Nhiều sản phẩm độc đáo, ấn tượng
Tour du lịch “Đêm hoàng cung Thăng Long” dành cho khách nước ngoài do Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội phối hợp với Công ty Du lịch bền vững (S.T.I.D) đã chính thức ra mắt tối ngày 4/1. Giám đốc S.T.I.D Phùng Quang Thắng cho biết, “với mong muốn thu hút khách du lịch quốc tế đến Hoàng thành Thăng Long nhiều hơn trong năm 2023, cũng như đa dạng hóa sản phẩm du lịch đêm cho Hà Nội, các đơn vị đã phối hợp cho ra mắt phiên bản tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long cho khách quốc tế. Phiên bản này có nhiều đổi mới, khác biệt so với tour đêm cho khách nội địa “Giải mã Hoàng thành Thăng Long ra mắt vào tháng 4/2022”. Phiên bản mới sẽ mang đến cho du khách những khám phá, trải nghiệm mới, phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế”.
Phiên bản mới có độ dài 120 phút, giúp du khách trải nghiệm trong một không gian Hoàng cung lung linh về đêm, từ kiến trúc, nghệ thuật cho đến các di tích khảo cổ học. Du khách được mặc trang phục cổ xưa, tham gia hành trình trải nghiệm nhiều cảm xúc từ cổng Đoan Môn, xem múa rối nước và múa rối cạn với nội dung kể câu chuyện về Thăng Long, khám phá sự độc đáo của những cổ vật Hoàng cung, tham quan điện Kính Thiên... Ngoài ra, du khách còn được khám phá khu khảo cổ (18 Hoàng Diệu) để tìm hiểu dòng chảy của lịch sử 13 thế kỷ một cách sinh động như: khám phá bức tường gạch cổ, dòng sông cổ, những chiếc giếng cổ từ thời nhà Lý, Trần, Lê; trải nghiệm lấy nước từ giếng cổ nhà Trần. Kết thúc hành trình tour là khám phá ẩm thực cung đình dưới tá bồ đề với những chiếc bánh chưng, bánh dày, chè tổ yến...
Bên cạnh đó, để đón khách quốc tế đến Việt Nam, nổi bật khách khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc… các công ty lữ hành ở Hà Nội và nhiều địa phương đã nghiên cứu, xây dựng sản phẩm tour du lịch tìm hiểu, khám phá về đất nước, con người Việt Nam; khám phá nét văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam qua Tết cổ truyền; phong tục đón Tết, các lễ hội truyền thống cùng tìm hiểu, trải nghiệm nét ẩm thực độc đáo của các vùng miền... Tiêu biểu như tour du lịch văn thơ “chữ Tâm, chữ Tài”, “sắc thái Văn hóa Bắc Ninh”...; ngoài ra, các đơn vị lữ hành cũng xây dựng các tour du lịch quốc tế đi trong dịp Tết và đầu Xuân Quý Mão. Các điểm đến ở Hà Nội và nhiều địa phương cũng đã và đang triển khai xây dựng những sản phẩm mang nét đặc trưng có sức hút với du khách, quan tâm đến đến công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách.
Phó Giám đốc Vietravel - Chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy cho biết, công ty đã xây dựng sẵn nhiều hành trình từ 3 đến 7 ngày, phù hợp với gian được nghỉ Tết, nổi bật là chương trình khuyến mại chào Xuân 2023. Bên cạnh các thị trường truyền thống, Vietravel - Chi nhánh Hà Nội cũng hướng tới một số thị trường quốc tế xa như Israel, Dubai, Ai Cập, Nam Phi hay tuyến du lịch tâm linh đến Ấn Độ, Myanmar… Hanoitourist cũng đưa ra sản phẩm trải nghiệm đêm ấn tượng. Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho hay, ngoài những sản phẩm du lịch truyền thống, trong năm 2023, Hanoitourist sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng sản phẩm theo chiều sâu và gắn với các trải nghiệm cá nhân. Hơn nữa sẽ khai thác và đưa vào các hoạt động trải nghiệm ban đêm và dự kiến trước mắt Hanoitourist sẽ kết hợp với Ban quản lý di tích phố cổ và hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, khai thác sản phẩm tour đêm khám phá phố cổ dành cho du khách.
Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, để chuẩn bị các sản phẩm du lịch mới đón khách quốc tế trong địp đầu Xuân Quý Mão cũng như năm 2023, từ cuối năm 2022, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch gắn với kinh tế ban đêm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, khảo sát đánh giá hiện trạng các loại hình dịch vụ, sản phẩm chủ lực về đêm. Trên cơ sở đó, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu, đề xuất một số tour phát triển sản phẩm du lịch đêm để phát triển phù hợp với tình hình của địa phương và nhu cầu, thị hiếu của du khách.
Tương tự, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung phát triển 5 tuyến du lịch: tuyến các quận trung tâm; tuyến Hà Đông - Mỹ Đức kết hợp với Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình) để đẩy mạnh trục du lịch tâm linh; tuyến Sơn Tây - Ba Vì - Quốc Oai; tuyến Đông Anh - Mê Linh với sản phẩm du lịch về hoa; tuyến Sóc Sơn với các sản phẩm du lịch trải nghiệm. Các quận, huyện cũng sẽ căn cứ đặc trưng của mình để phát triển sản phẩm phù hợp, trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, các tuyến phố đi bộ… Trong năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội cũng tập trung đẩy mạnh các sản phẩm du lịch đường sông và du lịch MICE, du lịch golf, du lịch bay…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, Tết Âm lịch năm nay dự kiến mỗi ngày Đà Nẵng đón 50-55 chuyến bay quốc tế trực tiếp, đạt mức phục hồi khoảng 60% so với thời gian trước dịch.
Ông Dũng khẳng định, cộng đồng kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã cùng với cơ quan quản lý nhà nước có sự chuẩn bị rất tốt cho sự quay lại của các nguồn khách lớn. Trước hết đã khôi phục gần như toàn bộ các dịch vụ phục vụ khách du lịch, nguồn nhân lực du lịch đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, không còn xảy ra tình trạng thiếu nhân lực cục bộ tại một số thời điểm, ở một số đơn vị như các mùa Tết âm lịch trước. Đồng thời, đã khôi phục, xây dựng hệ thống sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu du khách trong tình hình mới, đó là các sản phẩm an toàn, cao cấp, tăng trải nghiệm, đồng sáng tạo, giá trị gia tăng cao... theo cấu trúc mới của nguồn khách đi lẻ, theo nhóm nhỏ, nhóm gia đình, tự đặt dịch vụ...
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, chúng ta cần xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và có lợi thế so sánh để phục vụ du khách dựa trên các thị trường trọng điểm. “Để các sản phẩm này sống được trong thời gian dài, ngoài việc có sự đầu tư nghiên cứu của các doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến, cần có sự tham gia, thúc đẩy với vai trò nhạc trưởng của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng như hiệp hội du lịch. Bên cạnh đó cần có sự kết nối với một số địa phương trọng điểm về du lịch của miền Bắc và cả nước như: Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh…” - ông Thái nhấn mạnh. Cũng theo ông Thái, kinh nghiệm từ các nước có ngành du lịch phát triển, các nước đang có tốc độ phát triển du lịch rất mạnh trong thời gian qua như Thái Lan, Hàn Quốc, UAE, Nhật Bản cho thấy, sản phẩm du lịch đặc sắc, có sự khác biệt chiếm một vai trò tiên quyết trong việc thúc đẩy chính sách xúc tiến, quảng bá để thu hút du khách tại các thị trường trọng điểm.
Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch, rất cần tháo gỡ những khó khăn, bất cập tạo thuận lợi đón du khách quốc tế đến Việt Nam trong dịp đầu Xuân Quý Mão cũng như năm 2023. Tại Hội nghị “Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc” do Bộ VHTTDL phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp lữ hành ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng… cũng đề xuất việc sớm thông báo chính sách visa, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, tạo môi trường du lịch lành mạnh, xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách Trung Quốc sau đại dịch, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Nhiều ý kiến cũng đề cập đến “tour 0 đồng” làm cho đất nước, con người Việt Nam bị hiểu sai và nhiều ý kiến cũng đề nghị cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý những tồn tại, bất cập, trong đó có xử lý “tour 0 đồng”, tour trốn thuế, tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp lữ hành.
Tuấn Hải