Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong dịp tết Quý Mão tiếp tục diễn ra sôi động, trong những ngày đầu năm mới toàn tỉnh Bình Thuận ước đón khoảng 140.000 lượt khách, tăng 64,7% so cùng kỳ năm ngoái, doanh thu ước đạt 310 tỷ đồng.
Từ 20 - 25/1 (29 - mùng 4 tết), lượng du khách đến Bình Thuận tăng dần qua từng ngày, trong đó ngày mùng 3 tết lượng khách đến đã tăng đột biến với hình ảnh xe cá nhân, xe máy tràn ngập thành phố Phan Thiết và các khu vực trọng điểm du lịch như Hàm Tiến - Mũi Né, Tiến Thành - Hàm Thuận Nam, La Gi. Khách du lịch còn tập trung và vui xuân rất đông tại các điểm tham quan du lịch như Bàu Trắng, Hòn Rơm, Đồi cát bay, đá Ông Địa, tháp Pô Sah Inư, Đồi Dương, Thanh Minh tự; hay tại các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê trên địa bàn thành phố Phan Thiết cũng đón lượng khách tăng cao.
Tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, công suất phòng tại Bình Thuận đã đạt từ 75 - 85%, trong đó những cơ sở lưu trú từ 3 - 5 sao ở thành phố Phan Thiết công suất phòng đạt trên 95% vào thời điểm trước, trong và sau tết. Tết cổ truyền năm nay khách du lịch có xu hướng chọn các cơ sở lưu trú cao cấp, có view biển để du xuân, đón tết với hình thức du lịch theo nhóm bạn bè hay gia đình.
Bên cạnh nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mừng Đảng - mừng Xuân Quý Mão liên tục diễn ra, trong những ngày tết, điểm đến Phan Thiết - Bình Thuận còn có các hoạt động vui chơi, giải trí mang đậm phong vị tết do các resort, khách sạn, khu du lịch tổ chức như lễ hội bánh chưng, chợ tết xưa, dạ tiệc văn hóa ẩm thực tết, trò chơi dân gian, sân chơi ngày tết, biểu diễn lân - sư - rồng, không gian văn hóa tết Việt, lễ hội đón giao thừa đã tạo nên sức hút lớn đối với khách du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng các chương trình giảm giá kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm mới, hấp dẫn, chú trọng chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, sáng mùng 1 tết, lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch tổ chức chào đón, chúc tết và lì xì gần 300 khách xông đất Bình Thuận tại ga Phan Thiết, tạo sự bất ngờ và lưu lại hình ảnh đẹp trong lòng du khách.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong 5 ngày nghỉ Tết, tổng lượng khách đến Khánh Hòa tham quan, nghỉ dưỡng đạt 431.800 lượt (trong đó có 151.800 lượt khách du lịch lưu trú). Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú khoảng 77,45%, trong đó chủ yếu tập trung cao điểm từ ngày mùng 2 Tết đến mùng 5 Tết với công suất phòng gần 80% tại một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao khu vực ven biển và trung tâm thành phố Nha Trang. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 647 tỉ đồng.
Tại Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh, từ ngày 21/1 đến 25/1 (tức từ 30 đến mùng 4 Tết), bình quân mỗi ngày có khoảng 35 chuyến bay nội địa và 15 chuyến bay quốc tế đến Sân bay quốc tế Cam Ranh. Đối với thị trường khách quốc tế, bên cạnh khách Hàn Quốc, Nga, Kazakhstan... Khánh Hòa cũng đón các đoàn khách đến từ Trung Quốc trên các chuyến bay charter của Hãng Hàng không Vietjet Air, được khai thác trở lại trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sau thời gian dài tạm ngưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với đường sắt, bình quân mỗi ngày có khoảng 15 chuyến đến.
