Tiềm năng phát triển du lịch gắn với di sản ở Đà Lạt
Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam thu hút du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh sự ưu đãi về khí hậu, cảnh quan, nơi đây còn sở hữu hệ thống tài nguyên du lịch đa dạng gắn với di sản văn hóa bao gồm các di tích lịch sử văn hóa và các danh lam thắng cảnh được xếp hạng như: Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc bản địa Lâm Đồng thuộc Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2005); Bộ Mộc bản triều Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Khu biệt điện Trần Lệ Xuân - Đà Lạt (được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới - Memory Of the World); những di tích cấp quốc gia và cấp địa phương như: hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, thung lũng Tình Yêu, núi Langbiang, kiến trúc ga Đà Lạt, kiến trúc Trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt…, hay đơn giản chỉ là nếp sống thường nhật của người dân Đà Lạt. Tất cả đều là cơ sở cho việc phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc trưng cũng như hình thành nên các tuyến, điểm du lịch di sản tại Đà Lạt. Tuy nhiên, thực tế hiện nay những tài nguyên trên chưa được khai thác một cách có hiệu quả trong phát triển du lịch cho nên tính hấp dẫn của giá trị di sản văn hóa đối với du khách chưa được phát huy, nhất là đối với một bộ phận du khách có trình độ cao, am hiểu văn hóa - lịch sử, mong muốn trải nghiệm thực tế tại nơi có di sản văn hóa bên cạnh nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn hay tìm hiểu kiến thức về di sản qua sách vở, tài liệu.
Thực trạng khai thác giá trị các di sản trong du lịch Đà Lạt
Hiện nay, các sản phẩm du lịch, tour, tuyến điểm ở phạm vi thành phố Đà Lạt vẫn còn khá đơn điệu, trùng lặp và mang tính thời vụ vì chủ yếu khai thác các sản phẩm du lịch tham quan dã ngoại. Qua nghiên cứu, thống kê, hiện nay một số tour, tuyến du lịch nội thành Đà Lạt điển hình được các công ty lữ hành khai thác tập trung vào các điểm du lịch như sau: tuyến điểm phía Bắc Đà Lạt (sân golf Đà Lạt, Đại học Đà Lạt, Vườn hoa Đà Lạt, đồi Mộng Mơ, thung lũng Tình Yêu, Đà Lạt Sử quán, Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt), tuyến điểm phía Nam Đà Lạt (Dinh 2, cáp treo Đà Lạt, thác Datanla, hồ Tuyền Lâm, thiền viện Trúc Lâm, thác Prenn), tuyến điểm phía Tây Đà Lạt (nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt, biệt thự Hằng Nga, dinh Bảo Đại, thác Camly, làng hoa Vạn Thành, khu biệt điện Trần Lệ Xuân, nhà thờ Domain De Marie), tuyến điểm phía Đông Đà Lạt (Trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt, nhà ga Đà Lạt, Dinh 1, Bảo tàng Lâm Đồng, vườn hoa Minh Tâm, chùa Linh Phong, chùa Tàu, hồ Than Thở).
Đề xuất một số tour, tuyến du lịch chuyên đề nhằm tôn vinh giá trị di sản và nét đặc trưng của Đà Lạt
Ngày nay, nhiều khách du lịch quốc tế và nội địa có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm mới và khác biệt tại các điểm đến du lịch. Trong khi đó loại hình du lịch di sản xuất hiện và thu hút được sự quan tâm của những đối tượng khách du lịch này. Vì vậy, qua khảo sát thực địa những tài nguyên di sản văn hóa của Đà Lạt cũng như khu vực lân cận, bài viết đề xuất hai tuyến du lịch di sản, bao gồm (1) Tuyến du lịch kết hợp “Kiến trúc và hoa Đà Lạt” gồm các điểm du lịch sau: Trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt - ga xe lửa Đà Lạt - Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - hồ Than Thở - vườn lan YSA Orchid - vườn dâu Thành Trung - làng hoa Thái Phiên; (2) Tuyến du lịch Trung tâm lưu trữ quốc gia IV - khu văn hóa lễ hội Langbiang (lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên - xã Lát – Lạc Dương).
