Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh: Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi nuôi dưỡng những giá trị truyền thống có sức sống qua năm tháng. Hiện nay, Trung tâm đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, tìm cách đưa các giá trị truyền thống đến gần hơn với khách tham quan, khai thác những giá trị phi vật thể, trìu tượng thành cụ thể để du khách có thể hiểu hơn về di tích, hiểu các câu chuyện về đạo học, chuyện thi cử..., qua đó du khách biết cách ứng xử đúng với di tích cũng như không gian văn hóa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không thể đón khách, nhưng Trung tâm đã dành thời gian này để tập trung nghiên cứu về các giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ứng dụng công nghệ mới trong việc phát huy giá trị của di tích, xây dựng sản phẩm mới để phục vụ khách sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Trong thời gian tới, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử sẽ số hóa toàn bộ di tích; đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động để di tích trở thành điểm đến thường xuyên của cộng đồng” – ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm.
Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia, những người yêu thích lịch sử văn hóa của dân tộc đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá về tiềm năng, giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ đó đề xuất những giải pháp để duy trì, phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, tìm hướng đi phù hợp để Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một trung tâm văn hóa thực thụ.
Ông Trương Quốc Toàn - cố vấn hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhận định, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có nhu cầu tham quan, du lịch. Hiện nay đang có xu hướng cá nhân hóa tham quan di tích, theo nhóm nhỏ, theo trình độ học vấn, theo gia đình; và xu hướng số hóa việc tham quan điểm đến. Do vậy, nhu cầu đi du lịch, tham quan, khám phá theo hướng chuyên biệt phụ thuộc vào xu thế tìm hiểu khám phá của khách. Thời gian tới, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần tiếp tục đổi mới, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, giao lưu, trưng bày, biểu diễn nghệ thuật, cần có nhiều hoạt động khám phá dành cho khách trước, trong và sau khi đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Theo bà Hoàng Đoan Trang - đồng chủ nhiệm Dự án Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám, đồng sáng lập Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat cho biết: Đầu tháng 9/2021, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat và các đơn vị liên quan ra mắt dự án Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám. Dự án hướng đến mục tiêu đưa di tích trở thành không gian mở, góp phần bảo tồn, khai thác, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích quốc gia đặc biệt, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi hun đúc giá trị đạo học của nước ta qua nhiều thế kỷ. Nơi đây cũng là một trong những quần thể di tích hiếm hoi được bảo tồn một cách đồng bộ không gian di tích mà điểm nhấn là hệ thống bia Tiến sĩ, Văn Miếu Môn, Khuê Văn Các…
|
Tuấn Sơn