Ngành Du lịch đã ban hành Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu là đến năm 2020, du lịch biển trở thành ngành động lực của nền kinh tế biển Việt Nam, góp phần thực hiện thành công mục tiêu "đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển và đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH.
Có thể thấy, các hoạt động kinh tế biển đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách quốc gia và dự kiến đến năm 2020 sẽ đóng góp khoảng 53-55% GDP của Việt Nam; trong đó du lịch biển dự kiến sẽ đóng góp khoảng 60% tổng thu từ du lịch toàn quốc với 06 điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế, các cảng du lịch được hình thành và đi vào khai thác, thu hút được 22 triệu lượt khácH du lịch quốc tế và 58 triệu lượt khách nội địa... Tuy mang lại nhiều lợi ích như tăng trưởng kinh tế và giao lưu văn hóa, tạo việc làm cho lao động địa phương nhưng hoạt động du lịch cũng đóng vai trò khá lớn làm suy thoái môi trường ven biển. Đồng thời, chính ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học biển lại tác động trở lại, kìm hãm sự phát triển của các ngành kinh tế biển, biểu hiện đặc biệt rõ rệt đối với du lịch biển. Hệ thống xử lý vệ sinh kém; ô nhiễm môi trường sẽ làm giảm đi sức thu hút khách du lịch. Do vậy, việc bảo vệ môi trường biển, đảo hướng tới sự phát triển bền vững là hết sức cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước cũng như của ngành Du lịch.
Những thách thức về mặt môi trường đối với phát triển du lịch biển
Ô nhiễm môi trường biển có xu hướng gia tăng
Theo báo cáo hiện trạng môi trường biển Việt Nam năm 2010, môi trường nước mặt lục địa vùng ven biển đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do ô nhiễm đã và đang xảy ra ở nhiều đoạn sông. Môi trường nước biển ven bờ đã có dấu hiệu bị ô nhiễm, một số chỉ tiêu như COD, Amôni (N-NH4), dầu vượt quá quy chuẩn QCVN 10:2008 đối với nước biển ven bờ. Tại nhiều vùng cửa sông như Cửa Lục, Đồ Sơn, Ba Lạt, Rạch Giá,... hàm lượng N-NH4 đã vượt quá quy chuẩn Việt Nam đối với nước biển ven bờ cho nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ thuỷ sinh.
Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và y tế vùng ven biển không ngừng gia tăng qua các năm. Theo số liệu thống kê, lượng chất thải rắn phát sinh toàn dải ven biển năm 2009 là 14,03 triệu tấn (Báo cáo Hiện trạng môi trường biển 2010). Vấn đề thu gom, xử lý chất thải vùng ven biển tuy đã được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương quan tâm nhưng chưa được đầu tư đúng mức.
Nghiên cứu ở nhiều khu du lịch biển cho thấy, việc quản lý vệ sinh môi trường tại các khu du lịch vẫn còn nhiều bất cập như: thiếu lao động thu gom rác, việc bố trí các thùng chứa rác và bảng hướng dẫn bỏ rác ở các khu du lịch chưa hợp lý hoặc còn quá ít. Mặt khác, các cơ sở kinh doanh du lịch chưa có hệ thống xử lý nước thải, không ít du khách vứt rác tùy tiện và những người bán hàng rong không thu nhặt thức ăn thừa khách vứt trên bãi cát... đã gây ô nhiễm cục bộ tại một số khu, điểm du lịch. Ngoài ra, công tác quy hoạch phát triển du lịch ở nhiều địa phương không theo kịp yêu cầu phát triển, dẫn đến nhiều dự án được triển khai nhưng chưa đánh giá hết được tác động đến tài nguyên môi trường, do đó không có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
Đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển có xu hướng suy giảm
Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học về biển cao thể hiện qua sự đa dạng về hệ sinh thái và thành phần loài của khu hệ sinh vật biển với các dạng điển hình như: rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển,... Các hệ sinh thái trên có chức năng bảo vệ bờ biển, chống xói lở, duy trì quá trình sinh sản và ươm giống thủy sinh vật. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của con người và tai biến thiên nhiên trong thời gian gần đây đã và đang gây ra ảnh hưởng xấu đến các hệ sinh thái này. Đặc biệt là các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển đang bị suy giảm cả về chất lượng lẫn số lượng. Theo thống kê, diện tích rừng ngập mặn đã suy giảm một cách rõ rệt, năm 1943 cả nước có khoảng 408.500 ha, năm 2007 giảm xuống chỉ còn 209.741 ha, giảm gần 50%. Các thảm cỏ biển cũng đang trong tình trạng tương tự, ước tính diện tích bị giảm khoảng 40-60% trong thời gian qua (Báo cáo Hiện trạng Môi trường biển 2010). Theo các nhà nghiên cứu, chính sự xả thải của các khu du lịch, nhà hàng và sinh hoạt của ngư dân đã góp phần làm gia tăng nguy cơ xuất hiện thủy triều đỏ (được biết đến dưới các đợt nở hoa bùng phát của tảo biển, tấn công và làm tổn thương hàng loạt đối với động vật biển giáp xác và thân mềm) ở nhiều bãi biển ở nước ta như Phan Thiết, Tuy Phong...
