Du lịch Hòa Bình làm thế nào để phát huy lợi thế “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”?
Phát biểu của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch Nguyễn Văn Toàn tại Hội nghị kích cầu du lịch Hòa Bình nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch, lưu trú…, thể hiện ghi nhận sự linh hoạt trong chỉ đạo điều hành và các giải pháp phù hợp, kịp thời của tỉnh, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh sản xuất hồi phục kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh.
“Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình rất hiểu và thông cảm với các doanh nghiệp, với các cơ sở hoạt động du lịch do hoạt động du lịch ngưng trệ bởi dịch COVID-19 suốt gần 5 tháng qua. Riêng với du lịch Golf – một trong những thế mạnh của du lịch Hòa Bình – đã có hàng ngàn lao động phải nghỉ việc”, ông Toàn nói.
Ngày 18/10/2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố cấp độ dịch COVID-19 của địa phương thuộc cấp độ 1 - mức nguy cơ thấp trong trạng thái bình thường mới và lập tức triển khai ngay các hành động để khôi phục kinh tế, văn hóa, xã hội, mở đầu là Hội nghị lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, các đề xuất nhằm kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Sự khẩn trương này được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình chia sẻ, ngay từ cuối tháng 9/2021, lúc đó có dịch một số nơi kiểm soát rất chặt, nhưng Hòa Bình đã có quy định phù hợp, chẳng hạn cho phép người lao động ở các địa bàn giáp ranh (khoảng 10.000 người, chủ yếu là công nhân ở các khu công nghiệp) không yêu cầu test nhanh hoặc PCR âm tính 72h, bởi khu vực xung quanh vẫn là vùng xanh, trong khi người lao động qua lại hàng ngày, nếu thực hiện cứ 3 ngày phải test một lần, sẽ cực kỳ phức tạp và tốn kém.
Do vậy, sự linh hoạt là cực kỳ quan trọng,“nếu không triển khai ngay thì sẽ bị chậm trễ và rất đáng tiếc. Chỉ một sân Golf như Phoenix (huyện Lương Sơn) năng lực phục vụ lên tới 700 khách/ngày, tạo ra hàng ngàn việc làm”, ông Toàn bày tỏ.
“Hiện các khu điểm du lịch, các di tích, thắng cảnh đã hoạt động trở lại, đảm bảo các điều kiện đón khách du lịch. Với tinh thần đó, Chương trình kích cầu du lịch Hòa Bình được tổ chức nhằm đẩy mạnh quảng bá Hòa Bình điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn, với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân, du khách”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở VHTTDL Hòa Bình Bùi Thị Niềm, hiện tại 152 xã phường, thị trấn của Hòa Bình đang là điểm đến an toàn. Đây là điều kiện thuận lợi trong việc phục hồi các hoạt động du lịch của tỉnh.
“Nhiều dự án du lịch trên địa bàn và một số khu điểm mới đã hoàn thành và đi vào hoạt động như công viên di sản các nhà khoa học tại huyện Cao Phong, du lịch sinh thái Iori (Lương Sơn), khu nghỉ dưỡng Serena Resort (Kim Bôi), Bakhan Village Resort (Mai Châu) và nhiều điểm du lịch trên hồ Hòa Bình… tạo sự đa dạng, hấp dẫn về sản phẩm để thu hút du khách, hiện tại các khu điểm du lịch và trên 400 cơ sở lưu trú trên địa bàn đã mở cửa phục vụ khách du lịch”, bà Niềm thông tin.
Về kế hoạch tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch Hòa Bình trong thời gian tới, lan tỏa thông điệp “Hòa Bình điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”, bà Niềm cho hay, Hòa Bình sẽ tổ chức một số sự kiện lớn như Lễ hội đất Mường, cuộc thi đại sứ du lịch Hòa Bình, chương trình quảng bá du lịch Hòa Bình tại Hà Nội, đăng cai bộ môn đua xe đạp của Seagames 31…
Ông Vũ Duy Bổng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hòa Bình bày tỏ sự phấn khởi vì du lịch được “kích hoạt” trở lại trong trạng thái bình thường mới. Theo ông Bổng, du lịch ngưng trệ gần 2 năm qua do đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng cực nặng đến các doanh nghiệp du lịch, lưu trú, vận chuyển…, lượng khách giảm tới 85%, công suất phòng tại các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 5 -10%, đơn vị vận tải đường bộ, đường thủy hầu như không có khách do dừng các hoạt động lễ hội. Nhiều điểm du lịch, cơ sở lưu trú buộc phải cắt giảm lao động hoặc làm luân phiên, “chương trình kích cầu du lịch giúp các doanh nghiệp du lịch từng bước tháo gỡ khó khăn để hồi phục”, ông chia sẻ.
