Xưa kia, chiếc quạt không chỉ là một vật dụng có nhiều tiện lợi, vừa để quạt mát, vừa để che nắng, và thậm chí còn thay cả… “đả cẩu bổng” mỗi khi các cụ sang nhà hàng xóm chơi sợ chó dữ. Với các bà, các chị, một cái quạt đẹp đôi khi còn là vật làm duyên không thể thiếu. Quạt Vác bởi thế mà rất được ưa dùng, các chợ lớn ở Hà Nội như Đồng Xuân, chợ Hôm - Đức Viên… bày bán rất nhiều. Nhưng nay, để tìm được một chiếc quạt Vác quả nhiên là hiếm hoi. Trong khi những chiếc quạt nhựa, quạt vải sản xuất theo công nghệ đại trà hay nhập khẩu từ Trung Quốc nhan nhản khắp các sạp hàng, thì quạt Vác, một món đồ thủ công truyền thống đã vắng bóng. Các bà, các chị bán hàng nghe hỏi đến quạt giấy làng Vác đều lắc đầu, nói rằng muốn có thì… phải “thửa”.
Làng nghề nức tiếng xa gần
Theo quốc lộ 22, đoạn từ Hà Đông đi Vân Đình, tới cây số 19 là địa phận làng Canh Hoạch (hay còn gọi là làng Vác), tôi tìm đến làng Vác vào một buổi trưa mùa thu hanh hao nắng. Chỉ cách con lộ chính vài chục mét, nhưng ngôi làng nhỏ tĩnh lặng và vắng vẻ đến nao lòng. Bất chợt, từ đâu đó trong những ngôi nhà ngói lúp xúp đã ngả màu thời gian, một người mẹ cất tiếng ru con tha thiết:
“Hỡi cô thắt dải bao xanh
Có về Canh Hoạch với anh thì về
Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề
Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khua?”
Quạt làng Vác nức tiếng xưa nay bởi sự bền đẹp, nan cứng mà không mối mọt, phết bằng nước cậy tốt nên không bị bong tróc, giấy dó thủ công rất mịn và dai. Nghề làm quạt giấy ở làng Vác bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XIX, cách đây khoảng 140 - 150 năm, người làng Vác không chỉ duy trì nghề mà còn đưa quạt giấy lên tới đỉnh cao bậc nhất ở Việt Nam.
Lúc đầu, chiếc quạt được làm rất mộc mạc, sau cải tiến, nâng cao và dần dần trở nên tinh xảo với hàng chục loại quạt quý, quạt kỷ, quạt thường khác nhau. Nan quạt lúc đầu dùng tre, về sau dùng cả ngà, sừng, đồi mồi, xương… Từ quạt phất bằng giấy dó, sau dùng cả lụa, the, gấm… Đặc biệt, kỹ thuật châm kim trên quạt do thợ làm quạt ở làng Vác sáng tạo ra được coi là một thủ pháp kỹ thuật độc đáo và phức tạp, riêng có ở Việt Nam. Những chiếc quạt giấy, qua bàn tay tài hoa của người thợ làng Vác bỗng trở thành một tác phẩm nghệ thuật với những đường nét hoa văn đột tinh xảo, mềm mại và khéo léo.
Thợ làng Vác từ chỗ chỉ sản xuất quạt bán quanh vùng, đã tiến lên làm quạt bán buôn cho các chợ ngoài Hà Nội hay những nhà buôn có uy tín trên phố Hàng Quạt, quạt xuất khẩu sang cả Hồng Kông, Thái Lan… và tham dự các cuộc đấu xảo, hội chợ ở Hà Nội và Paris vào những năm 30 đầu thế kỷ trước.
Những người thợ cuối cùng
Nhưng đó đã là chuyện của quá vãng. Làng Vác bây giờ đã không còn được biết đến với nghề làm quạt giấy nữa mà thay vào đó là nghề làm lồng chim. Khá vất vả, tôi mới tìm đến được nhà vợ chồng ông Lê Văn Thứ, bà Trần Thị Công, gia đình duy nhất còn mải miết mưu sinh bằng nghề truyền thống này. Ông Thứ không nhớ rằng gia đình mình đã mấy đời làm nghề, bởi ông cũng như cha mẹ, ông bà mình đều lớn lên cùng với hình ảnh những chiếc quạt tím biếc hong kín cả khoảng sân nhà, và vợ chồng ông theo nghề làm quạt giấy như một lẽ tự nhiên, cha truyền con nối. Ông Thứ chia sẻ: làm quạt sừng không quá khó, nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và nhẫn nại, do vậy mà hiếm người theo được. Phải mất khoảng 16 công đoạn mới tạo nên một chiếc quạt sừng hoàn chỉnh.
