Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, tại Việt Nam lượng khách inbound, khách nội địa và khách outbound đều tăng nhanh, tuy nhiên du lịch outbound chưa được đánh giá tương xứng với tiềm năng, chưa được đánh giá bình đẳng với du lịch inbound, du lịch nội địa, và trong thực tế còn nhiều vấn đề nảy sinh. Bởi vậy, Diễn đàn du lịch outbound Việt Nam - Cơ hội và thách thức được tổ chức nhằm bàn về hoạt động du lịch outbound, từ đó tìm ra giải pháp tốt nhất để thúc đẩy phát triển du lịch outbound tại Việt Nam cả về lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị tinh thần của hoạt động outbound và bảo vệ quyền lợi cho công dân Việt Nam khi du lịch nước ngoài.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung bàn về hiện trạng và giải pháp phát triển hoạt động kinh doanh du lịch outbound tại Việt Nam. Ông Đoàn Ngọc Xuân - Vụ trưởng Vụ VHXH, Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Cùng với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng hàng năm, lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2016 có khoảng 6,6 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài thì năm 2018 đã có khoảng 10 triệu lượt người. Hiện nay, người Việt Nam không chỉ quan tâm đến thị trường Đông Nam Á mà đang dần quan tâm đến thị trường Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông. Việc người Việt Nam có điều kiện đi du lịch nước ngoài là điều đáng mừng, thể hiện mức sống dân cư ngày một tăng, theo đó các công ty du lịch cũng tăng trưởng về doanh số. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn xảy ra một số bất cập trong công tác quản lý cũng như tổ chức hoạt động outbound, ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành Du lịch và tác động không tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội.
Đại diện các công ty lữ hành (Saigontourist, Transviet Travel, Hanoitourist, Redtour, Công ty Du lịch Việt…) đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển du lịch outbound tại Việt Nam như: không ngừng tuyên truyền để người dân Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài có ý thức ứng xử văn minh; phát triển nguồn nhân lực du lịch outbound; tăng cường rà soát việc cấp phép hoạt động, có chế tài đối với các công ty du lịch hoạt động outbound; đẩy mạnh các chương trình hành động nâng cao hình ảnh du khách Việt; các cơ quan quản lý nhà nước cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về tổ chức hoạt động cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, tại hội nghị giao ban khối văn hóa xã hội vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nêu lên những mặt trái của người Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài như cười nói to, không chịu xếp hàng… Phó Thủ tướng đã giao cho Tổng cục Du lịch nhiệm vụ xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Bộ Quy tắc phải đưa ra những tiêu chí, hình ảnh ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đặt trên tất cả các chuyến bay của các hãng Hàng không Việt Nam để người Việt Nam có thể tham khảo, áp dụng khi ra nước ngoài…
TC