Ban Tổ chức hội thảo chọn “Sản phẩm du lịch” là 1 trong 3 vấn đề quan trọng của du lịch vùng ĐBSCL, bao gồm: phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và sản phẩm du lịch.
ĐBSCL có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn với loại hình du lịch sông nước, miệt vườn, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và đất ngập nước đồng bằng độc đáo. Vùng này không chỉ mang vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch biển - đảo; du lịch hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với TP. Hồ Chí Minh, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mê kông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Việt Phường, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long cho biết, thời gian qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, các địa phương trong vùng và TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Các tỉnh, thành và các bộ, ngành đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng đã ký kết với nhau và với TP. Hồ Chí Minh các chương trình hợp tác du lịch, xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc thù và triển khai thực hiện. Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người ĐBSCL.
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vùng còn chưa được đầu tư đúng mức cũng như khai thác có hiệu quả nhất. Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp; không gian du lịch vùng bị ngắt khúc. Hoạt động du lịch chưa tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn du khách. Hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch chung giống nhau dễ gây nhàm chán, phần lớn dựa vào thiên nhiên, khai thác sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết chặt chẽ, mạnh ai nấy làm.
Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch vùng chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao. Môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu. Doanh nghiệp du lịch trong vùng ĐBSCL chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng, đặc biệt là những giá trị nhân văn, những giá trị đặc sắc của văn hóa bản địa trong phát triển du lịch chưa được phát huy đúng mức.
Tại hội thảo, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã chia sẻ những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh mình và định hướng phát triển du lịch trong tương lai.
Các đại biểu tại hội thảo cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung quan trọng sau: điểm nghẽn phát triển sản phẩm du lịch của các địa phương và vùng ĐBSCL, rào cản nào cần ưu tiên tháo gỡ; phân tích, đánh giá về vấn đề liên kết du lịch, kết nối các sản phẩm du lịch giữa các địa phương với nhau, giữa 2 cụm du lịch phía Đông, phía Tây và vai trò trung tâm của các cụm, giữa vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và các vùng miền khác như thế nào hiệu quả nhất, thiết thực nhất; những đề xuất, kiến nghị cụ thể để tháo gỡ các điểm nghẽn, cụ thể là các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch của các địa phương và vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Thanh Hiền