Với chủ đề: “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên”, lễ hội nhằm mục đích tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; góp phần tuyên truyền, vận động các dân tộc trong tỉnh, trong khu vực, trong nước giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; thúc đẩy bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc và thu hút khách đến với Tây Nguyên.
Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh Gia Lai đến bạn bè trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, liên kết các tỉnh Tây Nguyên phát triển vùng đảm bảo về an ninh – chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị trí chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Các hoạt động chính tại Festival văn hóa cồng chiêng gồm có: lễ hội đường phố diễn ra trên các đường phố chính ở TP. Pleiku; phục dựng một số lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa như: mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, phục dựng nghi lễ của các dân tộc; hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; sinh hoạt văn nghệ dân gian như diễn xướng sử thi Tây Nguyên, hát dân ca; triển lãm tranh, ảnh, tư liệu; lễ hội hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya.
Ngoài ra còn một vài hoạt động khác như: hội chợ Thương mại Công, Nông nghiệp Gia Lai; cà phê đường phố; ẩm thực Tây Nguyên và ba miền; giới thiệu sản phẩm của địa phương.
Được biết, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15/11/2005.
Gia Lai nằm ở vùng Bắc Tây Nguyên với nhiều dân tộc bản địa, trong đó có dân tộc Jrai và Bahnar còn lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo và những nét đặc trưng của không gian văn hóa cồng chiêng. Nhiều buôn làng người dân tộc bản địa đã bảo quản và sử dụng thường xuyên hàng ngàn bộ cồng chiêng trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
|
Thu Thảo