THÁCH THỨC ĐỐI VỚI BẢO VỆ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Áp lực của nhu cầu du lịch ngày càng gia tăng
Trong mấy năm gần đây, Việt Nam là điểm đến an toàn cho khách du lịch, lượng khách du lịch quốc tế ngày càng tăng cả số lượng và thành phần, làm gia tăng số lượng khách tham quan đến các khu du lịch trong nước trong đó có Hải Phòng. Đối với khách du lịch nội địa, do nhu cầu hành hương, lễ hội, lưu lượng ngày nghỉ và mức sống của người dân không ngừng tăng lên, dẫn đến số lượng khách từ các địa phương đến các điểm du lịch Đồ Sơn, Cát Bà không ngừng tăng lên. Theo dự báo Quy hoạch Tổng thể phát triển Du lịch Hải Phòng giai đoạn 2010 - 2020, lượng khách quốc tế đến Hải Phòng vào năm 2010 là 1.400 lượt người, năm 2015 là 2.300 lượt người và đến năm 2020 là 3.400 lượt người; khách du lịch nội địa đến năm 2010 là 2.700 lượt người, năm 2015 là 3.600 lượt người và đến 2020 là 4.700 lượt người. Lượng khách tăng dẫn đến rác thải gia tăng tỷ lệ thuận theo từng năm, nếu chỉ sử dụng mức tính trung bình 01 khách du lịch thải ra 3,5 kg rác/ngày thì lượng rác thải do khách thải ra vào năm 2010 là 13.000kg, năm 2015 là 15.000kg và đến 2020 là 24.000kg. Khối lượng nước thải cũng gia tăng tương ứng, nếu lượng nước thải được tính là 80% lượng nước cấp thì lượng nước thải trung bình cho 01 khách du lịch là 120 lít và nhân viên phục vụ là 60 lít, như vậy lượng nước thải phải xử lý cho một ngày đối với khách du lịch tại Hải Phòng vào năm 2010 là 480.000 lít, năm 2015 là 700.000 lít và 2020 là 900.000 lít. Trong khi đó, hệ thống xử lý tập trung rác thải, nước thải trên các khu, điểm du lịch chưa được hoàn chỉnh và chưa được đầu tư.
Những điểm du lịch tại Hải Phòng phải chịu áp lực của hoạt động du lịch vùng và các trung tâm phát triển du lịch
Hoạt động du lịch không có ranh giới hành chính mà luôn có sự liên kết giữa các địa phương, vùng du lịch, đặc biệt là các trung tâm du lịch. Với vai trò là một cực quan trọng trong tam giác tăng trưởng du lịch của vùng du lịch Bắc bộ với trọng tâm là Hạ Long - Cát Bà - Đồ Sơn, với lợi thế về tiềm năng tài nguyên du lịch biển, đảo biển…, Hải Phòng là điểm đến của khách du lịch từ các tỉnh lân cận đặc biệt là Hà Nội, Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc. Trong lúc đó, Du lịch Hải Phòng chưa có điều kiện sẵn sàng ứng phó các tác động ảnh hưởng của hoạt động du lịch trên địa bàn, các khu điểm du lịch chưa được trang bị cơ sở vật chất để ứng phó với các nguy cơ ô nhiễm và sự cố môi trường sẽ xảy ra.
Tính mùa vụ của du lịch rất sâu sắc áp lực lớn đối với bảo vệ tài nguyên và môi trường
Là một tỉnh nằm ở vùng Bắc bộ nên chịu ảnh hưởng sâu sắc của thời tiết khí hậu miền Bắc và ảnh hưởng mang tính xã hội về mùa lễ hội, mùa du lịch của khách quốc tế và kỳ nghỉ của học sinh, sinh viên nên mùa du lịch lượng khách du lịch gia tăng tại các điểm khu du lịch trên địa bàn Hải Phòng; thời gian từ tháng 5 đến tháng 9, mức tăng từ 70 - 90%. Sự gia tăng đột biến trong thời gian ngắn và lực lượng lao động phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện dẫn đến công tác khắc phục các sự cố môi trường xảy ra không hiệu quả dẫn đến áp lực đối với tài nguyên tự nhiên đặc biệt là hệ sinh thái rất lớn.
Gia tăng số lượng khách đã tạo áp lực đối với công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường tại khu dự trữ sinh quyển và Di sản Thiên nhiên thế giới
Cát Bà được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và cũng là bộ phận không tách rời của Di sản Thiên nhiên thế giới Hạ Long. Sự công nhận đó của các tổ chức quốc tế đang mang lại nguồn khách du lịch ngày càng tăng cho Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Theo thống kê, lượng khách đến Cát Bà năm 2002 là 109.000 lượt người, đến năm 2005 là 450.000 lượt người, đến năm 2008 tăng lên gần 01 triệu lượt khách. Đây là một thách thức không nhỏ đối với Du lịch Hải Phòng trong công tác bảo tồn giá trị tự nhiên và đa dạng hệ sinh học.
