Trung tâm Cứu hộ linh trưởng – Vườn quốc gia Cúc Phương là một điểm đến thú vị cho những du khách yêu thiên nhiên. Hiện nay, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng tại Cúc Phương nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 150 cá thể linh trưởng ở môi trường bán hoang dã thuộc 15 loài và phân loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, một số loài đặc hữu của Việt Nam: vọoc mông trắng, vọoc chà vá chân xám, vọoc Cát Bà….
Chăm sóc linh trưởng không phải một việc dễ dàng, không chỉ cần có kỹ năng mà cần có cả tình yêu với chúng. Phải mất nhiều ngày làm quen và “nịnh ngọt”, các nhân viên mới có thể mang thức ăn và vào chăm sóc. Mỗi ngày hai lần, các nhân viên tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Vườn quốc gia Cúc Phương phải vào dọn dẹp để giữ cho các chuồng luôn được sạch sẽ. Mỗi chú linh trưởng ở đây đều có một tên riêng. Chúng đều được cứu từ tay các thợ săn. Sau khi được chăm sóc, nuôi dưỡng, chúng sẽ được thả vào môi trường bán tự nhiên cho quen các tập tính rồi thả trở lại rừng.
Ở Trung tâm Cứu hộ linh trưởng có hơn 20 nhân viên. Họ chủ yếu là người dân địa phương. Hằng ngày, họ đi lấy thức ăn và chăm sóc cho đàn linh trưởng mà họ vẫn coi như “lũ trẻ” của mình. Họ tuyên truyền, vận động người dân địa phương cùng chung tay bảo vệ các loài thú của Cúc Phương. Ngoài ra, hàng năm còn có rất nhiều tình nguyện viên nước ngoài tìm đến Trung tâm giúp đỡ việc chăm sóc và tham gia nghiên cứu.
Sự ra đời của Trung tâm cứu hộ linh trưởng như một cái duyên. Năm 1991, Tiến sĩ Tilo Nadler, cùng một số thành viên của Hội động vật học FrankFurt (Đức) sang Việt Nam để khảo sát, nghiên cứu và chứng thực sự tồn tại của một loài động vật quý hiếm mang tên voọc mông trắng ở Vườn quốc gia Cúc Phương, loài linh trưởng quý hiếm được mô tả từ những năm 1930 nhưng 50 năm sau vẫn là một bí ẩn. Suốt những tháng ngày miệt mài lang thang trong đại ngàn Cúc Phương, cuối cùng, vị tiến sĩ người Đức say mê với rừng đã bắt gặp được “điều kỳ diệu” mà ông tìm kiếm bấy lâu.
Năm 1993, Hội động vật học thế giới ký chính thức với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giúp Việt Nam bảo tồn các loài thú linh trưởng. Trung tâm Cứu hộ linh trưởng tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã ra đời vào tháng 3/1993 do Tilo làm giám đốc. Điều làm cho vị tiến sĩ người Đức nhiều tâm huyết với rừng này hết sức tự hào là Trung tâm Cứu hộ linh trưởng là nơi đầu tiên trên thế giới cho sinh sản thành công đối với các loài linh trưởng trong môi trường nuôi nhốt, mở ra một hướng mới cho công tác bảo tồn.
Đến với Trung tâm Cứu hộ linh trưởng, Vườn quốc gia Cúc Phương, du khách không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp của tự nhiên, thăm thú “vương quốc” kỳ diệu của các loài thú linh trưởng tưởng như sắp rơi vào nạn tuyệt chủng mà còn được gặp gỡ những con người đáng trân trọng, được nghe những câu chuyện kỳ lạ, về tình yêu, về sự hi sinh với rừng. Câu chuyện tình của “linh trưởng chúa Tilo” là một trong những câu chuyện như vậy.
Trong những chuyến đi của mình ở Việt Nam, Tilo đã gặp Nguyễn Thị Thu Hiền, một cô gái Hà thành kém ông hơn 30 tuổi. Mặc dù, tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, có nhiều cơ hội công việc tốt chốn đô thành nhưng rồi Hiền đã bị Tilo cuốn hút cùng tình yêu với rừng. Những điểm chung đã khiên tình yêu giữa họ nảy nở và kết trái. Hiền quyết tâm bỏ phố lên rừng “cùng Til”, bất chấp sự phản đối của gia đình và thời gian đã chứng minh tình yêu của họ, sự gắn bó và hi sinh của họ đối với thiên nhiên đã thuyết phục được gia đình. Cả Hiền và Tilo quyết tâm ở lại Cúc Phương chung tay bảo vệ cho những “linh hồn” bé bỏng của rừng.
Hiện nay, Hiền và Tilo đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc, dưới tán đại ngàn Cúc Phương với hai cậu con trai thông minh. Không học ở trường quốc tế, hai cậu con trai được Tilo và Hiền cho theo học ở trường làng. Hằng ngày, ngoài giờ học, hai cậu bé giúp đỡ việc chăm sóc cho những chú linh trưởng và dạo chơi ở trong rừng. Tên của Huy và Khiêm cũng được đặt cho hai chú vọoc mông trắng sinh cùng ngày với hai cậu bé.
Tình yêu đối với rừng, đối với các loài linh trưởng và với cô gái Hà Thành đã giúp vị tiến sĩ người Đức từ bỏ cuộc sống xa hoa nơi trời Tây để gắn bó với Cúc Phương suốt hơn 20 năm qua. Vì lẽ đó, đến Cúc Phương du khách được lạc giữa đại ngàn nguyên sơ, được nghe, được thấy những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Hạ Phong