Chuyến Famtrip về vùng đất xứ Đông do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hải Dương phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức những ngày cuối tháng 5 – mùa cao điểm của du lịch, nhưng đã thu hút sự tham gia của đông đảo các đơn vị lữ hành nội địa và quốc tế, cho thấy mối quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp lữ hành về sản phẩm du lịch mới của Hải Dương – nơi vốn được “xem” là điểm “ghé qua chốc lát” trong hành trình du lịch các doanh nghiệp lữ hành tổ chức.
Với tất cả các thành viên trong đoàn, Hải Dương không phải là điểm đến quá xa lạ, nhưng chuyến đi này ai nấy đều háo hức, không chỉ với người đến từ mảnh đất phương Nam xa xôi mà ngay cả những người “sinh ra và lớn lên tại Hải Dương” đến những doanh nghiệp du lịch học đường chuyên đưa khách về thành Đông… cũng rất hứng khởi, bởi những bất ngờ thú vị mà BTC “hé lộ” đang đón chờ phía trước…
Giám đốc điều hành công ty du lịch AZ Hoàng Đạt chia sẻ, anh từng tham gia rất nhiều Famtrip nhưng đây là lần đầu tiên “phải” dậy từ …4 h sáng, để “chuẩn” giờ khởi hành. Hoặc như chị Thủy Hưng, Giám đốc công ty lữ hành HanoiSaigon Land, xuất phát từ nhà (Đường Lâm, Sơn Tây) từ lúc … 3 giờ sáng để có mặt đúng giờ xuất phát.
Có mặt từ rất sớm, ông Trần Trọng Lưu, Phó giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Đường sắt Hà Nội (Haratour) giãi bày, đã nhiều lần “lỡ hẹn” mùa vải chín với Hải Dương và hôm nay “quyết” không để “nhỡ” thêm lần nữa, nên phải thu xếp để đi mặc dù công việc mùa cao điểm khá bận rộn…
Chuyến Famtrip lần này là sự kết hợp “nhiều trong một”, tham dự khai hội mở vườn vải thiều Thanh Hà và trải nghiệm thu hoạch vải, dự Hội thi “Vải thiều Thanh Hà -Tinh hoa Văn hóa Xứ Đông”; Hội nghị Xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh năm 2022 và điểm nhấn của chuyến đi là khảo sát các sản phẩm mới tại Khu du lịch Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Công tác tổ chức “chuẩn chỉ” đến từng chi tiết nhỏ cho thấy tính chuyên nghiệp của Vụ Lữ hành (TCDL). Không chỉ thể hiện rất tốt vai trò “điều phối”, mà còn đóng góp tích cực vào các hoạt động hoạt náo trên xe, khiến cho quãng đường như ngắn lại.
Đúng 7h15 phút, xe đã đến thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà, vừa kịp giờ cắt băng khai hội mở vườn…
Tự tay hái những trái vải vừa chín tới tại vườn vải được trồng, chăm bón theo quy trình Vietgap quả là một trải nghiệm đáng nhớ…
Tạm chia tay Thanh Hà, đoàn đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh), cách trung tâm Hải Dương hơn 30 km - khu di tích lịch sử văn hóa - danh thắng nổi tiếng của tỉnh Hải Dương.
Sự đón tiếp nhiệt tình, nồng hậu của Sở VHTTDL Hải Dương, Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã tạo nên không khí sôi nổi trong hành trình và điều quan trọng hơn là những thông tin cụ thể, chi tiết được “chủ nhà” chia sẻ khiến cho cái nhìn về Hải Dương trở nên khác biệt hơn. Đối với doanh nghiệp du lịch, đây là yếu tố hết sức quan trọng để xây dựng sản phẩm cung cấp tới du khách.
Theo Phó giám đốc Sở VHTTDL Hải Dương Vũ Đình Tiến, Hải Dương đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050”, không chỉ có ý nghĩa “dài hơi” trong phát triển du lịch, mà trước mắt là góp phần phục hồi nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng sau đại dịch COVID-19, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Hải Dương.
Ông Tiến chia sẻ, Hải Dương nằm ở vị trí trung tâm trong “tam giác” Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; về cảnh quan, tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có trung du và rừng núi với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, nổi bật là vùng núi phía Bắc với khuCôn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), vùng núi An Phụ và động Kính Chủ (KinhMôn). Về du lịch nhân văn, thế mạnh của Hải Dương là nền văn hóa lúa nước lâu đời gắn với những lễ hội dân gian, nghề truyền thống, nếp sống yên bình của xứ Đông.
