Nghệ An sẽ đưa dân ca ví, dặm phục vụ khách du lịch tại khu di tích Kim Liên - Ảnh: tuoitre.vn
Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ sẽ chịu trách nhiệm về nội dung cũng như tổ chức tập huấn cho các hạt nhân dân ca trên địa bàn huyện Nam Đàn để xây dựng đội dân ca chuyên nghiệp phục vụ tại khu di tích Kim Liên từ 7-10 người.
Thời gian duy trì hoạt động vào hai ngày cuối tuần, các buổi sáng từ 7g30, mỗi buổi sẽ diễn hai chương trình (mỗi chương trình kéo dài 30 phút).
Dự kiến địa điểm trình diễn tại khuôn viên ngôi nhà tranh của gia đình ông Vương Hoàng Mỹ, gần nhà Bác Hồ ở quê Nội (làng Sen, khu di tích Kim Liên).
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Su lịch Nghệ An, với chủ đề “Trình diễn dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, ban tổ chức sẽ chọn lọc và biểu diễn những tiết mục đặc sắc của dân ca ví, dặm; kết hợp giữa phong cách biểu diễn truyền thống và đương đại để phục vụ miễn phí khách du lịch.
Bên cạnh những làn điệu dân ca lời cổ sẽ đan xen những ca khúc mang âm hưởng dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh về Bác Hồ và quê hương Nam Đàn.
“Trước mắt, phía tỉnh sẽ hỗ trợ huyện Nam Đàn chi trả kinh phí cho các nghệ nhân biểu diễn từ nguồn ngân sách phát triển du lịch. Về lâu về dài chúng tôi sẽ có đề án xây dựng phát triển CLB dân ca ví, dặm theo hình thức xã hội hóa để duy trì việc đưa dân ca ví, dặm phục vụ du khách tại khu di tích Kim Liên”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Hữu Giáp - Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao huyện Nam Đàn cho biết: “Chúng tôi đã cân nhắc chọn địa điểm phù hợp với không gian di tích, vừa phải phù hợp với không gian diễn xướng của dân ca. Trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã hỗ trợ huyện thử nghiệm loại hình này tại khu di tích Kim Liên, thu hút rất đông khách du lịch. Các du khách còn hỏi mua sách viết về dân ca, đĩa VCD dân ca ví, dặm”.
“Việc phục vụ dân ca tại khu di tích Kim Liên chắc chắn thu hút đông đảo du khách tới thưởng thức quanh năm”, ông Giáp tin tưởng.
Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa, hiện có 75 nhóm dân ca ví, dặm với khoảng 1.500 thành viên. Việc thực hành, truyền dạy dân ca ví, dặm được đẩy mạnh ở 15 huyện ở tỉnh Nghệ An và 12 huyện ở tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 31/1/2015, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức lễ đón nhận bằng “Dân ca ví, dặm Nghệ An là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
Nguồn: tuoitre.vn