Du lịch Phú Thọ từng bước phục hồi, thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới
Bảo đảm an toàn tại các điểm đến và an toàn cho khách du lịch
Phú Thọ triển khai các giải pháp phát triển du lịch an toàn, linh hoạt, thích ứng với trạng thái bình thường mới; phát động du lịch nội tỉnh với phương châm chung trong tất cả các hoạt động du lịch “an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn”.
Hoạt động du lịch trước hết đón khách nội tỉnh, sau đó là khách ngoại tỉnh đến các vùng du lịch xanh. Một trong những yêu cầu cụ thể đối với cơ sở kinh doanh du lịch Phú Thọ là phải đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 hàng ngày tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn để kết nối với hệ thống an toàn COVID-19 quốc gia.
Đối với khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch và người đến liên hệ, làm việc với cơ sở kinh doanh du lịch, cần tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định hoặc quét mã QR; thực hiện đầy đủ các quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và nội quy của cơ sở kinh doanh du lịch; tuân thủ xét nghiệm y tế theo quy định.
Trong điều kiện thuận lợi, các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sẽ đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát dịch COVID-19 gắn với quy trình phòng, chống dịch an toàn.
Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch
Trong thời gian tới, ngành Du lịch Phú Thọ tiếp tục khắc phục khó khăn, triển khai và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá và lan tỏa hình ảnh Du lịch Phú Thọ tới các thị trường tiềm năng; đồng thời, xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Phú Thọ số hóa thông tin của các di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh đăng tải trên Cổng thông tin du lịch Phú Thọ; thực hiện cấp mã QR và lắp đặt các điểm quét mã QR cho các di tích để phục vụ khách du lịch tìm hiểu di tích thông qua các thiết bị thông minh.
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch
Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ngành Du lịch Phú Thọ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch một cách bền vững; đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, quan tâm phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng, sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng, du lịch MICE...
Du lịch Phú Thọ đang nghiên cứu, đầu tư xây dựng và phát triển một số sản phẩm mới như tour học đường kết nối các điểm du lịch: đền Hùng, đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn, Bảo tàng Hùng Vương; tour nông nghiệp tại Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã (huyện Lâm Thao).
Cùng với đó, ngành Du lịch Phú Thọ tiếp tục tạo dựng thương hiệu đối với các món ăn đặc sản, bổ sung các món ăn truyền thống các vùng miền để giới thiệu, thu hút khách tham quan. Xây dựng các tiêu chí “Ẩm thực cội nguồn” đảm bảo văn minh, văn hóa, chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư nhằm phát triển du lịch.
Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số
Phú Thọ đã triển khai các ứng dụng du lịch an toàn do Tổng cục Du lịch thực hiện trên toàn quốc. Tải ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” tại các khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn giúp du khách đánh giá mức độ an toàn. Tính năng nổi bật của ứng dụng là khách du lịch có thể truy cập bản đồ số để tra cứu mức độ an toàn của điểm đến, từ đó xây dựng hành trình du lịch an toàn, thân thiện. Tính năng này đang được các doanh nghiệp du lịch tại tỉnh Phú Thọ và du khách đánh giá cao về hiệu quả sử dụng.
Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch
Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ đã tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thực hiện các Chỉ thị phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch của UBND tỉnh và cơ quan chức năng kịp thời. Đặc biê��t, Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ hướng dẫn đối tượng đăng ký và thực hiện tiêm phòng vaccine COVID-19 nhằm sớm đưa du lịch trở lại hoạt động trong tình trạng bình thường mới.
Bên cạnh đó, thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước như giảm, giãn nộp thuế; giảm tiền ký quỹ doanh nghiệp lữ hành quốc tế; giảm tiền điện và hỗ trợ hướng dẫn viên gặp khó khăn do dịch...; đồng thời, tổ chức các hoạt động nhằm phát triển sản phẩm du lịch bổ sung trong chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh phục vụ du khách hành hương về Đất Tổ
Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch
Ngành Du lịch Phú Thọ đào tạo phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, theo tiêu chuẩn VTOS cho các đơn vị kinh doanh du lịch và dịch vụ; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, phổ cập kiến thức về du lịch, ngoại ngữ cho cộng đồng dân cư vùng phát triển du lịch, xây dựng văn hóa giao tiếp cho đội ngũ lao động; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn về quản lý và tổ chức các hoạt động du lịch; kỹ năng du lịch cộng đồng, đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên phục vụ tại các điểm du lịch và các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng...
Cùng với cả nước, Du lịch Phú Thọ đang triển khai các giải pháp thích ứng an toàn dần hồi phục ngành Du lịch, xây dựng Phú Thọ là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện trong thời gian tới.
ThS. Lê Thị Xuân Giang