Sự có mặt của một loạt doanh nghiệp hàng đầu trên địa bàn như công ty cổ phần Thương mại Định Nhuận - Khách sạn Sakura, Hoa Đào; công ty cổ phần du lịch cộng đồng Đà Bắc; công ty cổ phần du lịch Hòa Bình; khu nghỉ dưỡng Mai Châu Hideway; công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam; khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi; khu nghỉ dưỡng V-Resort Kim Bôi.. với việc công bố gói kích cầu du lịch giảm giá từ 10- 30% dịch vụ… cho thấy sự kỳ vọng rất lớn của doanh nghiệp vào chương trình kích cầu du lịch của tỉnh.
Tuy nhiên, một “điểm gợn” trong hoạt động kích cầu của Hòa Bình được ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đề cập, đó là thời gian áp dụng chính sách giảm giá từ nay đến hết năm 2021 là quá ngắn, không kịp triển khai đã hết năm, nên sẽ không phát huy được hiệu quả.
“Cần thời gian dài hơi để các doanh nghiệp kết nối, du lịch không thể phát động là có khách ngay mà còn đòi hỏi rất nhiều bước tiếp theo và đặc biệt là sự liên kết phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp ở những thị trường nguồn”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cũng cho rằng, Hòa Bình mới thu hút được khách ngắn ngày, mức chi tiêu chưa cao. “Hà Nội là thị trường cực kỳ tiềm năng của du lịch Hòa Bình bởi khoảng cách chỉ 70 km, đặc biệt với du lịch golf Hòa Bình có lợi thế rất lớn, vấn đề là cách thức quảng bá cũng như chất lượng dịch vụ”, ông Hùng nêu ý kiến.
Đánh giá cao những nỗ lực của du lịch Hòa Bình thời gian qua cũng như sự khẩn trương đẩy mạnh kích cầu du lịch sau đại dịch phù hợp với tình hình mới, Phó Tổng cục trưởng TCDL Phạm Văn Thủy cho rằng, tiềm năng của du lịch Hòa Bình không cần bàn thêm. Vấn đề là cách thức tổ chức làm sao để phát huy hiệu quả. Theo Phó Tổng cục trưởng TCDL, Hòa Bình đã quan tâm đến phát triển du lịch, thể hiện qua các chủ trương, quan điểm chỉ đạo về du lịch cùng với những năng động của ngành VHTTDL, sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch, quyết tâm của các nhà đầu tư.
“Để kích cầu hiệu quả, bên cạnh việc thực hiện các nội dung đã đề ra, Hòa Bình cần nghiên cứu thời gian giảm giá kích cầu có tính chất ‘gối đầu’ từ cuối 2021 sang 2022 để tạo ra sự linh hoạt trong hoạt động lữ hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Thủy nói.
“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ - Hòa Bình hội đủ 3 lợi thế về thị trường, tài nguyên lớn, giao thông thuận tiện với trục quốc lộ 6 kết nối Sơn La, Điện Biên, du lịch văn hóa, thiên nhiên, nông nghiệp … thích hợp với tất cả các mùa trong năm. Đặc biệt, hồ Hòa Bình là điểm du lịch hết sức lý tưởng, nhiều nhà đầu tư đã khai thác tiềm năng này bằng những dự án đầu tư lớn, chất lượng, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc đón và phục vụ khách đến, chưa tính đến khả năng kết nối du lịch đường thủy với lòng hồ Sơn La. Du lịch Hòa Bình chi phí vừa phải, di chuyển thuận tiện, sản phẩm đa dạng, có núi có rừng, có hồ, có sông... nên rất phù hợp với khả năng của nhiều người.
Hòa Bình cần kết nối chặt chẽ để đảm bảo công tác phòng chống dịch an toàn cho điểm đến, cho địa phương, làm tốt quảng bá để làm tốt nội địa, đón khách quốc tế khi đủ điều kiện. Hòa Bình cũng là 1 trong 8 tỉnh Tây bắc có hợp tác với TP.HCM nên cẩn đẩy mạnh quảng bá thông qua đó mở rộng ra cả miền Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên… cố gắng làm tốt để bứt phá sau đại dịch, góp phần tích cực vào việc phục hồi kinh tế văn hóa xã hội…”, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.
Viễn Nguyệt