|
Nghề làm gốm |
Festival nghề truyền thống Huế năm 2009 sẽ là cuộc gặp gỡ của các nghệ nhân từ các làng nghề trong cả nước. Với nghề gốm, ngoài các nghệ nhân đến từ làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) nổi tiếng - di tích quốc gia vừa được công nhận với kinh nghiệm hàng trăm năm làm nghề gốm, còn có sự tham gia của các làng gốm nổi tiếng trong cả nước như Bát Tràng, gốm Nhung (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Bàu Trúc (Ninh Thuận), Xóm Gọ, Bình Đúc (Bình Thuận), Bình Dương, Biên Hoà, Mang Thít (Vĩnh Long)... Không quy tụ được nhiều nghệ nhân như nghề gốm nhưng với nghề sơn mài, Ban Tổ chức cũng đã mời các hoạ sỹ tên tuổi, nghệ nhân của các cơ sở sản xuất sơn mài tiêu biểu ở Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương. Riêng nghề pháp lam, Festival chuyên đề lần này sẽ là cuộc biểu diễn tài năng, trưng bày các sản phẩm của các nghệ nhân pháp lam Huế, cũng như giới thiệu nghệ thuật pháp lam độc đáo và đầy sáng tạo đang được phục hồi.
Bên cạnh các hoạt động chính tôn vinh các nghề truyền thống, sự tài hoa của các nghệ nhân, nhiều hoạt động hưởng ứng Festival sẽ diễn ra sôi nổi. Dọc hai bên bờ dòng sông Hương là khu truyền thống nghề với không gian biểu diễn thao tác nghệ thuật của các nghệ nhân giỏi. Festival lần này còn có sự tham gia của nhiều nhà sưu tầm cổ vật trong cả nước với các cổ vật gốm sứ, sơn mài, pháp lam độc đáo từ nhiều niên đại, trong đó có nhiều cổ vật quý hiếm được xem là bảo vật. Ngoài ra, còn có Hội chợ làng nghề 2009; Hội thảo "Nghề truyền thống - bản sắc và phát triển" với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân tiêu biểu ở các làng nghề trong cả nước nhằm đánh giá sâu tiềm năng, thực trạng, những trở lực và triển vọng cho sự phát triển của nghề và làng nghề truyền thống Huế; những hoạt động gắn với kỷ niệm 110 năm xây dựng cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba; cuộc gặp gỡ của trẻ em khiếm thị Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác với chủ đề “Ánh sáng trong bóng tối”. Festival nghề truyền thống Huế năm 2009 cũng sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật hỗ trợ cho lễ hội với sự tham gia các nghệ sỹ Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, chương trình khai mạc sẽ được tổ chức trong không gian lung linh, huyền ảo của cầu Trường Tiền nổi tiếng, chương trình bế mạc sẽ gắn với lễ rước tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề diễn ra trên đường phố Huế. Lễ tôn vinh nghề sẽ được thiết kế độc đáo, mang tính cộng đồng cao. Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sắp đặt, trò chơi dân gian, tái hiện bến đò Thừa Phủ nổi tiếng xưa, các chương trình tham quan các xí nghiệp, đơn vị sản xuất, làng nghề Huế, chương trình "Ẩm thực ba miền"...
MINH HẠNH