Theo đó, ngành Du lịch Phú Thọ đã ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển sinh thái du lịch thông minh; các ứng dụng di động tiện lợi hỗ trợ du khách; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng; nâng cao hiệu quả các hoạt động marketing số; ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch... thông qua phương pháp thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm để chuyển các dữ liệu này thành các hiểu biết sâu sắc, từ đó chuyển thành các hành động cụ thể và các giải pháp công nghệ.
Hiện nay, ngành Du lịch Phú Thọ đang sử dụng các giải pháp công nghệ ứng dụng mobile trên điện thoại di động thông minh cho phép khách hàng có thể khai thác thông tin về Du lịch Phú Thọ, thực hiện các thao tác giao dịch và tích hợp nhiều tiện ích khác. Với thiết bị điện thoại di động khách có thể đặt dịch vụ, tìm kiếm thông tin địa điểm tham quan ở Phú Thọ, chọn hướng dẫn viên, chức năng định vị, chỉ đường, tạo thuận tiện cho du khách tham quan du lịch Phú Thọ.
Đồng thời, Du lịch Phú Thọ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch đồng bộ, chính xác, đầy đủ để tích hợp trên các trang dữ liệu mạng công nghệ như: website, youtube, zalo... nhằm giới thiệu Du lịch Phú Thọ đến các thị trường khách du lịch mục tiêu, mang lại hiệu quả cao. Với các ứng dụng công nghệ thông tin du lịch và các nền tảng công nghệ hiện có, Du lịch Phú Thọ sẽ tăng cường triển khai tích hợp giải pháp thanh toán điện tử, đặt giữ chỗ dịch vụ du lịch; tra cứu thông tin du lịch bằng quét mã QR tại các khu, điểm du lịch; ứng dụng công nghệ thực tế ảo trải nghiệm du lịch để tăng cường tương tác, hấp dẫn khách du lịch.
Đặc biệt, tương tác Chatbots đang ngày càng được sử dụng phổ biến trên trang web của các doanh nghiệp du lịch tại Phú Thọ để có thể trả lời đa dạng yêu cầu của khách. Hiện nay, trang website www.dulichphutho.com.vn của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ đã bổ sung tính năng này giúp du khách có thể tìm hiểu thông tin trực tiếp và nhanh nhất.
Thành phố Việt Trì - điểm đến cội nguồn dân tộc cũng thực hiện nâng cấp bản đồ số Web Gif thành cổng thông tin du lịch thành phố Việt Trì, tích hợp dữ liệu hình ảnh 3600, clip minh họa và có thuyết minh tiếng Anh và tiếng Việt; đồng thời, tổ chức mô hình Sổ tay du lịch điện tử nhằm ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch thành phố Việt Trì. Sổ tay du lịch điện tử được thiết lập trên nền tảng công nghệ - tạo mã QR cho các di tích, điểm đến để du khách dễ dàng truy cập, liên kết đến các website cung ứng dịch vụ dành cho khách du lịch.
Trong thời gian tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, ngành Du lịch Phú Thọ đã triển khai các ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” do Tổng cục Du lịch thực hiện trên toàn quốc tại các khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn giúp du khách đánh giá mức độ an toàn. Tính năng nổi bật của ứng dụng là khách du lịch có thể truy cập bản đồ số để tra cứu mức độ an toàn của điểm đến. Từ đó xây dựng hành trình du lịch an toàn, thân thiện. Hiện nay, ứng dụng đã chính thức tích hợp tính năng “Tờ khai y tế” theo quy định của Bộ Y tế.
Tính năng này tạo thuận lợi cho người sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” có thể thực hiện việc khai báo y tế theo quy định mà không phải chuyển sang nền tảng khác, góp phần bảo đảm an toàn cho du khách và các cơ quan chức năng kiểm soát, chống dịch hiệu quả.
Các doanh nghiệp du lịch tỉnh Phú Thọ sau khi đăng ký thành công trên hệ thống http://safe.tourism.com.vn sẽ được cấp mã QR để dán vào những nơi dễ quan sát như quầy lễ tân, cửa ra vào. Du khách sử dụng điện thoại có cài đặt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” chỉ cần quét mã QR để kiểm tra xem cơ sở đó đã đăng ký tiêu chuẩn an toàn với cơ quan quản lý nhà nước hay chưa, và trong triển khai có thực hiện đầy đủ các tiêu chí hay không. Tính năng này đang được các doanh nghiệp du lịch tại tỉnh Phú Thọ và du khách đánh giá cao về hiệu quả sử dụng.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp du lịch ở Phú Thọ phải cắt giảm nhân sự thì chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục vận hành bằng số lượng nhân lực ít ỏi, chi phí con người giảm xuống nhưng hiệu quả lại tăng lên. Như vậy, khi thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tối đa hơn, giảm chi phí, đồng thời tăng hiệu quả kinh doanh.
Chuyển đổi số trong ngành Du lịch Phú Thọ cũng gặp phải những thách thức liên quan đến hạ tầng công nghệ, trình độ nhân lực, sản phẩm còn độc lập, phân tán, quy mô chưa đủ lớn dẫn đến sức ảnh hưởng chưa cao. Do vậy, quá trình chuyển đổi số du lịch tại tỉnh Phú Thọ đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, toàn ngành Du lịch cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương.
Chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá... Điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cả tư duy lẫn hành động từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp. Các địa phương trong tỉnh, các khu điểm du lịch cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể chi tiết tới các đơn vị, doanh nghiệp để tạo hiệu quả tốt hơn.
Chuyển đổi số du lịch vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp đột phá để tạo thuận lợi thu hút khách du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh. Du lịch Phú Thọ cùng với du lịch cả nước sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số giúp sớm phục hồi, vượt qua khó khăn, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhằm đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế du lịch.
ThS. Lê Thị Xuân Giang