Trong dịp nghỉ lễ Tết, tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhiều sự kiện phục vụ người dân và du khách tại Quảng trường 2/4 và các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023. Bên cạnh các sự kiện của tỉnh, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động mừng xuân như Hội Hoa Xuân Nha Trang – Khánh Hòa năm 2023; Lễ hội thuyền hoa và đua thuyền sông Dinh…
Các cơ sở lưu trú du lịch từ 4 – 5 sao và các điểm du lịch đã chủ động trang trí và tập trung tổ chức các sự kiện, chương trình “Đêm Gala chào đón Giao thừa, chúc Tết du khách” bao gồm các hoạt động như tiệc buffet đón năm mới Quý Mão 2023, múa lân chào Xuân mới, lì xì đầu năm, ông đồ tặng chữ thư pháp, giảm giá dịch vụ, ẩm thực, chương trình ca nhạc, các trò chơi dân gian, chương trình rút thăm trúng thưởng để giới thiệu đến du khách về những nét đặc sắc mang đậm truyền thống văn hóa Việt như chương trình “Gói Xuân yêu thương trong từng chiếc bánh”, “Gói bánh tét trở về Tết xưa”, các trò chơi dân gian, thể thao ngoài trời…
Trong 3 ngày (từ mùng 1 đến mùng 3 Tết Quý Mão), hơn 53.000 lượt khách, trong đó hơn 7.000 lượt khách quốc tế đã đến tham quan, du xuân tại các di tích cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Công suất phòng các cơ sở lưu trú thời gian này ước đạt 52%, doanh thu lưu trú khoảng 106 tỷ đồng. Các điểm tham quan và di tích cố đô Huế mở cửa miễn phí cho người dân địa phương và du khách Việt Nam tham quan. Tại khu vực trước Ngọ Môn và bên trong Đại nội Huế, nhiều nghi thức cung đình và các chương trình vui Tết được tổ chức như: Lễ đổi gác, Lễ dựng nêu và hạ nêu, biểu diễn đại nhạc, tiểu nhạc, ca Huế, các trò chơi cung đình, biểu diễn lân sư rồng, võ thuật...
Nhằm tạo không khí vui tươi đón Tết và thu hút du khách tham gia vào các hoạt động truyền thống của địa phương, nhiều lễ hội truyền thống cũng được tổ chức dịp này như: Hội đu tiên Điền Hòa mùng 2 tháng Giêng, Hội vật làng Thủ Lễ mùng 6 tháng Giêng, Lễ hội Đền Huyền Trân mùng 8 và mùng 9 tháng Giêng, Hội vật truyền thống làng Sình và Lễ hội cầu ngư Thuận An mùng 10 tháng Giêng... Bên cạnh đó, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã vận động và hướng dẫn một số khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng cao sao và cơ sở kinh doanh dịch vụ cùng các đơn vị lữ hành linh hoạt tổ chức các chương trình đón khách khi đến khách sạn ở Huế theo phong cách văn truyền thống dịp Xuân mới, giới thiệu và mời khách trải nghiệm một số món ẩm thực Huế dịp Tết truyền thống; các khách sạn phải chủ động đảm bảo nhân lực, nhu yếu phẩm, thực phẩm để phục vụ khách và trực ban theo quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết, trong vòng 6 ngày, từ 29 tháng Chạp đến tối mùng 4 Tết Quý Mão (20 – 25/1), du khách đến Phú Yên ước đạt 94.920 lượt khách. Khách lưu trú ước đạt 56.950 lượt, công suất sử dụng phòng trung bình khoảng 60%, riêng các khách sạn có quy mô lớn công suất phòng trong các ngày mùng 3 và 4 Tết đạt khoảng 80%. Tổng doanh thu hoạt động du lịch trong 6 ngày nêu trên ước đạt 132,8 tỷ đồng, trong đó doanh thu lưu trú ước đạt 28,4 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tổng lượt du khách đến Phú Yên tăng 10,5 lần; khách lưu trú tăng gấp 7,6 lần; doanh thu du lịch tăng gấp 12,4 lần, trong đó doanh thu lưu trú tăng gấp 7,5 lần.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Yên, các doanh nghiệp lữ hành ở địa phương đã chuẩn bị tốt các phương tiện đưa đón khách, xây dựng tour tham quan du lịch hấp dẫn, hỗ trợ du khách tìm hiểu về di tích lịch sử, danh thắng, văn hóa, lịch sử, ẩm thực… vùng đất Phú Yên.
Tại Hà Nội, trong ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, lượng khách nội địa và quốc tế cũng tăng vọt tại các điểm di tích, tham quan. Do nhu cầu đi lễ, nên các điểm di tích lớn như đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, đền Trấn Vũ, chùa Quán Thánh… rất đông người dân và du khách đến lễ chùa để cầu mong bình an, những điều may mắn trong năm mới. Nhiều điểm tham quan đón lượng khách quốc tế và nội địa tăng vọt như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long…
Thao Lan