Ngay sau khi du lịch chính thức mở cửa từ ngày 15/3/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công Lễ công bố bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - hương sắc bốn mùa” và chương trình kích cầu du lịch năm 2022, đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa. Sự kiện đã được dư luận đánh giá cao và mở đầu cho hơn 50 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong suốt cả năm, tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần không nhỏ vào việc thu hút khách du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã ban hành các tiêu chí du lịch an toàn, xây dựng “điểm đến xanh”, “tuyến du lịch xanh” tạo hành lang an toàn đón khách; đồng thời phối hợp với các ngành, các địa phương, doanh nghiệp huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tập trung cơ cấu lại bộ máy, chuẩn bị nhân lực, vật lực để hình thành và phát triển sản phẩm dịch vụ mới, có chất lượng, phù hợp với từng phân đoạn thị trường khách, trong đó ưu tiên các sản phẩm an toàn cho sức khỏe, vệ sinh, hạn chế tiếp xúc đông người; các gói nghỉ dưỡng ở không gian mở, biệt lập, các gói khuyến mãi, kích cầu….
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh quảng bá du lịch Thanh Hóa trên các kênh truyền hình Việt Nam, truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và truyền hình thành phố Hà Nội, tại các cảng hàng không quốc tế (thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội); trên nền tảng xã hội số (Facebook, Youtube, Tiktok) và ứng dụng triển khai số hóa với tính năng dẫn đường và chỉ dẫn hiện vật cho khách tham quan tại điểm bằng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường tại các khu, điểm du lịch…
Minh chứng rõ nét nhất cho sự phục hồi mạnh mẽ của Du lịch Thanh Hóa chính là những con số ấn tượng. Năm 2022, Thanh Hóa ước đón trên 11 triệu lượt khách, tăng gấp 3,22 lần so với năm 2021; tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021.
Bước sang năm 2023 - năm bản lề thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025, Du lịch Thanh Hóa tập trung duy trì, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Duy trì các điều kiện đón, tiếp khách du lịch an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện. Chủ động thích ứng với những diễn biến bất thường của các yếu tố khách quan tác động đến sự phát triển của ngành Du lịch.
Đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh, gắn với xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng được xu hướng mới của thị trường. Đặc biệt chú trọng khai thác giá trị văn hóa, văn hóa truyền thống vào từng sản phẩm du lịch…
Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Tăng cường thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, sớm hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm giải trí chất lượng cao tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ văn minh, thân thiện.
Đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa; tổ chức chiến dịch quảng bá với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Thúc đẩy chuyển đổi số ứng dụng công nghệ trong quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch.
Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Thanh Hóa thông qua nhiều hình thức. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; tập trung quản lý dịch vụ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch…
PHẠM NGUYÊN HỒNG
TỈNH ỦY VIÊN, GIÁM ĐỐC SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA