Góp ý xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số tại các tỉnh biên giới
Việt Nam hiện có 25 tỉnh, 103 huyện, thị xã, thành phố với 435 xã, phường, thị trấn thuộc vùng biên giới đất liền. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cũng như quy mô phát triển dân số khiến cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số đã được Đảng và Nhà nước ban hành, triển khai thực hiện; trong đó các chính sách về công tác dân tộc, bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số và phát triển nông thôn mới có liên quan chặt chẽ đến chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số các tỉnh biên giới. Tuy nhiên, tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách này vẫn còn hạn chế.
Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch, Tài chính - TCDL, chính sách bảo tồn văn hóa dân tộc, công tác dân tộc tập trung vào bảo tồn nói chung, do khó khăn về nguồn lực tài chính nên chưa hiệu quả, chưa quan tâm lựa chọn các giá trị văn hóa và phương thức bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch; chính sách về chương trình mục tiêu quốc gia tuy đã hỗ trợ được hạ tầng thiết yếu cho bà con nhưng chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển du lịch; chính sách về nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có nhiều nội dung về phát triển du lịch và du lịch cộng đồng nhưng mới triển khai chưa lâu nên chưa thúc đẩy nhiều kết quả; chưa có chính sách cụ thể về phát triển du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số nên các hoạt động chưa thường xuyên, chưa thành chương trình, dự án cụ thể.
Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số các tỉnh biên giới, Ban soạn thảo thuộc TCDL cho rằng còn nhiều vấn đề mang tính cốt yếu về điều kiện và kỹ năng như hạ tầng và chính sách đặc thù về du lịch. Việc đề xuất những cơ chế, chính sách hỗ trợ tập trung vào hệ thống hạ tầng giao thông để tiếp cận; xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu đón tiếp và phục vụ khách du lịch; xây dựng năng lực, đào tạo kỹ năng cho đồng bào; bảo tồn cảnh quan và các giá trị văn hóa bản địa truyền thống; hỗ trợ xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch. Đối tượng hưởng chính sách là cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư và đơn vị xúc tiến quảng bá cho địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Sở Du lịch, Sở VHTTDL Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Nam, An Giang; Hội du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC)… đã chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch các xã vùng sâu, vùng biên giới; đặc biệt là bài toán đặt ra về nguồn lực, cân nhắc về phạm vi, đối tượng hưởng lợi của các cơ chế, chính sách để tránh trở thành rào càn khi ban hành... Ông Ngô Tất Thắng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, cần phải có có sự tham gia vào cuộc của các bộ, ban, ngành trong việc bố trí nguồn lực và xây dựng định mức hỗ trợ cụ thể thì mới tạo nên sức sống cho cơ chế, chính sách này.
Đại diện Sở VHTTDL Hà Giang chia sẻ về kinh nghiệm hỗ trợ của địa phương với từng mức kinh phí cụ thể cho từng mô hình nhà vệ sinh đạt chuẩn, nhà home-stay, nhà hàng, phòng khách sạn... Đại diện Sở VHTTDL Lào Cai cho rằng cần có chính sách hỗ trợ người dân trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa như làng nghề, kiến trúc nhà, trang phục truyền thống… Đại diện Quảng Nam kiến nghị việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cả cấp lãnh đạo để có sự quan tâm đúng mức cho việc phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số; An Giang kiến nghị có chính sách hỗ trợ thu hút đồng bào dân tộc thiểu số định cư tại chỗ và tham gia phát triển du lịch...
Một số ý kiến đến từ đại diện các doanh nghiệp lữ hành nhấn mạnh, cần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục thông quan, tạo điều kiện rút ngắn thời gian đưa khách quốc tế đến vùng biên giới; thông thoáng hành lang pháp lý và cơ chế cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà hàng, khách sạn, homestay… tại các khu vực biên giới; đào tạo nâng cao nhận thức của cộng đồng các dân tộc địa phương về phát triển du lịch và bảo tồn giá trị văn hóa bản địa như trang phục truyền thống, ẩm thực, lễ hội…
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý để tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các xã biên giới đảm bảo an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, việc đề xuất cơ chế phát triển du lịch nên tập trung vào xây dựng hạ tầng; giảm thủ tục hành chính cho việc đón khách quốc tế tại vùng biên giới; đào tạo nhân lực; tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương; chính sách bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số tập trung vào trang phục, bản sắc văn hóa, ẩm thực, kiến trúc, cảnh quan môi trường... Bên cạnh đó, cần chỉ ra được nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương, xác định nguồn lực dùng cho hỗ trợ thì việc thực hiện các cơ chế chính sách mới khả thi.
Hạ Tinh