“Hải Dương còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học và còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử có giá trị của dân tộc. Các di tích lịch sử văn hoá có kiến trúc độc đáo. Tất cả những yếu tố trên là điều kiện thuận lợi để Hải Dương phát triển loại hình du lịch văn hoá - lịch sử và sinh thái”, ông Tiến nói và cho biết, để khai thác những lợi thế phát triển du lịch, để tạo sự bứt phá, từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, Chương trình số 22-Ctr/TU ngày 19/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát huy giá trị văn hoá xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được ban hành; tháng 12/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa mục tiêu đề ra, trong đó nhấn mạnh việc tập trung nguồn lực phát triển du lịch. Từng bước thực hiện hiệu quả đề án trên với trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng dịch vụ du lịch và môi trường du lịch được bảo đảm sẽ là cú hích tạo sự bứt phá đối với phát triển du lịch, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, năng lực cạnh tranh của tỉnh.
“Ngành VHTTDL đã tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên những tài nguyên của địa phương, chẳng hạn như tour “Về với nghệ thuật rối nước vùng đồng bằng sông Hồng”, khai thác giá trị, cảnh quan thiên nhiên của đảo cò Thanh Miện; các chương trình du lịch tìm hiểu lịch sử “Con đường khoa cử Việt”, “Con đường gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt”; hoặc nghỉ dưỡng ở làng quê “Du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt”, “Du lịch nghỉ dưỡng thiền - dưỡng sinh tại Chí Linh”…, cùng với đó là các trọng điểm như: Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Hoàng - chùa Thanh Mai - chùa Ngũ Đài và rừng phong lá đỏ (Chí Linh); quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; Văn Miếu Mao Điền và Cụm di tích đền Xưa - chùa Giám và đền Bia…”, ông Tiến cho hay.
Bên cạnh không gian du lịch chính là thành phố Hải Dương và phụ cận, thành phố Chí Linh và phụ cận, còn 3 không gian du lịch phụ như: thị xã Kinh Môn; huyện Cẩm Giàng - huyện Bình Giang và không gian du lịch huyện Ninh Giang - Thanh Miện.
Ông Lê Duy Mạnh, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc bày tỏ, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhiều sản phẩm du lịch mới đang được hình thành, như du lịch cắm trại ở không gian bên ngoài khu Di tích Côn Sơn; thưởng thức không gian văn hóa trà sen đặc sản của hồ sen Kiếp Bạc; và đặc biệt là trải nghiệm du lịch trên sông Lục Đầu bằng thuyền…
Những ý kiến đóng góp chân tình, thẳng thắn của các doanh nghiệp lữ hành đối với việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan các di tích văn hóa tâm linh, du lịch khám phá cuối tuần của Hải Dương được Sở VHTTDL Hải Dương lắng nghe, ghi nhận với tinh thần cầu thị; thể hiện mong muốn, quyết tâm đột phá. Có thể, những sản phẩm này sẽ còn phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế, nhưng góp phần tạo động lực quan trọng để ngành VHTTDL biến tiềm năng thành hiện thực, tạo “cú hích” đưa du lịch bứt phá giai đoạn “hậu COVID-19.
Chùa Côn Sơn: tên Nôm là chùa Hun, tên chữ là Thiên Tư Phúc tự, Tư Phúc tự, Côn Sơn tự, được xây dựng từ thế kỷ XIV, đã qua nhiều lần trùng tu.
Tả, hữu hậu hành lang: hai dãy tả, hữu hậu hành lang dài 75,13m, rộng 3,86m, mỗi bên gồm 29 gian.
Thanh Hư động: nằm ở phía Tây Bắc núi Côn Sơn. Đây là một thung lũng, được bao bọc bởi núi Côn Sơn và núi Ngũ Nhạc, giữa là suối Côn Sơn. Thanh Hư động bao gồm nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng, gắn với một số danh nhân, hiền sĩ thời Trần và thời Lê, như nhà ở của Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán, cầu Thấu Ngọc, nền nhà Nguyễn Trãi, bàn đá, suối Côn Sơn…
Đền thờ Nguyễn Trãi: Khu đền có 15 hạng mục công trình. Đền chính rộng 200m2, mặt bằng kiến trúc dạng chữ Công.