Những nguyên liệu làm quạt cũng rất cầu kỳ, phải cất công đi mua ở nhiều vùng. Tre thì mua trên Lương Sơn, Hòa Bình, ngâm dưới ao bùn một tháng để tránh mối mọt. Giấy dó phải mua ở làng Đông Hồ, Bắc Ninh. Sừng trâu để làm nan cái của quạt được đặt mua về từ Thụy Ứng. Sừng mua về là những thanh nhỏ, còn thô và được hơ lửa để uốn cho thẳng, mài bằng giấy nhám cho mịn và sáng bóng rồi chạm trổ những hoa văn đơn giản theo yêu cầu của khách. Quả cậy - một thứ nguyên liệu quan trọng, góp phần tạo nên danh tiếng của quạt làng Vác - thì phải tìm mua ở các vùng ven biển Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình... Tháng Bảy, tháng Tám là mùa cậy, phải mua quả cậy rồi đem về giã nát và vắt gạn, như giã cua đồng nấu canh. Sau đó còn phải lọc, rồi cho vào chum ngâm, để dùng dần cả năm. Nước cậy rất mịn và có độ kết dính hơn mọi thứ keo khác, khi kết hợp với phẩm màu sẽ cho ra màu quạt theo ý muốn: tím đen, nâu đậm, hoặc tím tươi... Khi làm quạt châm kim thì phất cậy, phơi khô rồi mới dùng phẩm lên màu cho quạt, lại phải thêm một nước cậy nữa để giữ màu. Bởi vậy mà quạt có rơi xuống nước cũng không sợ bị rách, mục.
Công đoạn châm kim để tạo nên hoa văn cho quạt cũng thật công phu, đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay tài hoa, tính kiên nhẫn và trí tưởng tượng phong phú. Những hoa văn đơn giản, vợ chồng ông Thứ có thể tự đột, song những hoa văn phức tạp như rồng chầu mặt nguyệt, tứ linh, tứ quý thì phải đi thuê người làm. Và người duy nhất còn giữ lại nghề đột hoa văn trên quạt ở làng Vác là bà Mai Thị Choi. Những hoa văn này đều không có mẫu sẵn mà phụ thuộc hoàn toàn vào tính sáng tạo của người thợ đột.
Ông Thứ cho biết, vợ chồng ông chỉ sản xuất quạt khi có người đặt. Khách hàng của ông chủ yếu là các chùa chiền, các võ sư cầu kỳ muốn có quạt đẹp để múa võ biểu diễn hay những người thích sưu tầm và có lòng hoài cổ với quạt xưa muốn có một chiếc quạt làm thủ công để treo tường... Rất nhiều người nghe tiếng quạt làng Vác đã lặn lội từ miền Nam ra, từ nước ngoài về chỉ để có được một vài chiếc quạt sừng làm kỷ niệm.
Một chiếc quạt với nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo như vậy nhưng tiền công lại rất rẻ, do vậy mà ông Thứ, bà Công làm nghề phần nhiều là để giữ lấy truyền thống của ông cha. Những người làm quạt cuối cùng của ngôi làng nức tiếng này đều đã không còn trẻ nữa, với mái đầu đã điểm màu sương gió, họ vẫn trăn trở lắm với thế hệ kế tục, mai này, nghề truyền thống không biết sẽ đi về đâu…
Dòng họ Trần ở làng Vác nổi tiếng với nghề làm quạt sừng rất đẹp và tinh xảo. Sinh thời, cụ bà thân sinh ra bà Trần Thị Công đã làm một chiếc quạt sừng tặng Bác Hồ. Chiếc quạt được làm bằng cả tâm huyết của người thợ làng nghề, được chính tay ông nội của bà, một người thợ già lành nghề trau chuốt từng chiếc nan, và mẹ bà, một người phụ nữ khéo tay tỉ mẩn phất giấy. Đó là kỷ niệm đẹp, là niềm tự hào của cả gia đình và dòng họ bà Công. |
Nguồn: Tạp chí Du lịch