Ngay sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, HHDL Hải Dương đã tập trung tổ chức cho các hội viên tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cầu nối, thúc đẩy hợp tác với HHDL các tỉnh, thành phố và HHDL Việt Nam. HHDL Hải Dương đồng thời tích cực tham gia, phối hợp tham gia, tổ chức các chương trình khảo sát các tour tuyến du lịch mới, hấp dẫn; phối hợp với Sở VHTTDL Hải Dương đón tiếp và phục vụ tốt cho Huấn luyện viên, Vận động viên tham dự SEA Game 31 tại Hải Dương đi tham quan trải nghiệm du lịch Hải Dương; kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản, cùng nhiều tỉnh thành trong cả nước trong đó có cụm 6 tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định trong quảng bá giới thiệu sản phẩm trà sen Kiếp Bạc; tổ chức chương trình xúc tiến thương mại Du lịch Hải Dương - Sài Gòn – Campuchia… Đặc biệt, trong năm 2022, HHDL Hải Dương đã tham dự cuộc đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp giúp các doanh nghiệp, hội viên ổn định, tiếp tục phát triển trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2022, thành viên Hiệp hội tiếp tục gặp khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại các trung tâm du lịch kinh doanh thua lỗ, thiệt hại, phải đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh… Hệ thống cơ sơ hạ tầng, bến bãi, khu dịch vụ tại khu di tích vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; hệ thống dịch vụ mang tính tự phát, sản phẩm du lịch chưa đặc trưng, chưa có thương hiệu, chưa thu hút được khách lưu trú…
Trước những khó khăn chung của HHDL Hải Dương, Chủ tịch HHDL Hải Dương Nguyễn Minh Xô cùng với các thành viên Ban chấp hành Hiệp hội lãnh đạo Hiệp hội, bày tỏ sự quyết tâm sẽ đẩy mạnh các hoạt động mang tính thiết thực, có chiều sâu. “Ban chấp hành Hiệp hội sẽ tiếp tục tập trung tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về phát triển du lịch và Nghị quyết Đại hội của HHDL Hải Dương lần thứ II đề ra; phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội nhằm tiếp thu các chủ trương, chính sách mới về du lịch, tạo ra các cơ hội hợp tác kinh doanh cho hội viên. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh doanh, kỹ năng nghề, nghiệp vụ du lịch cho người lao động; tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thêm các chuyến khảo sát rộng rãi hơn, cả trong nước và nước ngoài, nhằm học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm làm du lich” - ông Nguyễn Minh Xô cho biết.
Để Du lịch Hải Dương tiếp tục phát triển, theo Giám đốc kinh doanh Khách sạn Nam Cường Trần Thanh Sáng, HHDL Hải Dương cần tăng cường hơn nữa việc liên kết các thành viên trong hiệp hội để xây dựng được bộ sản phẩm du lịch thống nhất và mang tính hiệu quả cao trong tiếp thị và bán hàng. Cần sớm tham mưu với tỉnh, các cơ quan sở ngành xây dựng sản phẩm phát triển kinh tế đêm tại Hải Dương, các khu phố đi bộ, ẩm thực, làm phong phú các hoạt động trải nghiệm về đêm, thu hút du khách, kéo dài thời lưu trú của du khách. Tăng cường tương tác trên trang website và fanpage của Hiệp hội; kết nối, xây dựng sản phẩm với các tỉnh thành lân cận; xây dựng các tour khách lẻ ghép đoàn mang thương hiệu của hiệp hội để ghép khách từ các đơn vị thành viên; tổ chức ngày hội ẩm thực Hải Dương để quảng bá các sản vật nổi tiếng, góp phần xây dựng ngân hàng ẩm thực của Hải Dương.
Bà Phạm Thị Huệ - Ban quản lý Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc cho rằng, để đạt mục tiêu phấn đấu đưa Côn Sơn-Kiếp Bạc trở thành khu du lịch quốc gia vào năm 2025, cần định hướng phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trên cơ sở cân bằng việc bảo tồn di sản văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên của khu vực theo xu thế bền vững. Đẩy nhanh việc thực hiện, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể khu di tích, Đề án phát triển du lịch Côn Sơn-Kiếp Bạc, Đề án phát triển du lịch TP. Chí Linh giai đoạn 2020 -2025. Đầu tư nghiên cứu các sản phẩm đặc thù như trà lá thông Côn Sơn, thuốc nam Dược Sơn, mật ong Côn Sơn, rượu Côn Sơn, tinh dầu từ cây Thanh Hao, trà Phượng Hoàng... và sản phẩm ẩm thực. Định hướng các tuyến điểm tham quan chuyên đề, liên kết du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc với hệ thống di tích, du lịch Thanh Mai, (Hải Dương), Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang); cần quan tâm, phát triển sản phẩm đặc sản du lịch, trong đó có nông sản sạch tại khu du lịch…
Phó Chủ tịch HHDL Việt Nam Nguyễn Mạnh Thản cho rằng, Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuận lợi về giao thông thủy bộ và kết nối với cảng hàng không Hải Phòng, Hà Nội; tiềm năng phát triển du lịch Hải Dương phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, Hải Dương vẫn chưa trở thành điểm đến hấp dẫn với khách trong nước và quốc tế. “Để đóng góp vào sự phát triển du lịch của tỉnh, HHDL Hải Dương cần năng động, sáng tạo hơn nữa, chủ động trong tổ chức hoạt động, khắc phục tâm lý thụ động, “ngồi trông chờ” ủng hộ. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của HHDL trong liên kết, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến trong cả nước, mở rộng liên kết cả trong nước và nước ngoài” - ông Nguyễn Mạnh Thản nhấn mạnh.
Phạm Chức