh Hà Giang đã triển khai quyết liệt việc đảm bảo đủ 4 tiêu chí an toàn: phương tiện vận chuyển khách an toàn, cơ sở lưu trú an toàn, nhà hàng an toàn và điểm đến an toàn; tạo tâm lý an tâm cho du khách khi đến Hà Giang. Hà Giang cũng đã xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa, tập trung khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp và tư nhân kinh doanh hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh đồng thời vừa thực hiện chính sách giảm giá vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, triển khai nhiều chương trình tri ân, khuyến mại... Song song với đó, tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định đồng loạt giảm giá vé tham quan từ 50-80% tại các điểm du lịch.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, du lịch biển, đảo đã trở thành thương hiệu của du lịch Bình Định. Tỉnh Bình Định đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; sinh thái, khám phá biển, lặn biển ngắm san hô; phát triển sản phẩm thể thao, vui chơi giải trí ở các bãi biển gắn với mua sắm, ẩm thực. Lượng khách tham quan, khám phá du lịch biển, đảo ngày càng tăng. Bình Định cũng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Lý, Bãi Xép - Phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn gắn với hoạt động như homestay, trải nghiệm ẩm thực địa phương, mua sắm đặc sản, hải sản. Bình Định tiếp tục phát triển các loại hình du lịch mới như: du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm và sự kiện kết hợp du lịch khoa học và các sản phẩm du lịch có tiềm năng khác; du lịch thể thao; ẩm thực; từng bước phát triển loại hình dịch vụ đêm…
Doanh nghiệp làm mới sản phẩm du lịch
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, trong đó ưu tiên cho yếu tố an toàn, trải nghiệm thiên nhiên, sinh thái, đi nhóm nhỏ, thời gian ngắn, sử dụng công nghệ… Do vậy, các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của khách. Một số sản phẩm mới được quan tâm trong thời gian qua như: tour Caravan, suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh, ngắm vịnh Hạ Long bằng thủy phi cơ, tham quan gốm Chu Đậu, tour tham quan nhà tù Hỏa Lò về đêm, bay khinh khí cầu và ngắm hoa dã quỳ ở Ba Vì, cung đường du lịch mùa đông, du lịch nông nghiệp… Sự ra đời những sản phẩm mới đã tạo nên không khí sôi động trên thị trường du lịch trong nước, mang lại nhiều lựa chọn cho du khách.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành – Tổng cục Du lịch, đối với thị trường khách nội địa, tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Toàn ngành tăng cường truyền thông ngoài thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, tập trung về tiêu chí sức khỏe, an toàn, các điểm đến gần nhà và các chuyến đi ngắn ngày với chi phí hợp lý, các yếu tố liên quan đến sự an toàn và trình độ y tế, khả năng hỗ trợ sức khỏe của điểm đến; cải thiện chất lượng dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch nhằm đảm bảo năng lực cung ứng trong môi trường du lịch mới khi thói quen tiêu dùng, nhu cầu du lịch của du khách có nhiều thay đổi. Đối với sản phẩm du lịch Việt Nam, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu, đảm bảo cân bằng giữa thương mại, dịch vụ và bảo tồn văn hóa, thiên nhiên. Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế của Du lịch Việt Nam như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái.
Doanh nghiệp cũng tham gia tích cực những chương trình du lịch kích cầu, mang đến cho khách hàng cơ hội trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá cả ưu đãi.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách có thể an tâm trải nghiệm và đảm bảo yếu tố an toàn trong du lịch được đặt lên hàng đầu, Công ty Du lịch Vietravel đã tung ra loại hình tour du lịch mới "Du lịch bằng xe riêng" hay "Du lịch bằng xe tự lái".
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, doanh nghiệp tập trung khai thác du lịch nội địa dành cho nhóm khách lẻ với các điểm đến trong ngày, dài ngày, thuận tiện di chuyển đường bộ hoặc với các chặng bay ngắn, tour tàu cao tốc, tàu lửa... Công ty đồng thời mở rộng các tour nội vùng (tour khám phá TP. Hồ Chí Minh/Hà Nội), các tour liên kết vùng giữa các địa phương, cải tiến các tour dành cho khách quốc tế trước đây cho du khách Việt Nam với những trải nghiệm mới theo hành trình Ta đi tour Tây, lấy du lịch nội địa làm mũi nhọn với nguồn khách gần 100 triệu dân làm đòn bẩy trong hoạt động kinh doanh. Hình thức du lịch MICE truyền thống được ‘làm mới’ thông qua việc kết hợp với hình thức Caravan xe tự lái.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, Cao Trí Dũng cũng chia sẻ, nhằm thu hút khách du lịch nội địa trong năm 2021, Sở Du lịch Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội Du lịch các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Bình tổ chức chương trình thu hút khách du lịch năm 2021 với chủ đề “Miền Di sản diệu kỳ”. Chương trình nhằm khẳng định và quảng bá hình ảnh du lịch của 4 địa phương đã nổi tiếng với các di sản độc đáo. Du khách sẽ được cảm nhận nhiều cảm xúc, trải nghiệm thú vị đầy ngạc nhiên từ các nhóm sản phẩm khi đến tham quan, du lịch Miền di sản diệu kỳ.
Cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đang có nhiều cơ hội đưa du lịch phục hồi sớm, trong đó, golf được coi là mũi nhọn đột phá của ngành công nghiệp không khói này.
“Golf là thị trường rất tiềm năng của du lịch Việt Nam. Đặc trưng của thị trường golf khác với du lịch thông thường, đó là tỷ lệ du khách sẽ quay lại nhiều lần. Ngoài ra, đối tượng của loại hình du lịch này có khả năng chi trả cao cho dịch vụ khách sạn, nhà hàng cao cấp… Sân golf ở Việt Nam được đánh giá có chất lượng cao, cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách. Phát huy những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf sẽ là một đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam trong những năm tới. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để đề xuất thực hiện phương án đón khách quốc tế chơi golf và cách ly”, ông Phạm Thành Trí - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (VTGA) chia sẻ.
Với phương châm trước mắt tập trung phục hồi thị trường du lịch nội địa, nhiều doanh nghiệp lữ hành, các địa phương đã nhanh chóng thích nghi, linh hoạt thiết kế các hành trình tour phù hợp, cải tiến hoặc đổi mới các sản phẩm để thu hút du khách nội địa trong dịp hè.
Nhâm Hiền