Đó là thông tin đã được Tổng cục Du lịch (TCDL) cho biết tại họp báo chiều ngày 9/7/2019 tại Hà Nội. Theo đại diện Vụ Khách sạn TCDL, điểm mới của Giải thưởng năm nay là Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bổ sung vào Quy chế tổ chức Giải thưởng Du lịch Việt Nam về việc xét tặng giải thưởng thêm 2 lĩnh vực là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch và đơn vị truyền thông có nhiều đóng góp cho ngành Du lịch Việt Nam.
Theo đó, cơ cấu Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2019 gồm có: 10 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tốt nhất đón khách du lịch vào Việt Nam; 10 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đưa khách du lịch ra nước ngoài tốt nhất Việt Nam; 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa tốt nhất Việt Nam; 10 khách sạn 5 sao tốt nhất Việt Nam; 10 khách sạn 4 sao tốt nhất Việt Nam; 1 hãng hàng không vận tải nhiều khách du lịch nhất; 1 hãng hàng không có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất; 5 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô tô tốt nhất Việt Nam; 5 doanh nghiệp vận tải khách du lịch đường thủy tốt nhất Việt Nam; 5 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch tốt nhất Việt Nam; 5 khu du lịch và vui chơi giải trí tốt nhất Việt Nam; 3 điểm dừng chân phục vụ khách du lịch tốt nhất Việt Nam; 10 sân golf phục vụ khách du lịch tốt nhất Việt Nam; 5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch hàng đầu Việt Nam; 5 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tiêu biểu của Việt Nam; 5 đơn vị truyền thông có nhiều đóng góp cho ngành Du lịch Việt Nam.
Chia sẻ tại họp báo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu nhấn mạnh, việc bổ sung hai lĩnh vực mới trong quy chế Giải thưởng nhằm động viên, khích lệ, đồng thời tạo thêm động lực cho các đơn vị, các bên liên quan đóng góp cho sự phát triển của ngành Du lịch.
Tại họp báo, TCDL cũng đồng thời thông tin về tình hình du lịch 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 đạt xấp xỉ 8,5 triệu lượt (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018); khách du lịch nội địa ước đạt 45,5 triệu lượt (khách lưu trú đạt 22,9 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, điểm nhấn là thị trường khách Thái Lan tăng trưởng nhanh và đột phá (tăng hơn 45%), nhiều điểm đến đang hút khách Thái Lan tập trung ở miền Trung như Đà Nẵng, Hội An... Theo nhận định của Vụ Thị trường Du lịch TCDL, đây là xu hướng mới TCDL đang nghiên cứu khai thác nhằm góp phần đạt mục tiêu lượng khách năm 2019.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh có nhiều thị trường khách đang chững lại cùng với sự cạnh tranh giữa các điểm đến đang diễn ra quyết liệt, gay gắt trong khu vực, để đạt được mục tiêu ngành Du lịch đón và phục vụ 17,5 - 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa trong năm 2019, TCDL đang đẩy nhanh các hoạt động xúc tiến tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc... đón đầu mùa cao điểm vào quý 3, quý 4; tập trung các chiến dịch e-marketing tới các thị trường khách; tích cực duy trì lượng khách nội khối ASEAN - thị trường nguồn của Du lịch Việt Nam…
Trong 6 tháng cuối năm 2019, ngành Du lịch tập trung mọi nỗ lực và triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến thu hút khách du lịch, hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm 2019; tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển du lịch, hướng dẫn viên...
Nhân dịp này, TCDL đã công bố Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2018, trong đó khái quát tình hình du lịch thế giới năm 2018, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á; tổng hợp tình hình Du lịch Việt Nam qua các chỉ tiêu cơ bản; nêu rõ những đặc điểm nổi bật trong các lĩnh vực hoạt động như nâng cao năng lực, thể chế, chính sách, lữ hành và vận chuyển khách du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, xúc tiến du lịch và hợp tác quốc tế. Đồng thời, Báo cáo đưa ra dự báo, trong năm 2019 triển vọng khách du lịch quốc tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 3-4%, tương đương mức trung bình trong giai đoạn 2008 - 2018 và thấp hơn mức tăng 5,6% năm 2018; khu vực châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng khoảng 5-6%. Trong bối cảnh đó, Du lịch Việt Nam vẫn có thể có mức tăng cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực nhưng ở mức thấp hơn so với các năm trước do bối cảnh, xu hướng quốc tế và lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt quy mô lớn hơn thời kỳ trước sau 3 năm tăng cao liên tục, khó có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
LT