Các nước tham gia TPP đặt ra mục tiêu tạo một mô hình mới về hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy thương mại và đầu tư, biến TPP thành hạt nhân để hình thành một khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực thương mại tự do mà TPP tạo ra rất lớn (có tổng GDP) hơn 28.000 tỷ USD, chiếm 40% tổng GDP và hơn 30% tổng thương mại toàn cầu) nên các dây chuyền cung ứng sẽ có động lực dịch chuyển về khu vực này, tạo ra lợi thế và lợi ích kinh tế to lớn cho tất cả các nước tham gia.
Kể từ khi chính thức khởi động vào tháng 3 năm 2010, đàm phán TPP đã trải qua hơn 30 phiên là việc ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng, tập trung vào các nội dung quan trọng như đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế (với một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc hình thức giảm thuế đáng kể, với điều kiện phải được các nước còn lại chấp thuận). Một số nội dung quan trọng khác như mở cửa lĩnh vực dịch vụ và đầu tư; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; thuế xuất khẩu; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; thương mại và môi trường; thương mại điện tử; minh bạch hóa và chống tham nhũng…
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tham gia TPP sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như quốc tế, giúp Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia, trong điều kiện thuận lợi, thế giới không có những diến biến bất lợi TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu có cơ hội tăng mạnh nhờ mở rộng thị trường và nhờ giảm thuế từ các thị trường nhập khẩu. Thu hút đầu tư nước ngoài sẽ có “cú hích” mạnh do môi trường đầu tư được cải thiện… Về mặt xã hội, tăng trưởng kinh tế sẽ giúp Việt Nam có thêm nguồn lực để thực hiện các mục tiêu cộng đồng…
Tuy nhiên, các thách thức đặt ra khi Việt Nam tham gia TPP cũng rất lớn. Theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, đáng lo ngại nhất là lĩnh vực nông nghiệp, do nhiều chủng loại nông sản của các nước có lợi thế cạnh tranh khi các dòng thuế được đưa về 0% sẽ tạo ra sức ép các mặt hàng nông sản Việt Nam, vốn đã yếu nay lại càng yếu thêm. “ Điều này đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp như tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, đẩy nhanh mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao”, ông Khánh nhấn mạnh đồng thời cho biết việc mở rộng thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp của ta.
Trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đặt ra về vấn đề nhiều doanh nghiệp sản xuất sẽ rơi vào khó khăn, thậm chí phá sản do không đủ năng lực cạnh tranh, kéo theo khả năng thất nghiệp, Thứ trưởng Khánh cho hay tác động này là có nhưng chỉ mang tính cục bộ do phần lớn các nền kinh tế TPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. “Để thực thi cam kết trong TPP, chúng ta sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… Với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, chúng ta hoàn toàn có thể thành công”, ông Khánh khẳng định.
Việt Nguyễn