Năm 2016, Du lịch Việt Nam đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tăng 9% so với năm 2015; tổng thu từ du lịch đạt hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2015. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 2 mốc kỷ lục mới: tổng số khách nhiều nhất và mức tăng tuyệt đối trong năm nhiều nhất (trên 2 triệu lượt). Những con số ngắn gọn nêu trên là kết quả của một năm nhiều dấu ấn, thể hiện sự bứt phá của toàn ngành Du lịch. Còn nhớ trong bài viết gửi tới các bạn độc giả của Tạp chí nhân dịp Tết Bính Thân, chúng tôi đã dự báo năm 2016 ngành Du lịch sẽ tiếp đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2015 nhưng không nghĩ có thể đạt những kết quả ấn tượng như vậy, nhất là trong bối cảnh giai đoạn 2010 - 2015, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ tăng trung bình khoảng 580.000 lượt/năm. Càng ấn tượng hơn khi tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có thể đạt mức cao nhất trong khu vực. Đến hết quý III/2016, tốc độ tăng trưởng của Du lịch Việt Nam đạt 27%, trong khi nước xếp ngay sau chúng ta là Thái Lan đạt 12%, Singapore 9%, Indonesia 8,5%, Campuchia 5%, Malaysia 4%.
Cột mốc quan trọng nêu trên là kết quả của sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chinh trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao va Du lịch trong thời gian qua, cùng với nỗ lực không ngừng của ngành Du lịch. Sau giai đoạn khó khăn (6/2014 - 6/2015), bắt đầu phục hồi đà tăng trưởng (từ tháng 7/2015), Đảng và Nhà nước đã đặt ra yêu cầu cao hơn nữa đối với ngành Du lịch để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XII.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã liên tục làm việc với các doanh nghiệp du lịch, các bộ, ngành, địa phương để bàn các giải pháp phát triển du lịch và tháo gỡ các khó khăn cụ thể. Sự kiện được coi là dấu ấn đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch (9/8/2016, tại Hội An) với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và
đông đảo các doanh nghiệp, chỉ đạo và giải quyết các vấn đề cụ thể và đề ra định hướng, yêu cầu nhiệm vụ đối với ngành Du lịch. Phiên họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đa thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật du lịch (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý cho ngành Du lịch phát triển trong giai đoạn mới. Các địa phương đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chỉ đạo, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã họp, nghe Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo và nhất trí ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Những chỉ đạo và hành động quyết liệt nêu trên đã đem lại những kết quả tích cực. Năm 2016, khách du lịch từ các thị trường trọng điểm đều tăng cao. Đồng thời, thị trường du lịch trong nước tiếp tục được chú trọng. Với các chương trình truyền thông rộng rãi trong nước, thói quen và văn hóa đi du lịch của người Việt được định hình rõ nét và văn minh hơn.
Năm 2016, chúng ta rất vui và tự hào khi hình ảnh Du lịch Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, mang đậm truyền thống Việt Nam được định hình rõ nét hơn. Riêng năm 2016, có 75 cơ sở lưu trú trong phân khúc từ 3 - 5 sao được công nhận (trong đó có 13 cơ sở lưu trú hạng 5 sao, 26 cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 36 cơ sở lưu trú hạng 3 sao). Hiện nay, cả nước có 21.000 cơ sở lưu trú với trên 420.000 buồng (tăng 2.200 cơ sở lưu trú so với năm 2015), trong đó có 107 khách sạn 5 sao với 30.624 buồng, 230 khách sạn 4 sao với 29.504 buồng, 446 khách sạn 3 sao với 30.937 buồng.
Để nâng cao hình ảnh Du lịch Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2016 ngành Du lịch đã phát động một chiến dịch lớn, đặt trọng tâm vào chất lượng cơ sở lưu trú du lịch và giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường du lịch. 38 cơ sở lưu tru du lịch 3 - 5 sao đã bị thu hồi quyết định công nhận hạng sao do không đảm bảo chất lượng (trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 13 khách sạn 4 sao và 24 khách sạn 3 sao). Các địa phương đã quan tâm xử lý các nạn đeo bám, ép khách, cướp giật, không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực về vấn đề này.
Đầu tư phát triển du lịch tăng ấn tượng cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án hàng chục nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư chiến lược, tiêu biểu gồm: Tập đoàn SunGroup đầu tư tại Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, Vĩnh Phúc; Tập đoàn VinGroup đầu tư tại Khánh Hòa, Phú Quốc, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh; Tập đoàn FLC đầu tư tại Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Định; Tập đoàn Mường Thanh đưa vào khai thác 14 khách sạn mới, nâng tổng số cơ sở lưu trú của riêng tập đoàn lên 45 khách sạn tại 33 tỉnh/thành phố với trên 8.000 buồng. Bên cạnh xu hướng đầu tư vào các khu vực trọng điểm như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh…, xu hướng đầu tư mở rộng ra các khu vực gần trung tâm đã được hình thành.
