Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: Bối cảnh ngành Du lịch trên thế giới hiện nay đang liên quan đến nhiều vấn đề như hội nhập quốc tế, sự cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, sức ép về bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa, sự thay đổi rõ rệt trong hành vi của du khách và đặc biệt là sự ứng dụng sâu rộng của công nghệ vào du lịch. Phát triển du lịch đem lại cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển lâu dài và bền vững hơn, hay nói cách khác là cách để phát triển du lịch một cách “thông minh hơn”. Điều này càng quan trọng tại những nước đang phát triển như Việt Nam.
Với bài trình bày “Sự dịch chuyển từ Du lịch thông minh đến Du lịch thông minh hơn”, Giáo sư David B.Weaver (Đại học Griffith, Australia) cho rằng: Du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn ban đầu nên có cơ hội để phát triển du lịch theo hướng “thông minh hơn” thông qua việc học kinh nghiệm ở những nơi mà du lịch đã phát triển nóng, tránh lặp lại những sai lầm của các quốc gia khác. Việt Nam có dân số đông, số lượng người sở hữu smartphone lớn, vì vậy việc phát triển du lịch thông minh không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ du khách, mà đồng thời còn để nâng cao nhận thức của người dân và các bên liên quan để du lịch được phát triển bền vững và lâu dài hơn. Ví dụ như trên thế giới hiện nay đã áp dụng nhiều ứng dụng trên smartphone để cho du khách biết các hành vi của họ như ăn uống, đi lại, sử dụng các dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch… thì họ đã để lại “dấu chân carbon” và “dấu chân sinh thái” như thế nào; hoặc ứng dụng sẽ hướng dẫn du khách cách để tăng thêm những trải nghiệm tốt cho sức khỏe, cho môi trường thay vì những hoạt động “thiếu bền vững”.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Phạm Trương Hoàng – Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: Du lịch thông minh không chỉ có nghĩa là dùng điện thoại thông minh nhiều hơn, tải nhiều ứng dụng hơn hay ứng dụng công nghệ nhiều hơn, mà còn phải tiếp cận từ góc độ phát triển du lịch một cách thông minh, khôn ngoan và theo hướng phát triển bền vững, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Ngoài ra, khi hành vi và nhu cầu của du khách thay đổi theo hướng “thông minh”, thì các điểm đến cũng cần ứng xử “thông minh hơn”.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã thảo luận về các vấn đề như: Du lịch bền vững trong bối cảnh quản lý điểm đến thông minh: ứng dụng kỹ thuật số để định giá chất lượng sản phẩm xã hội và môi trường, nhận thức về quy tắc ứng xử của người dân về du lịch tại Việt Nam, chuyển đổi số trong marketing du lịch tại Việt Nam, Du lịch có trách nhiệm có mối quan hệ chặt chẽ với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hành vi đạo đức của doanh nghiệp…
HN