Với quan điểm được đề ra tại Đại hội Đảng “Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: du lịch, hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin”, ngành Du lịch đã được xác định ưu tiên phát triển. Nhằm định hình thể chế, nâng cao nhận thức và tháo gỡ rào cản phát triển, Đảng và Nhà nước đã tập trung chỉ đạo nhiều nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng đối với ngành Du lịch như xây dựng Luật du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội (khóa IX) cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, tổ chức hội nghị “Diên Hồng” toàn quốc về phát triển du lịch với nhiều quyết sách được ban hành, xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những quyết sách đặc biệt quan trọng này đã thực sự tạo dựng nền tảng pháp lý và nấc thang nhận thức mới về vai trò, vị trí của ngành kinh tế du lịch cho toàn xã hội. Từ đó nhiều hoạt động của ngành đã được triển khai mạnh mẽ và mang lại hiệu quả quan trọng như tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch; chấn chỉnh hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về lữ hành và hoạt động hướng dẫn viên; đa dạng hóa công tác phối hợp, tổ chức hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; bố trí nguồn lực để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; hoàn thiện đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự vận hành mạnh mẽ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với sự vào cuộc của các địa phương và doanh nghiệp du lịch toàn quốc, kết thúc năm 2016 Du lịch Việt Nam đã đạt mức tăng kỷ lục cả về tốc độ và số tăng tuyệt đối cho một năm, đón được 10.012.723 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; đón 62.000.000 lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015.
Năm 2016 cũng là năm ghi dấu ấn đậm nét về sự bứt phá trong tăng trưởng du lịch cả về lượt khách, doanh thu tại các địa bàn du lịch trọng điểm như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Kiên Giang, Thanh Hóa… Một điểm nhấn của năm nay là công tác chấn chỉnh, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên du lịch, môi trường du lịch được tập trung đẩy mạnh. Tổng cục Du lịch phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức các đoàn kiểm tra chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động của các khách sạn, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên tại các địa phương; phối hợp với ngành Công an tiến hành thanh, kiểm tra tại các khu, điểm du lịch và công ty lữ hành, qua đó đã phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường, an ninh an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được các địa phương quan tâm đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức hấp dẫn của các địa bàn du lịch trọng điểm. Nét mới năm nay là sự quan tâm và ủng hộ của toàn xã hội đối với ngành Du lịch. Cấp ủy và Chính quyền nhiều tỉnh, thành đã ban hành các Nghị quyết về phát triển du lịch, qua đó đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng đưa du lịch trở thành ngành kinh mũi nhọn. Trên các phương tiện thông tin đại chúng số lượng tin bài viết, phản ánh của du khách về du lịch rất phong phú. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia quảng bá, xúc tiến, đón khách, chuyển thị trường, làm phim… rất sôi nổi.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại công văn số 3320/BVHTTDL-TCDL ngày 23/8/2016 về việc chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Thanh tra Bộ, các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hội nghị quán triệt chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam tại 19 tỉnh thành. Với tinh thần công khai, công bằng và minh bạch, Tổng cục đã tổ chức các đoàn công tác tiến hành kiểm tra khách sạn từ 3 - 5 sao nhằm chỉ ra những tồn tại, hạn chế và yêu cầu các chủ khách sạn, nhà quản lý điều hành đầu tư, nâng cấp, tăng cường quản trị, nâng cao chất lượng dịch vụ, bổ sung đầy đủ số lượng và bồi dưỡng nâng cao chất lượng, kỹ năng lao động của nguồn nhân lực. Qua 5 tháng thực hiện Tổng cục Du lịch đã kiểm tra 241 khách sạn, quyết định thu hồi hạng sao của 38 khách sạn và 2 căn hộ du lịch cao cấp từ 3 - 5 sao; có văn bản khuyến cáo và giao thời hạn 3 tháng để khắc phục, nâng cấp đối với 74 khách sạn; nhắc nhở trực tiếp yêu cầu chấn chỉnh hàng trăm khách sạn. Cái được lớn nhất của chiến dịch này là đã làm thay đổi nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, chủ đầu tư khách sạn, nhà quản lý điều hành khách sạn về việc đảm bảo chất lượng khách sạn theo đúng hạng sao được công nhận; làm chuyển động toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch theo hướng tích cực. Các khách sạn đã rà soát, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường quản trị từ khâu bố trí đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, chăm sóc phục vụ khách, an toàn thực phẩm đến thái độ nhân viên; chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú được phân theo hạng sao một cách chính xác, giảm dần tình trạng khách sạn trong cùng hạng sao có tiêu chuẩn chất lượng khác nhau; khách hàng yên tâm khi đặt dịch vụ lưu trú du lịch.
Năm 2017, cùng với việc tiếp tục làm tốt nhiệm vụ xúc tiến quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khách sạn, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, công tác quy hoạch du lịch, triển khai Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch và Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam, xây dựng phát triển sản phẩm du lịch mới, ngành Du lịch xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai chiến dịch chấn chỉnh công tác quản lý lữ hành và hướng dẫn du lịch. Để làm tốt nhiệm vụ này, Tổng cục Du lịch xác định cần tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu như tuyên truyền nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện có kết quả Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; chấn chỉnh lại những hạn chế của kinh doanh lữ hành và công tác hướng dẫn du lịch, bồi dưỡng để đội ngũ hướng dẫn viên đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng; tăng cường quản lý nâng cao chất lượng điểm đến, nhất là tại các khu, điểm du lịch lớn. Quan tâm hơn đến công tác quản lý hoạt động lữ hành và vận chuyển khách, đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Phối hợp với Thanh tra Bộ và Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành quán triệt chủ trương này và tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra công tác lữ hành, hướng dẫn viên, dịch vụ du lịch tại các điểm đến tại các địa phương và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời, cần quan tâm đến công tác đào tạo hướng dẫn viên, nâng cấp các sản phẩm và điểm đến, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch.
Với những thành quả đạt được của năm 2016 của toàn ngành, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, Du lịch Việt Nam đã bước vào một giai đoạn phát triển mới. Trên nền tảng tăng trưởng mới và động lực đã tạo dựng, chắc chắn Du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.
Ngô Hoài Chung
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
(Tạp chí Du lịch)