“Vân Hồ - Dòng chảy ý tưởng” là một chương trình nghệ thuật âm nhạc đặc biệt do các nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam cùng sáng kiến, dàn dựng và trình diễn như một món quà đặc biệt mà họ muốn dành tặng cho miền đất cũng rất đặc biệt. Chương trình do NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm Tổng đạo diễn và có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu trong nhiều lĩnh vực trên cả nước như Khánh Linh, Ngọc Khuê, Hà Lê, Phó An My, Quyền Thiện Đắc, Trí Minh, NSND Đào Trung… Đảm nhận vai trò dẫn chương trình là 2 MC Diễm Quỳnh và Nguyễn Hữu Chiến Thắng.
Theo Ban Tổ chức, đây là lần đầu tiên giữa núi rừng Tây Bắc sẽ có màn biểu diễn nghệ thuật thực cảnh – là hình thức thể hiện hấp dẫn nhất, kết nối truyền thống với đương đại. Cùng với đó, thông qua sự kết hợp của các nghệ sĩ nối tiếng kết hợp với hàng trăm nghệ sĩ dân gian đến từ các bản làng khắp các rẻo cao nguyên Vân Hồ sẽ mang đến cho khán giả một đêm diễn thăng hoa và có chiều sâu văn hóa. Đặc biêt, tại chương trình nhạc sĩ Lưu Hà An cũng sẽ công bố ca khúc mới viết riêng tặng Vân Hồ. Dự kiến chương trình sẽ có sự tham dự của khoảng 10.000 người, là bà con các dân tộc tỉnh Sơn La, các tỉnh của Tây Bắc, cũng như du khách từ mọi miền Tổ quốc.
Theo Tổng đạo diễn chương trình Trần Ly Ly cho biết, ở Vân Hồ, đồng bào dân tộc Mông là chủ đạo với văn hóa 10 mặt trời và 9 mặt trăng đã tạo nên những nét độc đáo cho chương trình với mỗi mặt trăng là một sự sáng tạo. Sự kiện sẽ là một cuộc chơi của sự sáng tạo. Đây sẽ là một cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ và nghệ sĩ và là cuộc đối thoại của truyền thống và đương đại.
Nhân dịp này, họa sĩ, điêu khắc gia Bảo Toàn cũng đặc biệt dành tặng Vân Hồ tác phẩm sắp đặt mang tên Cửu Thạch Trụ. Tác phẩm gồm 9 cột trụ cao thấp, to nhỏ khác nhau, được đặt trong không gian hình cầu tạo bởi 5 cây xanh, nằm giữa mênh mang của núi rừng. Điêu khắc gia Bảo Toàn đã lấy chính đá và sỏi của Vân Hồ, kết hợp với sắt thép, dùng cáp phản quang như một cách điệu cho sợi lanh trong khung cửi đặc trưng của bà con dân tộc, đồng thời phủ lớp sơn phản quang màu vàng cam để tạo hiệu ứng đặc biệt khi trình chiếu trong ánh sáng. Tác phẩm không chỉ thể hiện dấu ấn trường tồn mạnh mẽ của con người với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, mà còn ca ngợi tình đoàn kết, ý chí vươn lên không ngừng của các dân tộc thiểu số tại Vân Hồ. Tác phẩm sẽ được đặt long trọng tại trung tâm hành chính huyện Vân Hồ, trở thành một trong những công trình biểu tượng giao thoa văn hóa nổi bật nhất của địa phương khi giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế.
Huyện Vân Hồ được thành lập theo Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 10/6/2013 của Chính phủ, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mộc Châu, thành lập huyện Vân Hồ thuộc tỉnh Sơn La, với tổng diện tích tự nhiên: 98.289 ha, gồm 14 xã với 115 bản, tiểu khu. Vân Hồ khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ không khí trung bình/năm khoảng 18,50C đến 250C, Vân Hồ được thiên nhiên ưu đãi những điều kiện tuyệt vời về môi trường, sản vật và tài nguyên… Bên cạnh những giá trị tự nhiên, các di tích gắn với lịch sử dựng và giữ nước, di sản của Vân Hồ còn phải kể đến các giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống và nhân văn của cộng đồng các dân tộc chung sống tại đây từ nghìn đời.
Với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống và phát triển (Mông, Thái, Kinh, Mường, Dao), Vân Hồ là vùng đất có sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc, được thể hiện qua các khía cạnh phong tục, tập quán, trang phục, nghệ thuật, ẩm thực… Vân Hồ cũng có nhiều thắng cảnh tự nhiên như: rừng thông, đồi chè, thác Tạt Nàng (xã Chiềng Yên), thác Chiềng Khoa; thác suối Bon; suối nước nóng (xã Chiềng Yên),... và các hang động như: hang Pắc Pa, hang Hằng, hang Thăm (xã Xuân Nha)… Đặc biệt, hiện nay Vân Hồ đã xây dựng được bản du lịch đầu tiên là - Chiềng Đi 1 (quần tụ 5 dân tộc, với hướng phát triển du lịch xanh, bền vững – nơi tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống).
Tuấn Sơn