Núi Ngũ Nhạc: là dãy núi xoải dài từ Bắc xuống Nam, với chiều dài hơn 4km, gồm có 5 đỉnh. Đỉnh cao nhất khoảng 238m, nằm về phía Đông Bắc của dãy Côn Sơn. Các ngôi đền/miếu ở đây đều được xây dựng lộ thiên, bằng các khối đá xanh...
Bàn cờ tiên: đỉnh Côn Sơn là một khu vực khá bằng phẳng. Tương truyền, từ thời Trần, Pháp Loa Tôn giả - tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm, đã lập một bàn cờ tại vị trí này, tục gọi là Bàn cờ Tiên. Hiện nay, tại khu vực này mới dựng thêm một nhà bia, theo kiểu vọng lâu, với 2 tầng, 8 mái.
Hồ Côn Sơn: có sức chứa hàng trăm ngàn mét khối nước. Bao quanh hồ là hệ thống đường dạo, cây cảnh.
Suối Côn Sơn: Bắt nguồn từ hai dãy núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc, dài khoảng 3km, uốn lượn tạo thành nhiều ghềnh, thác kế tiếp nhau, rồi đổ vào hồ Côn Sơn.
Đền Kiếp Bạc: tức đền thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, còn được biết đến với các tên gọi khác, như đền Kiếp, đền Vạn Kiếp, đền Trần Hưng Đạo. Đền được xây dựng ở trung tâm của thung lũng Kiếp Bạc, trên một khu đất có diện tích khoảng 13,5km2. Đền quay về hướng Tây Nam, nhìn ra sông Lục Đầu, gồm các hạng mục kiến trúc: trạm hạ mã, đường thần đạo, nghi môn, sân đền, tả hữu thành các, giếng mắt rồng, tắc môn, nhà giải vũ, đền chính. Đền chính được dựng theo dạng “tiền nhất, hậu đinh”, gồm tiền tế, trung từ và hậu cung.
Đền Nam Tào: thờ quan Nam Tào, cách đền Kiếp Bạc 500m về phía Tây Nam, thuộc thôn Dược Sơn. Kiến trúc này được xây dựng trên một không gian thoáng, với diện tích trên 2km2, gồm các thành phần kiến trúc: trụ biểu, tam quan, gác chuông, gác trống, tả hữu hành lang, đền chính và hậu đường.
Đền Bắc Đẩu: thờ quan Bắc Đẩu, được xây dựng trên đỉnh núi Bắc Đẩu, trong một không gian thoáng rộng, gồm các hạng mục: nghi môn, gác chuông, gác trống, tả hữu hành lang, đền chính, hậu đường và một số công trình phụ trợ khác…
Vườn Dược Sơn: tức Dược lĩnh cổ viên. Tương truyền, đây là vườn thuốc Nam, do Trần Hưng Đạo trồng trên núi Dược Sơn, nay thuộc thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo. Núi Dược Sơn nằm ở phía Nam của đền Kiếp Bạc, với diện tích trồng thuốc Nam khoảng 10 km2.
Hang Tiền: nằm dưới chân núi Bắc Đẩu, cách đền Kiếp Bạc 500m về phía Bắc. Tương truyền, đây là nơi cất dấu ngân khố của Phủ đệ Trần Hưng Đạo để phục vụ kháng chiến. Hang Tiền rộng khoảng 1ha. Tại khu vực này còn dấu tích các vòm hầm đào vào núi…
Viên Lăng: nằm trên gò đất nhỏ, hình tròn, cách đền Kiếp Bạc khoảng 300m về phía Đông Nam. Tương truyền, Trần Hưng Đạo được an táng ở đây.
Núi Trán Rồng: nằm ở phía sau đền Kiếp Bạc. Trên sườn núi có nhiều di tích, di chỉ khảo cổ thời Trần...
Sông Lục Đầu - Cồn Kiếm: là nơi đã diễn ra trận Vạn Kiếp lịch sử (năm 1285), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt của quân Nguyên - Mông lần thứ 2. Sông Lục Đầu có vị trí chiến lược rất quan trọng. Tại đây, Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông đã tổ chức Hội nghị Bình Than. Trên sông Lục Đầu, trước cửa đền Kiếp Bạc có một cồn cát chạy dài, gọi là Cồn Kiếm. Tương truyền, đây là nơi Trần Hưng Đạo thả kiếm xuống sông khi đất nước thái bình.
|
Viễn Nguyệt