Đường đến hồ Than Thở nằm ngay trên trục đường Hồ Xuân Hương. Vừa đặt chân tới cổng khu Di tích lịch sử văn hoá thắng cảnh hồ Than Thở, bạn sẽ ấn tượng ngay những dòng thơ: “Hồ Than Thở mùa xuân lộng gió/ Thông xanh rờn thảm cỏ êm êm/ Xin mời bạn đến cao nguyên/ Thăm hồ Than Thở ngẫm thiên sử tình”. Khoác lên mình không gian thanh bình, hồ Than Thở thu hút du khách bởi chính vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên, và càng hấp dẫn hơn bởi những bí mật ẩn chứa trong mình.
Ngày trước, nơi đây vốn là hồ chứa cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt, khi người Pháp xây dựng đập nước vào năm 1917 và đặt tên là “Lac des Soupirs” (trong đó “lac” là hồ, còn “soupirs” là tiếng gió thổi trong rừng). Khi chuyển sang tiếng Việt, cái tên “Than Thở” được chọn để dễ nghe hơn. Sau này, khoảng năm 1975, hồ được đổi tên thành hồ Sương Mai, nhưng người dân Đà Lạt mỗi khi nhắc đến vẫn gọi là hồ Than Thở nên hồ lại được khôi phục tên cũ vào năm 1990. Năm 1999, hồ Than Thở được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá thắng cảnh cấp quốc gia.
Có lẽ đúng với tên gọi mang vẻ đượm buồn, những câu chuyện tình buồn diễn ra xoay quanh hồ Than Thở khiến cho cái tên càng có hồn hơn. Đến đây, bạn sẽ được nghe truyền thuyết về thiên tình sử xa xưa lãng mạn mà buồn của Hoàng Tùng và Mai Nương vào thế kỷ 18. Trước khi lên đường ra trận đánh giặc, đôi trai gái đã hẹn thề bên hồ, chàng hẹn đến mùa xuân khi mai anh đào nở sẽ đem tin thắng trận trở về. Nhưng chưa đến mùa xuân, Mai Nương nghe tin Hoàng Tùng tử trận, nàng quyết định gieo mình bên hồ từng hẹn thề. Trớ trêu thay, giữa mùa xuân Hoàng Tùng thắng trận trở về, chàng vô cùng đau khổ khi biết người yêu đã chết, nên cũng đã gieo mình xuống hồ nước chết theo người yêu - gửi vào lòng nước tình yêu son sắt. Cái tên “Than Thở” như càng thổi hồn vào câu chuyện và được nhớ cho tới ngày nay.
Ngay cạnh hồ, bạn còn có dịp thăm đồi thông Hai Mộ, nghe thêm một câu chuyện tình có thật thời kháng chiến chống Mỹ đầy cảm động. Chàng trai tên Vũ Minh Tâm (con trai một gia đình giàu có đang theo học Trường Võ bị Đà Lạt) và cô gái tên Lê Thị Thảo (con gái một gia đình công chức nghèo trên cao nguyên Lang Biang) gặp nhau, yêu nhau, thề non hẹn biển bên đồi thông hồ Than Thở. Sau khi tốt nghiệp, Tâm về quê xin cha mẹ cưới Thảo, nhưng bị gia đình phản đối. Tuyệt vọng, Tâm xin chuyển đến vùng tiền tuyến lửa đạn, cho đến ngày Thảo nhận được tin Tâm tử trận. Quá đau đớn, cô tìm đến khu đồi thông bên hồ nơi hai người từng hẹn thề và tự vẫn. Nhưng do nhầm lẫn khi báo tử, Tâm không chết, anh trở về Đà Lạt tìm Thảo và hay tin cô đã tự vẫn vì mình. Tâm tìm đến mộ Thảo, rồi cũng tự tử theo để giữ trọn mối tình thuỷ chung. Thuận theo nguyện vọng được mãi mãi gần nhau, hai ngôi mộ được đặt cạnh nhau ngay dưới khu đồi thông, từ đó mới có cái tên “đồi thông Hai Mộ”.
Tới hồ Than Thở, bên cạnh tản bộ dưới những hàng thông cao vút vi vu gió hát, dạo bước trên những thảm cỏ xanh ngắm nhìn hàng thông in bóng xuống mặt hồ xanh biếc nền trời..., bạn có thể trải nghiệm cưỡi ngựa hoặc đi xe ngựa dạo quanh hồ và đồi thông, hay thuê thuyền đạp vịt thưởng ngoạn khung cảnh tuyệt đẹp nơi này.
Xen giữa đồi thông Hai Mộ là các vườn ươm trồng đủ loại hoa, trong đó nổi bật nhất là đồi hoa cẩm tú cầu. Cạnh đó, bạn có dịp tham quan vườn dâu tây sạch Biofresh, chứng kiến quá trình trồng và chăm sóc dâu tây trong nhà kính theo tiêu chuẩn châu Âu. Nơi đây cũng có rất nhiều loài hoa, là điểm lý tưởng để bạn vừa chụp ảnh check-in, vừa được trải nghiệm các sản phẩm làm từ trái dâu của Công ty TNHH Biofresh.
Hồ Than Thở cũng là nơi quen thuộc của các cặp đôi đến chụp ảnh cưới bởi cảnh đẹp đến nao lòng. Tất cả các góc độ ở hồ đều đẹp đến mê mải, từ không gian xanh mướt của những thảm cỏ tự nhiên, những hàng thông rì rào trong gió, hòa quyện trong bản giao hưởng sắc màu của các loài hoa xứ cao nguyên, đến những nhịp cầu gỗ mộc mạc vắt mình trong ánh nắng vàng lóng lánh mặt hồ xao động… Không chỉ thế, nơi đây còn là điểm cắm trại lý tưởng, và là nơi thưởng ngoạn cảnh hồ đêm lung linh riêng có.
T.L