6 tháng đầu năm 2023, Du lịch Việt Nam đã đón và phục vụ hơn 5,5 triệu lượt khách quốc tế, gấp hơn 13 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 69% so với kế hoạch năm; phục vụ trên 64 triệu lượt khách nội địa, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 63% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt 343,1 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 52,7% so với kế hoạch năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch đã thẩm định 616 hồ sơ cấp, đổi, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp lữ hành (tăng 201 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2022), trong đó cấp mới 449 giấy phép (tăng 137 giấy phép so với cùng kỳ năm 2022), đổi 138 giấy phép, thu hồi 31 giấy phép, cấp lại 3 giấy phép. Tính đến ngày 7/6/2023, cả nước có 3.423 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 1.008 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022) trong đó có 1.152 doanh nghiệp cổ phần, 31 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 2.235 công ty trách nhiệm hữu hạn, 5 doanh nghiệp tư nhân. Các Sở quản lý du lịch địa phương cũng đã cấp mới 2.522 thẻ, đổi 1.400 thẻ, cấp lại 3 thẻ hướng dẫn viên các loại. Tính đến ngày 8/6/2023, cả nước có 34.874 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ (tăng 4.037 hướng dẫn viên so với cùng kỳ năm 2022) trong đó có 20.387 hướng dẫn viên quốc tế, 12.963 hướng dẫn viên nội địa, 1.524 hướng dẫn viên tại điểm.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch đã ban hành 65 quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao, trong đó có 11 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao; 9 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao; công nhận lại 45 cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao. Đến nay, cả nước có 235 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 77.895 buồng; 354 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 47.502 buồng.
Tại buổi sơ kết, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã ghi nhận kết quả hoạt động của Tổng cục Du lịch, đặc biệt là trong việc tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đồng thời chỉ ra hạn chế trong công tác xúc tiến quảng bá khi chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Tổng cục Du lịch và Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Du lịch xác định nhiệm vụ sắp tới, tập trung vào xúc tiến quảng bá với góc độ trách nhiệm, nhiệm vụ của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam để tổ chức được các hoạt động quy mô, tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Đặc biệt là khai thác tốt thị trường Trung Quốc – thị trường lớn chiếm đến 30% thị phần khách quốc tế của Việt Nam; kết nối kết quả chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.
Trong khuôn khổ buổi Sơ kết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng công bố Quyết định thành lập Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và các Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. Phát biểu chỉ đạo tại đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh việc Tổng cục Du lịch chính thức chuyển thành Cục Du lịch quốc gia Việt Nam với những chức năng, nhiệm vụ đã được ban hành. Bộ trưởng yêu cầu cấp ủy, lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam quán triệt cán bộ, công chức của Cục nắm chắc các thẩm quyền, nhiệm vụ được xác định trong Quyết định; hiểu và thấy được nội dung Cục Du lịch quốc gia Việt Nam là đơn vị quản lý nhà nước về du lịch. Trên cơ sở đó, tham mưu đúng, trúng, kịp thời; tháo gỡ khó khăn, tổ chức các hoạt động sự nghiệp phục vụ nhiệm vụ phát triển du lịch Việt Nam. “Các điều khoản phải được đọc, nắm sâu, vận dụng tốt. Quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát hiện những vấn đề điểm nghẽn, cần trao đổi với Vụ Tổ chức cán bộ để kịp thời điều chỉnh trong quá trình triển khai” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chuẩn bị cho công tác sắp xếp lại các đơn vị theo mô hình mới theo đúng quy định. Gắn liền với đó là rà soát lại, xây dựng vị trí việc làm để công việc của từng phòng được hoàn tất cùng sự tương thích về con người theo vị trí việc làm đã xây dựng. “Mỗi đơn vị phải xây dựng tinh thần đoàn kết trong nội bộ; thống nhất về ý chí; triển khai thực hiện nghiêm túc việc xây dựng môi trường văn hóa trong Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. Nếu làm tốt thì động lực tinh thần sẽ tăng lên, kéo theo bước tiến của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu các lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phải đề cao vai trò cá nhân, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể; khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong công việc. Tiếp tục nêu gương, minh bạch trong các lĩnh vực công tác; quản lý cán bộ, tài sản, ngân sách phải đúng quy định. Gắn với đó là đánh giá thực chất. “Mọi việc khi được giải quyết trên cơ sở đó, sẽ tạo ra động lực mới” – Bộ trưởng khẳng định. Cũng theo Bộ trưởng, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cần chuyển tư duy từ làm du lịch sang quản lý nhà nước về du lịch và phát huy mạnh mẽ theo tinh thần đó.
Thanh Minh