Theo dự kiến, đoàn Du lịch Việt Nam tham gia ATF 2023 do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Đoàn Văn Việt làm trưởng đoàn, cùng dự có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Trùng Khánh và đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, địa phương, doanh nghiệp…
ATF là sự kiện thường niên lớn nhất được tổ chức luân phiên giữa các thành viên ASEAN trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN. Đây là một trong những khuôn khổ hợp tác đa phương Du lịch Việt Nam tham gia sâu rộng và có hiệu quả nhất. Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác du lịch song phương với tất cả các nước thành viên ASEAN. Nhiều chương trình hợp tác đã được ký kết và thực hiện hiệu quả.
Với chủ đề “ASEAN: Hành trình tới những điểm đến tuyệt vời” (ASEAN: A Journey to Wonderful Destinations), ATF 2023 gồm nhiều sự kiện quan trọng, như: Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN+3 lần thứ 22; Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Ấn Độ lần thứ 9; Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN-Nga lần thứ 2; Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN lần thứ 57; Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN+3 lần thứ 42; Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN+Ấn Độ lần thứ 29; Họp Tham vấn Du lịch ASEAN-Nga lần thứ 13; Lễ trao Giải thưởng Du lịch ASEAN; Họp báo các Bộ trưởng Du lịch ASEAN cùng nhiều hoạt động bên lề. Đặc biệt, Hội chợ TRAVEX được xem là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển…
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá Du lịch Việt Nam, tăng cường hợp tác phát triển, thúc đẩy hồi phục du lịch sau đại dịch COVID-19, tại ATF 2023, Việt Nam sẽ tổ chức họp báo giới thiệu các chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm, loại hình du lịch phù hợp thị hiếu, xu hướng mới…, qua đó, đẩy mạnh sự hiện diện hình ảnh, thông điệp Du lịch Việt Nam thông qua biểu tượng và tiêu đề “Việt Nam - Timeless Charm” và “Live fully in Viet Nam”.
Tại Hội chợ TRAVEX, gian hàng Du lịch Việt Nam có diện tích 54m2 được thiết kế ấn tượng, nổi bật nhằm truyền tải thông điệp mời gọi du khách đến Việt Nam sau dịch COVID-19; lan tỏa hình ảnh “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” cùng sự chào đón du khách với những cảm nhận mới, hương vị mới, sắc thái mới - những trải nghiệm mới mẻ và trọn vẹn tại Việt Nam. Điểm nhấn của gian hàng là Năm Du lịch quốc gia được tổ chức tại Bình Thuận (tháng 3/2023).
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2019 khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN đạt khoảng 143,5 triệu lượt, chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Thị trường nguồn của khu vực ASEAN chủ yếu là khách du lịch nội khối và Đông Bắc á, trong đó thị trường khách outbound Việt Nam đứng trong nhóm 15 thị trường hàng đầu với khoảng 4,1 triệu lượt khách đi du lịch ASEAN.
ASEAN là một trong những thị trường, đối tác quan trọng nhất của Du lịch Việt Nam. Trong năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Các thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN năm 2019 bao gồm: Malaysia (đạt 606.206 lượt, chiếm 3,4% tổng lượng khách), Thái Lan (đạt 509.802 lượt, chiếm 2,8% tổng lượng khách), Singapore (đạt 308.969 lượt, chiếm 1,7% tổng lượng khách), Campuchia (đạt 227.910 lượt, chiếm 1,3% tổng lượng khách).
Thời gian qua, Việt Nam đã đảm nhận vai trò đầu mối, chủ trì một số nội dung quan trọng như Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Quảng bá Du lịch ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá, Giám sát và Nguồn lực du lịch ASEAN, Phó Chủ tịch Ủy ban phát triển du lịch bền vững và bao trùm ASEAN, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (2020-2021); đầu mối xây dựng sản phẩm du lịch đường sông, có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về lao động du lịch (MRA-TP). Hiện nay Du lịch Việt Nam đang chủ trì dự án “Xây dựng và triển khai Chiến lược ASEAN về sự tham gia của cộng đồng địa phương và khối tư nhân trong phát triển du lịch” và dự án phát triển sản phẩm mới “Chương trình du lịch tham quan lễ hội truyền thống ASEAN”.
|
Việt Hùng