Sự cố môi trường biển ngày càng gia tăng
Sự cố tràn dầu diễn ra khá thường xuyên tại các vùng bờ biển Việt Nam, do lượng tàu bè qua lại lớn. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ năm 1989 đến năm 2009 có trên 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu. Các vụ tai nạn này đã đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và môi trường (Báo cáo Hiện trạng Môi trường biển năm 2010). Ngoài ra, các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động của tàu thuyền đánh cá, đặc biệt là tàu thuyền nhỏ với thiết bị máy móc lạc hậu và không lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm dầu ở biển nước ta. Sự cố tràn dầu và thải dầu cặn vẫn tiếp tục xảy ra nhiều, đôi khi trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường biển.
Quản lý môi trường biển ở Việt Nam
Hệ thống chính sách, pháp luật
Công tác bảo vệ môi trường biển trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Trung ương đến địa phương. Luật Bảo vệ môi trường 2005 có 4 điều quy định về bảo vệ môi trường biển. Cụ thể hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, ngày 6/3/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2013 đã có các điều khoản quy định về giữ gìn bảo vệ tài nguyên và môi trường biển và phát triển kinh tế biển phải phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Một số văn bản quan trọng khác liên quan đến quản lý và bảo vệ môi trường biển ở cấp trung ương cũng đã được ban hành và triển khai, tập trung vào các vấn đề: quản lý tài nguyên môi trường biển; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng biển, dải ven biển; quản lý tổng hợp tài nguyên biển; các vấn đề về quản lý và kiểm soát ô nhiễm biển...
Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo còn chưa đầy đủ, còn thiếu các văn bản quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường trong từng lĩnh vực cụ thể như du lịch; thiếu các văn bản hướng dẫn các vấn đề nghiệp vụ chuyên sâu để các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo ở địa phương...
Hệ thống quản lý nhà nước về môi trường biển
a) Cấp Trung ương
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thành lập theo Quyết định 116/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Tại các bộ, ngành khác cũng có những cơ quan chức năng trực thuộc có nhiệm vụ quản lý các vấn đề liên quan đến môi trường biển.
b) Cấp địa phương
Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh ven biển được xác định là cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo trên địa bàn địa phương, trong đó có môi trường biển. Trên cơ sở những văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, năm 2010, Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ban hành Thông tư liên tịch số 26/2010/TTLT-BNV-BTNMT ngày 05/11/2010 hướng dẫn hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Chi cục Biển và Hải đảo trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Chi cục Biển và Hải đảo là cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở cấp địa phương.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển là vấn đề mới và rất phức tạp, biển lại rộng lớn và hoạt động mang tính đa ngành. Hiện có đến 15 bộ, ngành liên quan đến khai thác, sử dụng và quản lý về biển. Hệ thống quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất đã định hình nhưng còn mới mẻ và chưa hoàn thiện, thiếu các công cụ luật pháp đủ mạnh theo hướng tiếp cận quản lý tổng hợp nên hiệu lực quản lý còn hạn chế, chưa thực hiện chức năng quản lý như mong muốn.