Nhận thức xã hội đang còn bất cập tại các khu điểm du lịch
Nói chung, ý thức giữ gìn vệ sinh chung và môi trường trên địa bàn đã có bước tiến bộ nhất định, một số người dân đã có ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường và bảo vệ tài nguyên tại các điểm du lịch. Tuy nhiên, áp lực về doanh thu và thu hồi vốn đầu tư khiến một số cơ sở kinh doanh dịch vụ đã không tuân thủ đối với trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân trong bảo vệ môi trường chung. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại khu vực Đồ Sơn, Cát Bà chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải còn đổ nước thải thẩm thấu xuống đất hoặc đổ ra biển; một số nhà hàng tại Đồ Sơn còn buôn bán các động vật quý hiếm được bảo vệ; hiện tượng săn bắt, khai thác hệ sinh thái quý hiếm còn xảy ra trong các khu bảo tồn. Một số dự án, các dịch vụ còn khai thác các tài nguyên nhạy cảm dễ tổn thương. Vấn đề rác thải, chất thải rắn và khí thải còn gia tăng tại các khu du lịch Đồ Sơn, ven biển Cát Bà trong thời vụ và cuối vụ du lịch
Công tác quản lý và giám sát môi trường tại các khu du lịch chưa thường xuyên
Du lịch Hải Phòng mang lại nhiều nguồn thu cho ngân sách địa phương và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Do bất cập trong công tác tổ chức nên chưa có bộ phận, hay cán bộ chuyên trách về môi trường du lịch trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Là địa phương có nhiều khu, điểm du lịch, tập trung nhiều nhất tại khu du lịch Đồ Sơn và đảo Cát Bà, nhưng tại các khu du lịch cơ quan quản lý chuyên ngành du lịch chưa tiến hành quan trắc và đánh giá tác động du lịch đối với môi trường từ hoạt động du lịch và những ngành khác tại các khu vực này. Tại các khu vực nhạy cảm đối với thiên nhiên chưa có hệ thống quan trắc môi trường hay định kỳ quan trắc để theo dõi diễn biến môi trường và hệ sinh thái. Hệ thống thu gom, xử lý rác thải và nước thải tập trung cho từng khu du lịch hầu như chưa có nên các cơ sơ kinh doanh dịch vụ còn thải tự do ra môi trường gây ô nhiễm cục bộ tại một số khu du lịch. Công tác truyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường chưa thường xuyên.
GIẢI PHÁP BẢO VỆ TÀI NGUYÊN – MÔI TRƯỜNG DU LỊCH HẢI PHÒNG
Một là, xây dựng năng lực quản lý nhà nước về môi trường du lịch
Cần sớm hình thành bộ phận và nhân sự chuyên trách về quản lý môi trường tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng và cơ quan cấp huyện với nhiệm vụ tham mưu, xem xét, thẩm định phê duyệt đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển du lịch, quản lý, theo dõi, giám sát các tổ chức kinh doanh du lịch đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, đề ra các chính sách, lập kế hoạch và ban hành các văn bản pháp quy trong bảo vệ môi trường du lịch. Tăng cường năng lực nghiên cứu quản lý, đánh giá môi trường. Hàng năm, vào các vụ du lịch cần phải phối hợp với bộ phận quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên & Môi trường để tiến hành lấy mẫu quan trắc đánh giá mức độ ô nhiễm tại khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà và một số sông, cửa biển. Tăng cường giám sát chất thải, nước thải của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, giải quyết dứt điểm vấn đề thải gây ô nhiễm môi trường và tiến tới xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung.
Hai là, xây dựng quy chế quản lý môi trường tại các khu điểm du lịch
Tổ chức triển khai tốt chỉ thị 07/ 2000/ CT-TTg ngày 30/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giữ gìn trật tự, trị an, và vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch. Xây dựng các quy định, chế tài trong bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch Cát Bà, Đồ Sơn. Tại các khu, điểm du lịch không cho phép xây dựng các cơ sở sản xuất và chế biến có các chất thải chứa các tác nhân độc hại (kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc khác...). Quy hoạch phát triển du lịch, các dự án du lịch và dự án các ngành khác, thường xuyên giám sát các tác động của dự án đối với dự án trong quá trình triển khai xây dựng và trong quá trình hoạt động. Đặc biệt chú trọng đến chất lượng, nguồn thải của nước thải và các chất thải khác. Phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường để thực hiện thu phí ô nhiễm môi trường, xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường, các cơ sở kinh doanh du lịch.
Ba là, đào tạo phát triển nguồn nhân lực về nghiệp vụ môi trường trong hoạt động du lịch
Đối với hoạt động du lịch, ngoài trình độ nghiệp vụ, trình độ kiến thức, nhận thức tốt về bảo vệ tài nguyên, môi trường là một điều kiện cần thiết cho du lịch phát triển bền vững, giữ gìn chất lượng môi trường. Cần đưa các kiến thức về tài nguyên, môi trường, văn hóa, xã hội vào các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Ngành (kiến thức về các nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo được, các hệ sinh thái tự nhiên, nhân văn, các loại hình ô nhiễm và biện pháp bảo vệ...). Trong các chương trình giảng dạy này phải đặc biệt lưu ý đến các khái niệm về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Định kỳ mở các lớp bồi dưỡng kiến thức tài nguyên, môi trường cho đội ngũ cán bộ nhân viên hiện đang làm việc trong ngành Du lịch tại các khu du lịch. Xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ khoa học môi trường. Tìm kiếm và sử dụng kịp thời sự trợ giúp quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu các kinh nghiệm nước ngoài thông qua các học bổng, hội nghị, hội thảo quốc tế, chương trình trao đổi chuyên gia để chuyển giao công nghệ và trao đổi kinh nghiệm.
Bốn là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội
Một trong những biện pháp tốt nhất để bảo vệ môi trường là tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức môi trường cho mọi người dân, cộng đồng. Sự tham gia của các cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ gìn giữ môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như: phổ biến các kiến thức pháp luật, phổ cập nhận thức môi trường theo các chương trình và thông tin môi trường như tivi, đài, báo... Có thể tổ chức cho khách du lịch tham gia vào các chương trình bảo vệ, giữ gìn môi trường sạch đẹp như cho rác vào túi giấy, thi tìm hiểu về môi trường tại các khu du lịch... Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho khách du lịch, những người làm nghề du lịch và người dân địa phương thông qua các trung tâm đón tiếp khách, các buổi nói chuyện, chiếu phim, triển lãm ảnh và các ấn phẩm….
BÙI TIẾN HÀ