Trong năm qua, các địa phương đã nỗ lực gắn kết để phát huy tiềm năng du lịch, nâng cao sức hấp dẫn của các điểm đến du lịch địa phương. Năm Du lịch quốc gia Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần liên kết chặt chẽ giữa các điểm đến trong vùng và với các khu vực khác. Nhiều địa phương chủ động liên kết điểm đến, tiêu biểu gồm liên kết của 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc - Nam Trung Bộ; các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ với Hà Nội; Hà Nội với Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk; Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình…
Các thương hiệu điểm đến du lịch nổi bật trong những năm qua như Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng, Sapa, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được khẳng định; các thương hiệu như Phú Quốc, Tràng An, Hà Giang, đồng bằng sông Cửu Long… ngày càng được định hình rõ nét. Nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách đã hình thành, tiêu biểu là tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), xe buýt Hop On – Hop Off phục vụ du khách tại thành phố Hồ Chi Minh; trải nghiệm quan sát Đà Nẵng từ máy bay trực thăng cao cấp; khu làng Pháp tại Khu du lịch Bà Nà Hills; đi bộ dưới đáy biển ở Cù Lao Chàm; trải nghiệm Bái Đính về đêm tại Ninh Bình, vườn thú Safari tại Phú Quốc... Năm 2016, InterContinental Danang Sun-Peninsula Resort tiếp tục năm thứ 3 đạt danh hiệu Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới, Đà Nẵng được nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á về sự kiện và lễ hội” cùng với nhiều giải thưởng uy tín khác.
Công tác xúc tiến quảng bá trong năm qua đã có bước tiến mới, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Năm 2016, ngành Du lịch đã tổ chức thành công 3 Hội chợ du lịch quốc tế là VITM (Hà Nội), BMTM (Đà Nẵng), ITE (thành phố Hồ Chí Minh), đón nhiều đoàn doanh nghiệp và báo chí du lịch có uy tín đến Việt Nam, tiếp tục tham gia có hiệu quả các hội chợ du lịch quốc tế lớn, tổ chức nhiều chương trình phát động thị trường tại các thị trường trọng điểm. Đặc biệt, ứng dụng marketing điện tử đã được chú trọng trong năm qua, ngành Du lịch đã đưa vào hoạt động trang web vietnamtourism.vn với giao diện và nội dung mới phục vụ quảng ba Du lịch Việt Nam ra nước ngoài, tổ chức chiến dịch Why Vietnam, khởi động dự án Super Selfie, tăng cường quảng bá trên mạng xã hội như facebook, youtube.com...
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, những người làm du lịch chúng tôi còn nhiều trăn trở, cần tiếp tục suy nghĩ để hanh động, hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhìn thẳng vào thực tế, năng lực cạnh tranh ngành Du lịch Việt Nam mới xếp hạng 75/141 nền kinh tế, còn kém các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Sản phẩm du lịch của Việt Nam chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn, khác biệt. Các chính sách liên ngành đảm bảo điều kiện cho ngành Du lịch phát triển thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh chưa đồng bộ. Chất lượng dịch vụ du lịch nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu. Môi trường du lịch cả về tự nhiên và xã hội còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao.
Năm 2017, Du lịch Việt Nam phấn đấu đón 11,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 66 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460 nghìn tỷ đồng; hướng đến mục tiêu đến năm 2020 đón 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP; tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD. Để hiện thực hóa những mục tiêu nêu trên, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch năm 2017 là tập trung hoàn thiện nội dung dự thảo Luật du lịch (sửa đổi), trình Quốc hội ban hành; triển khai, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch.
Đặc biệt, việc đổi mới, khắc phục hạn chế, yếu kém cần được thực hiện quyết liệt và trước hết từ chính ngành Du lịch. Năm 2016 chúng ta đã có những dấu ấn và kết quả quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu trong hành trình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, không nên thỏa mãn và hài lòng với những kết quả đó; phải nhìn thẳng và đối mặt với những hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức để tiếp tục khắc phục và vươn lên; tăng cường liên kết giữa các ngành, các vùng và trong nội bộ ngành Du lịch. Chúng ta đều biết rằng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc. Vì vậy, trên hành trình phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta cần tạo được sự đồng thuận và phối kết hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và các lĩnh vực liên quan.
Nhân dịp năm mới Đinh Dậu 2017, tôi xin gửi tới Ban Biên tập và bạn đọc Tạp chí Du lịch cùng gia đình những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc Tạp chí Du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, là diễn đàn uy tín, hấp dẫn, là người bạn đồng hành của những người làm du lịch và yêu du lịch.
Qua Tạp chi Du lịch, tôi xin gửi lời cảm ơn cùng những lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả những người làm du lịch. Chúc các bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, cùng ngành Du lịch Việt Nam phát triển, vươn lên tầm cao mới, khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Chúc Xuân mới, thắng lợi mới!
Nguyễn Văn Tuấn
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
(Tạp chí Du lịch)