Hội thảo tham vấn quy trình chứng nhận tiêu chuẩn và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN
Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, chính quyền địa phương, đơn vị quản lý các điểm đến, các tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch sẽ cùng nghiên cứu, học hỏi, tích cực trao đổi kinh nghiệm và phổ biến, ứng dụng hiệu quả các tiêu chuẩn du lịch ASEAN tại đơn vị mình.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cho biết, những năm qua, ở các cơ sở dịch vụ, điểm đến du lịch của Việt Nam đã đạt được nhiều giải thưởng, đây là cơ sở để công nhận các sản phẩm, dịch vụ cũng như tăng cường quảng bá điểm đến của Việt Nam trong quá trình hội nhập ASEAN cũng như tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu. Để không ngừng hoàn thiện nội dung tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ của các cơ sở, điểm đến du lịch, đồng thời tiếp cận những quy trình đánh giá tiêu chuẩn để tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN, thông qua buổi hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu mong muốn, các cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp, đơn vị du lịch sẽ cùng trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến vào quy trình xây dựng tiêu chuẩn, đánh giá tiêu chuẩn để phát huy hiệu quả thương hiệu du lịch Việt Nam, quảng bá các điểm đến, sản phẩm đạt giải thưởng du lịch ASEAN. Kết thúc hội thảo, các địa phương, doanh nghiệp sẽ có những ý tưởng, sáng tạo để cải thiện và làm tốt hơn công tác xây dựng Tiêu chuẩn du lịch ASEAN cũng như quy trình xét duyệt Giải thưởng du lịch ASEAN.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khách sạn Vũ Văn Thanh chia sẻ, việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, tạo cơ hội hưởng lợi cho các bên tham gia nhằm phát triển du lịch bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với du lịch. Yêu cầu tiêu dùng sản phẩm dịch vụ có chất lượng tốt đến từ chính khách du lịch, khiến các đơn vị quản lý điểm đến, các chủ đầu tư, kinh doanh du lịch phải thay đổi tư duy, cách thức vận hành quản lý và sản phẩm của mình cho phù hợp, nếu không sẽ bị tẩy chay.
Nhận thức được vấn đề đó, 10 nước thành viên ASEAN gồm Nhà nước Brunei Darussalam, Vương quốc Campuchia, nước cộng hòa Indonesia, nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Malayssia, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Cộng hòa Philippin, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan, CHXHCN Việt Nam đã thống nhất xây dựng các Tiêu chuẩn chất lượng ASEAN, đưa ra các yêu cầu cơ bản và khung quy định đối với điểm đến, đối với sản phẩm dịch vụ du lịch và hướng dẫn nâng cao chất lượng ngành du lịch ASEAN, nhằm xây dựng ASEAN thành một điểm đến du lịch có chất lượng cao với tên gọi “điểm đến chung có chất lượng” (“A Quality Single Destination”). Trong các tiêu chuẩn ASEAN, có 08 bộ Tiêu chuẩn đã được sử dụng làm căn cứ trao giải thưởng du lịch ASEAN.
Tại Diễn đàn du lịch Đông Nam Á (ATF) hàng năm, các đơn vị đạt giải sẽ được lãnh đạo Bộ quản lý du lịch của nước sở tại trao biển đồng và Chứng nhận ASEAN, các biển đồng và chứng nhận này sẽ thông báo cho khách về trách nhiệm đối với môi trường, cộng đồng và xã hội của điểm đến, của các cơ sở, giúp khách hàng nhận diện sản phẩm sẽ được phục vụ, thể hiện sự hội nhập do tiếp cận được với các tiêu chí và cách đánh giá trong khu vực và trên thế giới.
Từ năm 2010 đến 2022, Tổng cục Du lịch đã phổ biến rộng rãi các tiêu chuẩn ASEAN trên các trang thông tin của Tổng cục Du lịch. Căn cứ đề xuất của các địa phương và hồ sơ gửi đến của các đơn vị, đã tổ chức hội đồng xét chọn và trình Bộ trưởng, Ban thư ký ASEAN để công nhận, tổ chức trao giải thưởng cho các ứng viên.
Giải thưởng Du lịch ASEAN hàng năm là giải thưởng danh giá đối với hoạt động du lịch của Khối ASEAN, được đánh giá cao trong lĩnh vực du lịch, là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch quảng bá thương hiệu về địa phương, thương hiệu của doanh nghiệp; đồng thời là cơ hội khẳng định chất lượng chuyên nghiệp, thân thiện môi trường và mang đến lợi ích cho cộng đồng.
Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, sau khi nhận được văn bản của Tổng cục Du lịch thông báo về Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai đến các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn nghiên cứu các tiêu chí, lập và gửi hồ sơ đăng ký. Tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023, Sở Du lịch đã xem xét và đề xuất 02 đơn vị tham gia “Giải thưởng Dịch vụ Spa ASEAN lần thứ 2”, đây là những đơn vị có sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững các điểm đến du lịch của khu vực ASEAN.
Qua việc hướng dẫn và thực hiện quy trình lựa chọn các ứng viên tham gia giải thưởng du lịch ASEAN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Du lịch nhận thấy công tác bình chọn đề nghị ứng cử viên phải chính xác, đảm bảo khách quan, công bằng, kịp thời trong việc lựa chọn các đơn vị có thành tích tiêu biểu; phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, nêu gương các mô hình mới, cách làm hay trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời nhân rộng, tạo sức lan tỏa. Đây là dịp để các doanh nghiệp du lịch cũng như các cơ quan quản lý du lịch địa phương tiếp thị hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá thương hiệu du lịch của địa phương và của quốc gia.
Là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của các đơn vị đến với cộng đồng chung ASEAN theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều địa phương, doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng đăng ký tham gia góp phần nâng cao giá trị sản phẩm du lịch, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai, theo bà Đoàn Thị Thu Hiền, Phó phòng Quản lý cơ sở lưu trú, Sở Du lịch Hà Nội, khi lập hồ sơ, một số tiêu chuẩn của Giải thưởng du lịch ASEAN còn cao so với thực tế của đơn vị, ngoài ra một số tiêu chuẩn còn chưa có tính thực tế chính vì vậy nhiều đơn vị cũng chưa đáp ứng được.
Tại Thừa Thiên Huế, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hoàng Nhật Phước cho rằng tỉnh đã gặp không ít khó khăn khi mà nhận thức về phát triển du lịch bền vững của một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chưa được chú trọng ngay từ các hoạt động đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch nên quá trình áp dụng các tiêu chí chấm điểm còn bị thiếu và không đạt điểm tối thiểu. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách đồng bộ để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cũng như các quy định, hướng dẫn cụ thể về quy hoạch chưa được ban hành, việc phải chi cho đầu tư ban đầu khá lớn để phát triển những giải pháp xanh, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng cũng là khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp, địa phương còn băn khoăn, ngần ngại...
Chia sẻ về kinh nghiệm khi đăng ký các hạng mục của Giải thưởng sao cho phù hợp nhất với đơn vị, ông Cù Vân Long - đại diện Khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải, tỉnh Thái Nguyên nhận định, với đặc thù hoạt động của đơn vị, văn hoá doanh nghiệp, cũng như sự riêng biệt trong văn hoá bản địa cần được xác định rõ để làm tiêu chí lựa chọn hạng mục đăng ký. Các yếu tố cần được trình bày, nêu rõ trong hồ sơ, có sự kết nối với chủ đề của hạng mục; trong việc trình bày thông tin, diễn giải trong hồ sơ thì các đơn vị nên “Viết nhiều hơn hồ sơ yêu cầu” như cần thêm ảnh, thêm diễn giải sinh động để người chấm hiểu rõ về đặc thù của đơn vị. Trong thời gian chuẩn bị hồ sơ cũng là thời gian để các đơn vị kiện toàn lại hệ thống, quy cách quản trị quản lý doanh nghiệp, quy chuẩn chất lượng của từng bộ phận, hạng mục dựa theo các tiêu chuẩn được nêu trong hồ sơ, “cái gì chưa có, chưa đạt, còn thiếu ta bổ sung”. “Đặc biệt mọi thứ cần phải làm thật, con người thật, thông tin, hình ảnh thật vì giải thưởng hay chứng nhận quốc tế chính là uy tín của cả quốc gia, cộng đồng, đòi hỏi chúng ta cần có cái nhìn trung thực, và phải giữ được nét riêng về hồn cốt văn hóa”, ông Long nhấn mạnh.
Hội thảo diễn ra trong 1 ngày gồm 2 phiên với sự tham gia của nhiều địa phương, doanh nghiệp trên cả nước. Qua hội thảo các đại biểu đã tích cực đưa ra những ý kiến cụ thể và trao đổi kinh nghiệm về hướng dẫn quy trình lựa chọn ứng viên; kinh nghiệm thực hiện đăng ký các hạng mục của Giải thưởng du lịch ASEAN phù hợp với đơn vị…
Thảo Anh