Xin ông cho biết ngành Du lịch Thừa Thiên – Huế đã có kế hoạch và giải pháp gì để phát triển thương hiệu Festival?
Ông Võ Phi Hùng (VPH): Nhận thức được tầm quan trọng của văn hoá lễ hội đối với việc phát triển du lịch, nhằm tăng cường sức hấp dẫn và đa dạng hoá các loại hình sản phẩm Du lịch Thừa Thiên - Huế, UBND Tỉnh đã phối hợp với các Bộ, Ngành Trung ương và sự hỗ trợ của Đại sứ quán nước Cộng hoà Pháp tại Việt Nam đã tổ chức thành công 4 kỳ Festival Huế.
Qua mỗi lần tổ chức, Fesstival Huế dần khẳng định thương hiệu - một lễ hội văn hoá du lịch riêng có của mảnh đất cố đô với công nghệ tổ chức tiên tiến, nội dung giao lưu rộng rãi, thực sự là một lễ hội văn hoá du lịch hiện đại kết hợp truyền thống hết sức độc đáo của Huế nói riêng và miền Trung nói chung, nhằm phát triển du lịch của Tỉnh và cả nước.
Để củng cố, phát triển sản phẩm du lịch, Ngành chỉ đạo các doanh nghiệp cần chủ động hoàn chỉnh, nâng cấp và phát triển sản phẩm đặc trưng của đơn vị. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Trung tâm fesstival để xây dựng, quảng cáo, giới thiệu các tour du lịch lồng ghép với Chương trình lễ hội, nhằm chào bán cho du khách trong và ngoài nước trong thời gian sớm nhất. Ngành đã chủ động phối hợp các Ban, Ngành trong tỉnh tổ chức các sự kiện du lịch như lễ hội Lăng Cô - Huyền thoại biển, Hương xưa làng cổ, Chợ quê ngày hội, hội thi vẽ tranh về du lịch, hội chợ ẩm thực Huế,… làm phong phú thêm hoạt động của Fesstival.
Ngành Du lịch khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia vào kinh doanh du lịch bằng các chính sách ưu đãi khen thưởng, ghi công kịp thời. Đây cũng là một giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay.
Festival Huế đang dần khẳng định thương hiệu. Có thể nói rằng, Huế được bạn bè năm châu biết đến không chỉ nhờ Di sản Văn hóa thế giới mà còn nhờ Festival được tổ chức 2 năm một lần tại TP. Huế.

|
Tháp Phước Duyên; Ảnh: Vĩnh Cát |
Theo ông, để hội nhập sân chơi chung của WTO các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh phải làm gì nhằm nâng cao sức cạnh tranh?
Ông VPH: Để hội nhập được vào sân chơi quốc tế, tránh những tổn thất không đáng có cho doanh nghiệp du lịch (DNDL), theo tôi điều quan trọng đầu tiên về phía Nhà nước là các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch... cần nhanh chóng hướng dẫn, phổ biến nội dung chi tiết, cụ thể những cam kết của Việt Nam, cam kết và luật pháp quốc tế trong lĩnh vực du lịch khi gia nhập WTO và các định hướng lớn của Nhà nước để các doanh nghiệp biết và chủ động xây dựng chiến lược phát triển của mình cho phù hợp; nhanh chóng hoàn thiện hệ thống luật pháp Việt Nam có liên quan, ban hành các nghị định và văn bản hướng dẫn luật; cải cách hệ thống hành chính dần tiếp cận thông lệ quốc tế theo hướng nhanh, gọn, giảm bớt phiền hà; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp, nhất là công tác hậu kiểm; có kế hoạch đào tạo luật sư hiểu rõ về luật của WTO, …
Về phía DNDL, khi tham gia vào sân chơi lớn thì cạnh tranh là tất yếu, song chỉ có cạnh tranh lành mạnh mới tồn tại.
Muốn vậy, để thực hiện được các định hướng trên, DNDL cần triển khai các giải pháp cụ thể:
Về chiến lược phát triển, doanh nghiệp phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, xây dựng và bán những sản phẩm mà thị trường cần, có sự cạnh tranh về giá, về chất lượng sản phẩm, về dịch vụ cung ứng kèm theo chính sách khuyến mãi, hậu mãi và cạnh tranh trên từng mặt hàng chủ lực. Các DNDL cần tập trung khai thác những sản phẩm đặc thù nhằm thu hút khách du lịch.
Cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu và tiếp tục khẳng định thương hiệu đã có.
Xu hướng là cần liên doanh, liên kết để tạo thế mạnh cho về vốn, về thị trường. Tích cực mở rộng thị trường, mở rộng quy mô doanh nghiệp và mạng lưới dịch vụ. Đặc biệt, nắm bắt chặt chẽ thông tin thị trường trong nước và quốc tế để chủ động đầu tư phát triển, không chỉ trong nước mà còn hướng tới các thị trường nước ngoài.
Về nhân lực, sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt về nhân sự. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
Doanh nghiệp cần lưu ý nhận thức của lãnh đạo và nhân viên về tầm quan trọng của hệ thống kế toán, việc báo cáo đầy đủ, minh bạch trong hệ thống kế toán.
Một vấn đề nữa là khi gia nhập WTO, giai đoạn đầu chúng ta sẽ đối mặt với nhiều tranh chấp. Do vậy, DNDL cần làm quen với việc thuê luật sư giỏi, có kinh nghiệm về đàm phán, thương lượng và giải quyết khi xảy ra tranh chấp để định hướng hoạt động kinh doanh của mình đúng luật pháp, chủ động phát huy lợi thế để tồn tại và phát triển.
Xin cảm ơn ông Võ Phi Hùng!
PV thực hiện