Phát triển du lịch không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế cho người dân, mà con góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa, phát huy giá trị của di tích lịch sử. Trong quy hoạch du lịch của huyện Định Hóa, giai đoạn 2020 – 2025, Đảng bộ huyện đã xây dựng một đề án riêng về phát triển du lịch, đồng thời đang thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư vào các điểm di tích lịch sử, các địa điểm có tiềm năng về du lịch như: Khuôn Tát, Hồ Bảo Linh, Chùa Hang thị trấn Chợ Chu… để tập trung khai thác, phát triển dịch vụ du lịch.
Theo Chủ tịch UBND huyện Định Hóa Nguyễn Minh Tú, Định Hóa là huyện miền núi của Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Hiện trên địa bàn huyện có 182 điểm di tích, trong đó có 28 di tích cấp Quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh; 13 di tích nằm trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng. Bên cạnh đó, Định Hóa còn có 5 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Nghi lễ Then của dân tộc Tày; múa rối cạn dân tộc Tày ở xã Đồng Thịnh, Bình Yên; lễ hội Lồng tồng; Lượn Cọi của người Tày; Pả Dung của người Dao.
Đại hội Đảng bộ huyện Định Hóa lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã thống nhất đưa Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc là một trong những đột phá trong nhiệm kỳ này. Để cụ thể hóa mục tiêu đột phá này, Định Hóa đã xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa”. Theo đó, đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa sẽ hình thành 3 sản phẩm du lịch gồm: Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa dân tộc thiểu số tại xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc với các hoạt động: Tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn, trải nghiệm hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, tham quan trải nghiệm hoạt động gắn với văn hóa trà, làm đàn tính, đan nón Tày; du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, danh thắng, di sản văn hóa, sinh thái, văn hóa trà thực hiện tại các xóm Phú Ninh, Khuôn Tát, xã Phú Đình với các hoạt động như: Tham quan các di tích lịch sử, tham quan di tích danh thắng thác và hồ Khuôn Tát, tham gia các hoạt động văn hóa tại làng du lịch Khuôn Tát; Du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng tại các địa điểm: Nhà tù Chợ Chu - chùa Hang - hồ Bảo Linh, xã Bảo Linh và Thâm Bây xã Quy Kỳ, với các hoạt động tham quan các di tích lịch sử, trải nghiệm, nghỉ dưỡng...
Thông tin với báo chí, ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình cho hay, “thời gian qua, địa phương cũng đã chú trọng quan tâm tới việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa các dân tộc như: dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao… đây là điểm nhấn để có thể thu hút khác du lịch đến với địa phương, đồng thời cũng là để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Vừa qua, được sự hỗ trợ của Sở VHTTDL và Phòng văn hóa, xã Phú Đình cũng đã tổ chức xây dựng mô hình, mẫu hình làng, bản cơ sở về văn hóa văn nghệ với 30 thành viên là nòng cốt của câu lạc bộ hát then đàn tính, câu lạc bộ nhảy tắc xình. Mô hình phát triển góp giúp địa phương thực hiện tốt hơn đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa.
Đến cuối năm 2022, Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa” đã được triển khai với nhiều dấu ấn đặc biệt. Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế du lịch tại địa phương, Sở VHTTDL Thái Nguyên và UBND huyện Định Hóa đã tổ chức Hội nghị - Tọa đàm “Bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đồng bào dân tộc huyện Định Hóa” (ngày 17/12/2022). Tại Hội nghị - Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá thực tế và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển du lịch huyện Định Hóa. Trong đó đáng chú ý là đề xuất: định vị lại thương hiệu du lịch của Định Hóa trong bối cảnh sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; Thay đổi chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch; Tăng cường cải tạo cảnh quan tự nhiên nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố xanh; Cần mở rộng và tăng cường kết nối trong du lịch. Đặc biệt, các đại biểu cũng nhấn mạnh, tại Định Hóa nói riêng và Thái Nguyên nói chung cần thay đổi tư duy làm du lịch, tăng trải nghiệm, tăng lưu trú để tăng chi tiêu của du khách. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ về du lịch cho cán bộ và người dân địa phương... cũng là một trong những luồng ý kiến được các đại biểu nêu lên tại Hội nghị - Tọa đàm.
Đại diện lãnh đạo Định Hóa cũng đã ghi nhận những ý kiến đóng góp tại Hội nghị - Tọa đàm, đồng thời cho biết sẽ xem xét và có hướng phát triển phù hợp nhất với tình hình thực tế tại địa phương. Và, “Kế hoạch phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới là tập trung khai thác giá trị văn hóa bản địa, giá trị di tích lịch sử và cảnh quan thông qua việc xây dựng đa dạng các dòng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng theo nhu cầu thực tế của khách du lịch. Để triển khai định hướng này, Định Hóa sẽ dành nguồn kinh phí để thực hiện đề án đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng các sản phẩm đặc trưng, hỗ trợ các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ... nhằm hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt phục vụ du khách” - Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho hay.
Trong 2 ngày, 16-17/12/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chuỗi hoạt động quảng bá, xúc tiến, truyền thông du lịch kết hợp nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch vùng dân tộc thiểu số miền núi và Hội nghị - Tọa đàm “Bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đồng bào dân tộc huyện Định Hóa”.
Chương trình với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa du lịch; lãnh đạo của gần 50 công ty, doanh nghiệp lữ hành du lịch miền Bắc - Trung - Nam và gần 10 cơ quan báo chí, truyền thông trung ương và địa phương.
Trong chương trình đoàn đã đi khảo sát kết hợp nghiên cứu và quảng bá truyền thông du lịch tại một số điểm đến trên địa bàn tỉnh như: Khu sinh thái Nhà Tôi Thái Nguyên, đền Đuổm, Làng văn hóa du lịch Bản Quyên, một số di tích thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, ... Qua đó, các đại biểu đã có những cảm nhận và đánh giá bước đầu về một số sản phẩm của du lịch Thái Nguyên, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Định Hóa.
Chương trình famtrip-presstrip gắn với Hội nghị - Tọa đàm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Định Hóa được tổ chức nhằm quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là hệ thống các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Đồng thời đưa ra các giải pháp gắn với việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng; từng bước đưa di tích, di sản văn hóa tiêu biểu trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch vùng Định Hóa theo hướng bền vững.
|
ĐH