Du lịch là phiên làm việc cuối cùng của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 với sự tham gia đối thoại của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy – đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL; lãnh đạo Bộ KHĐT, Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao, Quảng Nam, Quảng Ninh. Về phía tư nhân, phiên làm việc có sự tham gia của ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, ông Trần Trọng Kiên- Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Minh; ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn Du lịch.
“Ba điểm nghẽn” của Du lịch
Theo mục tiêu Chính phủ đề ra đối với ngành Du lịch, đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đón được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tạo ra 4 triệu việc làm. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho biết, trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017, Việt Nam đã được đánh giá cao với vị trí 67/136 quốc gia, tăng 8 hạng so với năm 2015, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Bên cạnh những chỉ số cao, du lịch Việt Nam cũng có nhiều điểm số xếp ở chót bảng xếp hạng.
Do vậy, để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra cho ngành Du lịch, cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ và ổn định. Trong đó, Nhóm công tác Du lịch của VPSF đề xuất Chính phủ tháo gỡ ba điểm nghẽn chính có thể tháo gỡ trong thời gian 12 tháng cho đến 2 năm tới để tạo đột phá Du lịch. Ba điểm nghẽn được đưa ra là: Quảng bá xúc tiến; Thị thực; Môi trường an toàn – xanh và sạch.
Về công tác quảng bá xúc tiến du lịch, ông Trần Trọng Kiên cho biết, hiện tại ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam quá thấp so với khu vực (2 triệu đô/1 năm) thấp nhất trong ASEAN. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam không có cơ quan quảng bá du lịch quốc gia; chưa có văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm…
Về thị thực (visa), ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn Du lịch cho biết, hiện nay Việt Nam đã mở cửa cho 23 quốc gia với giải pháp miễn thị thực và triển khai áp dụng thị thực điện tử cho 40 nước. Mặc dù đây là kỳ tích đối với Việt Nam, nhưng VPSF vẫn hy vọng việc mở cửa, tháo điểm nghẽn về visa tốt hơn trong thời gian tới.
Về môi trường an toàn – xanh, sạch, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel cho biết, theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đã được đánh giá cao với nhiều chỉ tiêu vượt trội so với các nước trên thế giới. Nổi bật là Tài nguyên văn hóa và Du lịch công vụ: hạng 30; Tài nguyên tự nhiên:hạng 34….; Sức cạnh tranh về giá (hạng 35)… Thế nhưng, một số chỉ số khác của Việt Nam lại ở chót bảng xếp hạng, như về mức độ an ninh và an toàn của Việt Nam: 57. Ở Việt Nam, an ninh quốc gia thì tốt, song an toàn cho khách du lịch tại điểm đến còn nhiều vấn đề bất cập như nạn chèo kéo, hành hung, trộm cắp… Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu về môi trường, Việt Nam bị xếp hạng rất thấp như: Nạn phá rừng hạng 103; Chất lượng hạ tầng du lịch: 113; Hạn chế về xử lý nước: hạng 107; Quy định lỏng lẻo về môi trường: hạng 115; Mức độ bền vững về môi trường hạng 129/136 quốc gia…
Cùng với việc đề xuất tháo gỡ 3 điểm nghẽn nói trên, VPSF cũng đề xuất đối với Chính phủ những giải pháp cụ thể cho từng “điểm nghẽn” nhằm tạo đột phá cho Du lịch trong thời gian tới.
Sẽ có khoảng 400-500 tỷ đồng cho xúc tiến quảng bá du lịch
Đánh giá cao những đề xuất của Nhóm công tác Du lịch VPSF, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, những vấn đề về ba điểm nghẽn và những đề xuất mà đại diện nhóm tư nhân đã nêu rất trúng các “điểm nghẽn” mà ngành Du lịch đang phải đối mặt. Trong năm 2016 và 7 tháng năm 2017, du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao chưa từng có, tuy nhiên, dư địa của ngành Du lịch còn lớn và có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa nếu những điểm nghẽn nói trên được tháo gỡ. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, từ Hội nghị toàn quốc về Phát triển Du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết nhiều vấn đề để tạo điều kiện cho Du lịch phát triển, trong đó có việc tiếp tục gia hạn miễn visa cho 5 nước Tây Âu và Belarus; triển khai cấp visa điện tử… Tuy nhiên, những vấn đề được giải quyết nêu trên vẫn còn chưa đủ để phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tế, so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn kém cạnh tranh về visa, do vậy cần tiếp tục thông thoáng hơn nữa.
Về công tác quảng bá xúc tiến du lịch, ông Tuấn cho biết: “Sau Hội nghị toàn quốc về phát triển Du lịch vào tháng 8/2016, chúng tôi đã thống nhất được những nguyên tắc cơ bản với Bộ Tài chính về công tác xúc tiến quảng bá. Đặc biệt, Luật Du lịch 2017 vừa được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 đã nêu lên vấn đề về nguồn hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển Du lịch từ phí visa và phí tham quan. Chúng tôi sẽ trình Chính phủ Dự thảo Đề án về Quỹ trong thời gian tới và trong năm 2017, Quỹ sẽ được ra đời, kỳ vọng đem lại khoảng 400-500 tỷ đồng/1 năm cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch”. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng bày tỏ hy vọng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là DN tư nhân sẽ tiếp tục là động lực và chủ động hơn nữa trong công tác xúc tiến quảng bá để du lịch Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững hơn.
Cuối cùng, đồng tình với những vấn đề mà nhóm công tác Du lịch của VPSF nêu ra về môi trường Du lịch, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam đang bị mất hình ảnh do môi trường du lịch cả về tự nhiên và xã hội. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, Chỉ thị số 14 và Chỉ thị số 18 của Chính phủ đã nêu rất rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan liên quan về vấn đề này. Do vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình hơn nữa để bảo vệ môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Cũng theo ông Tuấn, hiện Chương trình hành động Nghị quyết 08-NQ/TƯ về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đang hoàn thiện những khâu cuối cùng trước khi được ban hành. “Ngành du lịch của chúng ta đã có bước tiến, nhưng chúng ta có thể phát triển nhanh hơn nữa nếu giải quyết các “điểm nghẽn” và các chính sách tạo điều kiện cho Du lịch được thực thi” - ông Tuấn khẳng định.
Trước đó, trong sáng 31/7, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 đã thảo luận 3 chuyên đề khác, gồm: Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5; Kinh tế số - Thúc đẩy thực thi chính sách để tạo đà bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0; Nông nghiệp: Tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường./.
Nguồn: Toquoc.vn