EU hỗ trợ thí điểm chỉ số cạnh tranh tại 5 điểm đến du lịch quan trọng của Việt Nam
Dự án của EU mang tên “Hỗ trợ TAB đề xuất mô hình quản lý và vận hành Quỹ phát triển du lịch và tăng cường sức cạnh tranh cho điểm đến” bắt đầu được triển khai từ tháng 2/2019 cho đến tháng 1/2020. Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực và nguồn lực của các cơ quan tư vấn và quản lý du lịch quan trọng tại Việt Nam trong lĩnh vực tiếp thị và xúc tiến du lịch để đảm bảo tính bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của các điểm đến; đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương và doanh nghiệp.
Nhằm giúp Việt Nam đạt được vị thế tốt hơn trên thị trường du lịch quốc tế đang thay đổi, dự án tập trung hỗ trợ tăng cường khả năng cạnh tranh trong khu vực thông qua xây dựng và thí điểm mô hình xếp hạng chỉ số cạnh tranh của các điểm đến du lịch cần thiết cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch Việt Nam. Chỉ số cạnh tranh và bảng chấm điểm được xây dựng theo các điển hình tốt của quốc tế.
Các hoạt động sắp tới của dự án bao gồm đối thoại công - tư, hội thảo tham vấn với các cơ quan quản lý và khối doanh nghiệp, chương trình tập huấn và thí điểm bộ chỉ số cạnh tranh tại 5 điểm đến du lịch hàng đầu là Hà Nội, Hạ Long, Huế, Hội An và TP. Hồ Chí Minh. Từ một công cụ so sánh như vậy có thể thúc đẩy tinh thần cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích tất cả các điểm đến du lịch cải thiện dịch vụ và môi trường theo thời gian. Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ TAB trong việc đề xuất mô hình quản lý và điều hành Quỹ phát triển du lịch hướng tới tính bền vững của Quỹ.
Ông Tom Corrie - đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: EU hỗ trợ TAB xây dựng các phương thức cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm giúp Việt Nam cải thiện hoạt động marketing và hình ảnh của một điểm đến du lịch tuyệt vời.
Hiện nay, TAB cũng đã tạo dựng một Quỹ Du lịch Việt Nam 2020 với 9 nhà tài trợ tham gia đóng góp cho Quỹ trong thời hạn 3 năm đến năm 2020, trong đó có Vingroup, Mường Thanh, Sungroup, Saigontourist, Hanoitourist, Vietnam Airlines… để hỗ trợ cho ngành Du lịch đặc biệt là hỗ trợ Tổng cục Du lịch (TCDL) trong công tác marketing. TAB hy vọng thông qua kinh nghiệm này có thể góp phần kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp tư nhân với Chính phủ, Bộ VHTTDL và TCDL để phát triển Du lịch Việt Nam bền vững.
Các kết quả chính của dự án hỗ trợ kỹ thuật của EU bao gồm những đề xuất đối với Quỹ phát triển du lịch, mô hình chỉ số cạnh tranh của điểm đến, kế hoạch triển khai và bộ công cụ thực hiện sẽ được trình bày tại một sự kiện cấp cao vào cuối năm 2019 trước khi chính thức trình lên Thủ tướng Chính phủ thông qua Hội đồng tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
TAB được thành lập năm 2012 là kết quả hỗ trợ của EU cho TCDL và rất tích cực trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch thông qua mô hình đối tác công tư, chú trọng đến các khía cạnh bền vững của du lịch, tư vấn và hỗ trợ TCDL về chính sách, nguồn nhân lực và đảm bảo chất lượng trong ngành Du lịch. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bổ sung đại diện của TAB là thành viên của Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy đối thoại cấp cao và sự hợp tác giữa Chính phủ và khối doanh nghiệp du lịch nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. |
Hạ Tinh