Tại hội thảo, ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch cho biết, những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Sở dĩ công tác quảng bá xúc tiến du lịch đạt được những kết quả tích cực là do có sự hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước thông qua nhiều chủ trương, chính sách được ban hành như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017, chính sách miễn visa và visa điện tử...
Việc thành lập các Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch hoặc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tại các địa phương và sự chủ động của các doanh nghiệp trong hoạt công tác xúc tiến du lịch đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh Du lịch quốc gia (đến nay 58/63 địa phương đã có bộ phận chuyên trách về xúc tiến du lịch). Cùng với đó, công tác hoạch định chiến lược, chính sách xúc tiến đã được quan tâm: đã xây dựng Chiến lược marketing Du lịch Việt Nam đến năm 2020 (với tiêu đề, biểu trưng Vietnam - Timeless Charm), Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, Chiến lược phát triển thương hiệu Du lịch Việt Nam. Một số điểm đến du lịch của Việt Nam đã trở nên nổi tiếng và định vị được thương hiệu đối với khách du lịch quốc tế, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch quốc gia.
Bên cạnh đó, quy mô và phạm vi hoạt động xúc tiến du lịch được cải thiện; việc đa dạng hóa nhiều loại hình, kênh thông tin xúc tiến quảng bá; hợp tác công - tư trong xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh… là những yếu tố góp phần tạo nên hiệu quả cho công tác xúc tiến du lịch quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến du lịch thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế như: chưa có nghiên cứu thị trường cơ bản, nguồn lực cho xúc tiến du lịch còn rất khiêm tốn so với các quốc gia khác trong khu vực…
Thực tế này đòi hỏi trong thời gian tới cần có giải pháp huy động nguồn lực và phối hợp hoạt động giữa các chủ thể: Đẩy mạnh phối hợp hiệu quả công - tư trong xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo đột phá trong phương thức huy động các nguồn lực cho xúc tiến, phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn du lịch, huy động nguồn lực từ nhiều nguồn cho quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong công tác xúc tiến du lịch; đẩy mạnh liên kết, phối hợp Du lịch - Hàng không và các hội nghề nghiệp trong hoạt động xúc tiến du lịch…
Tham dự hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu Du lịch Việt Nam; huy động nguồn lực và phối hợp hoạt động giữa các chủ thể tập trung cho xúc tiến du lịch; thúc đẩy marketing điện tử trong xúc tiến du lịch; đẩy mạnh liên kết xúc tiến điểm đến và sản phẩm du lịch vùng; cung cấp, trao đổi về kế hoạch xúc tiến du lịch năm 2018...
Thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cảm ơn những ý kiến trao đổi, đóng góp cởi mở, thẳng thắn của các diễn giả, các đại biểu tại hội thảo; đồng thời nhấn mạnh, mục tiêu của công tác xúc tiến quảng bá là Du lịch Việt Nam thu hút ngày càng nhiều du khách, đó được xem là thước đo cho hiệu quả xúc tiến du lịch. Để đạt được mục tiêu đó, ngành Du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn để thu hút du khách, không ngừng mở rộng quy mô xúc tiến thông qua các công cụ, công nghệ hữu ích, huy động các nguồn lực để thúc đẩy hoạt động xúc tiến du lịch… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Thảo Chi