Vấn đề quản lý tổng hợp thống nhất về biển, hải đảo
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã được thành lập với chức năng nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Ngay sau khi thành lập, Tổng cục đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 25/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Tại Khoản 5, Điều 3, Nghị định 25/2009/NĐ-CP nêu rõ “Quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo là quản lý liên ngành, liên vùng, bảo đảm lợi ích quốc gia kết hợp hài hòa lợi ích của các ngành, lĩnh vực, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo”.
Như vậy, việc qản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo là nhiệm vụ đa ngành, cần có sự bắt tay vào cuộc của các ngành du lịch, thương mại, giao thông vận tải... Các giải pháp bảo vệ môi trường cần được thiết kế phù hợp với đặc trưng của từng ngành và điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Một số giải pháp bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch biển
Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Bên cạnh các chính sách về bảo vệ môi trường biển, đảo nói chung, cần nghiên cứu, xây dựng Chương trình bảo vệ môi trường biển trong lĩnh vực du lịch nhằm cụ thể hóa các hoạt động bảo vệ môi trường biển của ngành, đồng thời tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường đã và đang triển khai thực hiện vào một kế hoạch chung mang tính thống nhất, có định hướng rõ ràng.
- Phát triển du lịch biển theo chiều sâu, phù hợp với các định hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng mô hình làng du lịch nghỉ dưỡng biển theo tiêu chí đẳng cấp, sang trọng nhằm thu hút khách cao cấp, phát triển song song với các khu du lịch biển, ven biển khác.
- Phát triển du lịch sinh thái biển, đa dạng hóa các loại hình du lịch và chú trọng đến các sản phẩm du lịch biển đặc thù, chất lượng cao, bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện thực tiễn tại từng địa phương như du lịch thể thao biển, sinh thái biển, chữa bệnh,...
- Có chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các dự án du lịch sinh thái, du lịch biển và các đơn vị áp dụng công nghệ môi trường;
- Hoàn thiện các tiêu chí đánh giá về các sản phẩm du lịch biển, hệ thống nhà hàng, khách sạn,... thân thiện với môi trường; đưa yếu tố môi trường vào trong việc đánh giá các sản phẩm và dịch vụ du lịch biển.
Giải pháp về hạ tầng du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường
- Kiểm soát việc xây dựng các công trình du lịch ven biển theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng các công trình xây dựng nằm ngoài quy hoạch, thiếu hệ thống xử lý nước thải, chất thải…
- Các cơ sở dịch vụ du lịch phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa vào hệ thống thải chung; các đơn vị phải có thùng rác nắp đậy và thực hiện phân loại chất thải rắn.
- Khuyến khích và dán nhãn du lịch môi trường cho những doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch, tăng cường trồng cây xanh tại các cơ sở kinh doanh du lịch, tạo cảnh quan sinh thái phát triển hình thức du lịch sinh thái, gắn liền bảo vệ môi trường với hình ảnh du lịch biển Việt Nam.
Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển trong ngành du lịch tập trung vào 03 nhóm đối tượng chính là những người làm công tác du lịch, người dân địa phương và khách du lịch. Tùy vào đặc trưng của từng nhóm đối tượng mà có các nội dung tuyên truyền phù hợp.
- Quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các cá nhân, tổ chức trong quá trình kinh doanh dịch vụ du lịch.
- Tăng cường tập huấn về thực hiện bảo vệ môi trường, xây dựng các chế tài xử phạt hay khuyến khích bảo vệ môi trường những người làm du lịch biển, đảm bảo họ là những người gương mẫu trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và hướng dẫn những người khác bảo vệ môi trường.
- Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường biển dưới nhiều hình thức cho khách du lịch;
- Nâng cao nhận thức cho cộng đồng cư dân sống ven biển, trên đảo về bảo vệ môi trường cũng như giúp cải thiện sinh kế và xoá đói giảm nghèo; huy động họ tham gia vào các loại hình du lịch sinh thái...
Các giải pháp khác
- Tăng cường nhân lực về môi trường trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các khu du lịch biển;
- Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong bảo vệ môi trường biển giữa các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường địa phương, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các cơ sở du lịch;
- Xây dựng và phổ biến các mô hình bảo vệ môi trường tại các khu du lịch biển.
PGS.TS. Bùi Cách Tuyến
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)