Thị trường nội địa ít khách
Giám đốc VietDa Travel Đinh Văn Lộc cho biết, đối với tour Tết năm nay, thị trường outbound (khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài) tốt hơn, thị trường nội địa cuối năm khách ít hơn. Khách chủ yếu đi theo nhóm gia đình, nhóm bạn là chính; tour chủ yếu từ 2-3 ngày, khách đi tour dài ngày ít và chủ yếu chọn đến những vùng thời tiết ấm. Tour outbound khách chủ yếu lựa chọn Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Các tiểu vương quốc Ả Rập, Thái Lan.
Giám đốc Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên chia sẻ, tour outbound không nở rộ như các năm do tình hình kinh tế khó khăn, du khách Việt cũng thắt chặt chi tiêu nên lượng khách đặt tour đến thời điểm này vẫn còn ít hơn so với mọi năm. Theo ông Vũ Văn Tuyên, dù có những thị trường khách Việt Nam sẽ đi trong dịp Tết, như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Nam Phi, Bắc cực. Tuy nhiên, Nhật Bản thì mới mở cửa; thị trường châu Âu đang bị hạn chế nhiều do cuộc khủng hoảng, giá lương thực và các mặt hàng đều tăng nên các nhà cung cấp dịch vụ đều tăng giá so với những năm trước, khiến giá tour cao hơn so với mặt giá chung sau dịch COVID-19.
Ông Vũ Văn Tuyên lý giải, tour tết năm nay, lượng khách không đông như mọi năm dù nhiều doanh nghiệp đã triển khai các combo, các chùm tour, những sản phẩm mới về du lịch. Lý do là sau thời gian giãn cách, khách nội địa đi du lịch nhiều với hơn 100 triệu lượt trong 8 tháng khắp Việt Nam. Chính vì vậy, du lịch trong dịp Tết đã không còn “hot” như các năm trước. Nếu khách có đi tham quan du lịch cũng sẽ chọn khu vực không đông người, không chọn biển do đã đi nhiều dịp sau dịch. Lựa chọn của khách sẽ nằm trong vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, nơi có nhiều cảnh đẹp, không đông người, có nhiều trải nghiệm mới, để họ tĩnh lặng lại. Đây cũng là dịp du Xuân, ngắm phong cảnh đẹp.
Mặc dù nhận định thị trường nội địa ít khách hơn, nhưng vẫn có doanh nghiệp tập trung nhiều hơn khai thác tour nội địa dịp Tết Nguyên đán. Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Du lịch Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh, Hồ Đức Phú cho biết, tour Tết năm nay, đơn vị chỉ khai thác một số tour trong nước. Theo ông Hồ Đức Phú, tình hình bán tour Tết chậm, các tour trong nước có thể khởi sắc hơn sau Tết Dương lịch. Với tour outbound, năm nay, các thị trường truyền thống trước đây như Hàn Quốc, Nhật Bản bán rất chậm, thậm chí nhiều doanh nghiệp bán hòa vốn.
Chờ mong tour Tết khởi sắc
Đưa ra thị trường tour Tết năm nay, Travelogy Việt Nam chào bán 3 sản phẩm mới. Sản phẩm Lâm Bình – Tuyên Quang trải nghiệm những bản dân tộc, ở homestay, đi du thuyền trên hồ thủy điện Na Hang. Sản phẩm Thái Nguyên tham quan các đồi chè, trải nghiệm các khu du lịch cộng đồng, bản dân tộc thiểu số. Sản phẩm Nam Định cũng được Travelogy Việt Nam tập trung giới thiệu, chào bán với trải nghiệm nhiều làng cổ, hệ thống eco-homestay đang hoạt động theo hướng du lịch xanh, bền vững.
Đối với thị trường khách inbound, Travelogy Việt Nam hướng đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách ở khu vực Tây Bắc và Đông Bắc. Đây là hai khu vực được khách quốc tế, đặc biệt là khách châu Âu mong muốn tham gia trải nghiệm trong thời gian Tết Nguyên đán. Khách du lịch Ấn Độ cũng sang Việt Nam nhiều trong dịp Tết, họ đi ngắn ngày, từ 3-5-7 ngày, Travelogy Việt Nam đều giới thiệu và chào bán các tour truyền thống như Sa Pa, Mai Châu, Hoa Lư, Hạ Long, Cát Bà. Đặc biệt nhất, khách Ấn Độ đều thích đến những nơi thuộc Di sản được UNESCO công nhận như Huế, Hạ Long, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha – Kẻ Bàng.
Không chỉ doanh nghiệp chờ mong, các địa phương cũng chờ mong. Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận định, Tết Nguyên đán năm nay, Đà Nẵng sẽ chứng kiến sự quay lại của một số nguồn khách lớn, trong đó khách nội địa dự kiến tiếp cận mức cao điểm của cùng kỳ trước dịch (năm 2019). Khách nước ngoài ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường khách Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các công ty du lịch cũng hy vọng thị trường khách Trung Quốc cũng kịp phục hồi ngay từ tháng 2/2023 khi Chính phủ Trung Quốc cho phép công dân đi du lịch nước ngoài và nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Hai thị trường lớn tiếp theo là Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) cũng có sự tăng trưởng trở lại rất tốt. Bên cạnh đó, có sự gia tăng của thị trường Ấn Độ - một thị trường mới rất tiềm năng, kết hợp với 2 thị trường truyền thống khác là Malaysia và Singapore khiến thị trường tour Tết càng trở nên nhộn nhịp. Tết Âm lịch năm nay, dự kiến mỗi ngày Đà Nẵng đón 50-55 chuyến bay quốc tế trực tiếp, đạt mức phục hồi khoảng 60% so với thời gian trước dịch.
Ông Cao Trí Dũng chia sẻ: “Cộng đồng kinh doanh du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã cùng với cơ quan quản lý nhà nước có sự chuẩn bị rất tốt cho sự quay lại của các nguồn khách lớn. Các dịch vụ phục vụ khách du lịch đã khôi phục gần như toàn bộ, nguồn nhân lực du lịch đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, không còn xảy ra tình trạng thiếu nhân lực cục bộ tại một số thời điểm, ở một số đơn vị như các mùa Tết Nguyên đán trước. Các doanh nghiệp cũng đã khôi phục, xây dựng hệ thống sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu du khách trong tình hình mới, đó là các sản phẩm an toàn, cao cấp, tăng trải nghiệm, sáng tạo, giá trị gia tăng cao... theo cấu trúc mới của nguồn khách đi lẻ, theo nhóm nhỏ, nhóm gia đình, tự đặt dịch vụ... Công tác quảng bá, xúc tiến, truyền thông được triển khai rất hiệu quả đến các thị trường lớn, qua cả kênh các công ty lữ hành, các nền tảng trực tuyến và trực tiếp đến khách hàng cuối cùng. Đặc biệt, Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2022 đã thu hút một lượng lớn chưa từng có các người mua cả trong và nước ngoài đến với Đà Nẵng, kỳ vọng sẽ lan tỏa thông tin, hình ảnh thu hút mạnh mẽ du khách đến Đà Nẵng”.
Phước Hà