Có những đảo chạy dài như núi ở đất liền đã được phủ kín bạch đàn. Đi biển nhưng cảm giác mênh mang xa cách đất liền không rõ lắm vì đảo rất nhiều và thỉnh thoảng lại gặp những cụm nhà nổi bồng bềnh trên mặt nước. Có đảo chỉ có một vài ngôi nhà mới dựng lợp ngói đỏ tươi hay tôn màu sáng loáng. Đấy là nhà của những ngư dân đánh bắt hay nuôi hải sản. Nét làng Việt thân thương thấp thoáng trong ánh chiều tà trải dọc con đường ra Quan Lạn.
Quan Lạn yên bình và hoang sơ vắng vẻ. Một cuốc xe lam từ bến tàu đưa chúng tôi vào trung tâm đảo. Gần lắm cảm giác ngồi trên những chiếc xe ngựa chạy loong coong ở Nam Bộ. Dư dả thoáng đãng gió biển khí trời. Những cồn cát trắng mọc đầy phi lao chạy dài suốt dọc đường đi. Lại có những bãi đất trồng lạc trồng khoai như nhiều vùng quê ở đất liền. Đảo mang hồn Việt từ lâu, cách đây trên mười thế kỷ dấu chân ông cha ta đã đặt lên hoang vu mảnh đất này.
Quan Lạn nằm trong tuyến đảo phía ngoài cùng của vịnh Bắc Bộ, diện tích khoảng 11km2, là một xã đảo có 8 thôn thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Từ thế kỷ 11, nơi đây đã là trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn. Quan Lạn là nơi còn lưu nhiều dấu tích dựng nước, giữ nước của ông cha ta trên vùng biển Đông Bắc Tổ quốc này. Đình Quan Lạn là “điểm thiêng” mang dấu ấn lịch sử văn hóa của đảo. Đình tọa trên một khu đất bằng phẳng trông ra biển bao la. Tứ linh, tứ quý, hoa, bướm, dơi là những đề tài hình ảnh được thể hiện rất tinh xảo trong hoa văn trang trí ở đình. Thượng tướng Trần Khánh Dư, người có công lớn trong trận đánh tan đoàn thuyền lương của giặc Nguyên Mông do Trương Văn Hổ chỉ huy năm 1288 là Thần chủ của đình. Tượng thần chủ Trần Khánh Dư đầu đội mũ cánh chuồn, ngồi uy nghi lẫm liệt được đặt trong đình. Đó là một địa chỉ tâm linh mà dân bản địa và khách thập phương đến Quan Lạn đều rất thành kính.
Chúng tôi ra Quan Lạn không đúng dịp Lễ hội Vân Đồn nên chưa tận mắt chứng kiến những hoạt động văn hóa dân gian độc đáo của đảo. Tuy vậy, nghe dân kể lại đã thích. Lễ hội kéo dài trong 10 ngày, từ mồng 10 - 20/6 âm lịch nhằm tôn vinh Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư và các bộ tướng người địa phương (ba anh em họ Phạm). Nơi tổ chức chính của lễ hội là đình Quan Lạn và miếu Đức Ông (thờ Phạm Công Chính). Các nghi lễ truyền thống như thay áo cải lịch cho các nhân thần trong đền miếu cùng với các lễ rước, lễ tế thần được tiến hành trang trọng, chu đáo. Lễ và hội đan xen nhau hài hòa. Điểm nhấn của hội là đua thuyền. Trai tráng trong làng chia thành hai giáp văn - võ rồi các giáp chọn ra người tham gia hội đua thuyền. Đội thuyền giáp văn thi đấu với đội thuyền giáp võ trong sự hò reo cổ vũ náo nhiệt của dân làng và du khách. Khí thế và hình bóng của các tướng lĩnh, binh sỹ thời Trần trong trận thủy chiến Vân Đồn chống giặc phương Bắc xâm lược được tái hiện sinh động ở hội đua thuyền.
Mùa hạ, các bãi tắm ở đảo như Quan Lạn, Sơn Hào, Minh Châu khá đông khách. Lúc đó, tìm được một phòng nghỉ ở Quan Lạn không dễ dàng.
Khi đi bộ xuyên qua những đồi cây hoang dại ríu ra ríu rít tiếng chim chiều, thỉnh thoảng lại gặp chú cú mèo to tướng giương đôi mắt tròn xoe để ra bãi cát Minh Châu trắng mịn, thưa vắng bóng người chúng tôi thấy thanh thản vô cùng. Biển xanh cát trắng vẫn còn nhiều nét tinh khôi trong sạch. Mong sao đừng mọc lên ở đây những ngôi nhà cao tầng ngất ngưởng lòe loẹt, đừng can thiệp quá đáng vào những cồn cát, rặng phi lao, đồi cây hoang dại kia. Nghĩ thế nhưng trong tôi vẫn dâng lên sự lo ngại. Không ít nơi người ta đã làm du lịch theo kiểu “mì ăn liền”, chỉ biết bóc lột tàn phá thiên nhiên.
Trở về Hà Nội, cầm trên tay viên đá nhặt được trên bãi biển màu nâu đỏ được sóng mài nhẵn nhưng lại có những lỗ tròn rất lạ như tác phẩm của người tiền sử, tôi chợt thấy Quan Lạn rất gần. Và thật đáng yêu ở nét thanh bình, thoáng đãng, hoang sơ của đảo. Mong Quan Lạn đừng đánh mất sự hài hòa thân thiện với thiên nhiên để mãi là khu du lịch xanh, sạch, đẹp hấp dẫn du khách gần xa.
Từ bến Vân Đồn đi tàu cao tốc ra đảo Quan Lạn chỉ khoảng 55 phút. Nếu đi tàu gỗ bình thường thời gian chừng 2 giờ. Tùy theo lựa chọn của du khách, thích thong thả để ngắm cảnh Bái Tử Long hữu tình thì đi tàu gỗ, còn muốn ra đảo nhanh thì dùng tàu cao tốc.
|
Nguyễn Hữu Quý