Qua nghiên cứu cho thấy phát triển hai tuyến du lịch trên sẽ mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho cộng động dân cư Đà Lạt và khu vực lân cận. Một là, bảo tồn và bảo vệ tài nguyên di sản văn hóa cho các thế hệ tương lai; xây dựng mối quan hệ hữu cơ giữa cộng đồng địa phương và di sản văn hóa dựa vào phát triển du lịch. Hai là, góp phần làm đa dạng hóa và làm mới sản phẩm du lịch địa phương. Ba là, có nhiều cơ hội cho du khách liên quan đến hoạt động như học tập, nghiên cứu, trải nghiệm kinh nghiệm thực tế, phát triển mối quan hệ giữa người dân địa phương và khách du lịch thông qua việc giao lưu, trao đổi thông tin, kiến thức. Bốn là, cung cấp thêm những cơ hội để tăng thu nhập cho người dân địa phương thông qua những dịch vụ du lịch phụ trợ; thúc đẩy sự phát triển của một số nghề thủ công truyền thống địa phương.
Để phát huy được những tiềm năng nói trên, và sử dụng một cách cân bằng việc khai thác di sản văn hóa vào phục vụ du lịch và bảo tồn những giá trị đó cho các thế hệ tương lai, các bên liên quan (người dân địa phương, cơ quan chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, khách du lịch…) cần chú trọng vào thực hiện những vấn đề sau:
Thứ nhất, thực hiện các chuyến đi thực địa để khảo sát tiềm năng, thực trạng hiện tại của các di sản văn hóa ở Đà Lạt và các vùng phụ cận; trao đổi và lắng nghe những ý kiến đóng góp các bên liên quan để đưa ra những chính sách, kế hoạch phát triển du lịch Đà Lạt theo hướng bền vững.
Thứ hai, xây dựng “phần móng” thuyết minh hoàn chỉnh xuyên suốt tour và phải đảm bảo được tính nhất quán về mặt nội dung và ý nghĩa của tour, tuyến du lịch.
Thứ ba, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các bên liên quan để có khả năng tham gia vào quá trình phát triển du lịch tại địa phương thông qua các khóa học, lớp tập huấn…, đặc biệt là đối với những người tương tác trực tiếp với khách du lịch.
Thứ tư, cần xây dựng một quy chế phối hợp, hợp tác giữa các bên tham gia, ở đó chính quyền địa phương sẽ là người điều phối, trong đó cần có một chính sách hài hòa, có sự phân chia trách nhiệm, quyền lợi, lợi ích một cách công bằng giữa cộng đồng tham gia.
Thứ năm, cần triển khai thiết kế phòng trưng bày những tư liệu và hình ảnh đặc sắc từ xưa đến nay tại các điểm tham quan di sản; trưng bày bộ nhạc khí cồng chiêng, vật dụng truyền thống, công cụ lao động sản xuất…
Thứ sáu, đối với di sản văn hóa phi vật thể, cần tôn vinh, duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân một cách hợp lý; đầu tư trang phục, dụng cụ cho các sinh hoạt cộng đồng của địa phương.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Thanh Kiều (2018). Du lịch cắm trại - Sản phẩm còn bỏ ngỏ tại Đà Lạt. Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 10.
2. Lê Anh Tuấn - Nguyễn Thị Hồng Tâm (2012). Nâng cao vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm du lịch di sản. Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 8.
3. Đại học Văn hóa Hà Nội. Khai thác các giá trị di sản trong chiến lược phát triển du lịch. http://huc.edu.vn/chi-tiet/103/.
4. Timothy, Dallen J., and Stephen W. Boyd (2003). Heritage tourism. Pearson Education.
|
ThS. Nguyễn Thị Thanh Kiều
Ths. Đàm Thị Phương Thúy