Phát biểu tại diễn đàn, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích hơn 40.000 km2, bờ biển dài 700km, dân số hơn17 triệu người, chiếm 17,95% dân số của cả nước, với những khu rừng nguyên sinh, 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học; ĐBSCL không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực quốc gia, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản, mà còn là một trong 7 vùng du lịch của cả nước, có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch.
Năm 2019, lượng khách đến ĐBSCL ước đạt 47 triệu lượt khách, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 30.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quan tâm đầu tư phát triển du lịch, nhiều địa phương đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch nhằm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 01/8/2017, của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên việc đầu tư, khai thác du lịch vùng ĐBSCL chưa được kết nối một cách tổng thể dưới góc độ của vùng,việc đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông còn chậm; quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đặc thù còn lung túng, thiếu tính liên kết; công tác quảng bá, xúc tiến chưa chuyên nghiệp, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu so với yêu cầu. Vì thế, tốc độ phát triển du lịch của vùng ĐBSCL còn rất khiêm tốn so với các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước.
Tại diễn đàn phát triển du lịch ĐBSCL năm 2019, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và các doanh nghiệp du lịch đã báo cáo, tham luận và trao đổi, đối thoại về một số kết quả đạt được sau 2 năm triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thực trạng phát triển, những vấn đề còn tồn tại và một số kiến nghị để phát triển du lịch vùng ĐBSCL như: việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch cũng như đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, đường bộ và đường hàng không, tạo thuận lợi cho các tỉnh ĐBSCL thu hút đầu tư các dự án du lịch trọng điểm, nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Các ý kiến tham luận và thảo luận đều cho rằng đây là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái quốc gia; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông, thủy sản cho thị trường thế giới, vùng ĐBSCL được quy hoạch đến năm 2030 trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng hạ lưu sông Mê Kông mang tầm quốc gia và quốc tế. Các địa phương trong vùng đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, theo đó, dù đã có rất nhiều nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành và đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên du lịch vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế và chưa phát huy hết những tiềm năng và lợi thế của mình; sản phẩm du lịch còn chưa thực sự hấp dẫn, khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao, công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế, nguồn lực du lịch chưa được đầu tư đúng mức... Hiện tại, việc phát triển du lịch ở khu vực này vẫn mang tính tự phát, chưa có khảo sát, quy hoạch và phát triển một cách đồng bộ.
Phát biểu tổng kết diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh, để phát triển du lịch vùng ĐBSCL tương xứng với tiềm năng, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với phát triển du lịch. Quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp, hiệp hội, trường Đại học và cộng đồng người dân trong phát triển du lịch của vùng.
Thứ hai, rà soát và hoàn thiện khung pháp luật nhằm xóa bỏ các rào cản đối với sự phát triển của ngành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0, các hình thức kinh doanh trong phát triển du lịch.
Thứ ba, phát triển du lịch ĐBSCL theo hướng chất lượng, xanh, bền vững và thông minh trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế nhất là về sông nước, biển đảo, miệt vườn, di sản văn hóa với thiên nhiên đặc sắc miền Tây Nam Bộ, bản sắc con người miền Tây Nam Bộ. Gắn phát triển du lịch với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Thứ tư, đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch cả nội vùng và với các vùng khác trong nước và quốc tế trên cở sở xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kết nối vùng nhất là kết cấu hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin. Tăng cường hợp tác du lịch trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và hợp tác phát triển du lịch gắn với TP. Hồ Chí Minh theo chương trình đã ký kết.
Thứ năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch, coi đây là khâu đột phá để đưa du lịch của vùng lên một tầm cao mới.
Thứ sáu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của vùng song song với việc xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và hấp dẫn du khách. Xây dựng sản phẩm du lịch sông nước trở thành sản phẩm du lịch quốc gia. Đa dạng hóa thị trường du lịch, đồng thời với việc xây dựng thị trường mục tiêu phù hợp với từng địa phương. Tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch của vùng và từng địa phương.
Thanh Hiền