KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Năm 2007, Hà Nội đón 6.670.000 lượt khách du lịch, trong đó 1.270.000 lượt khách quốc tế (tăng 14%) và 5.400.000 lượt khách nội địa. Mức chi tiêu trong chuyến đi của khách quốc tế cũng tăng khoảng 5-10%. Kim ngạch xuất khẩu tại chỗ của ngành Du lịch Hà Nội năm 2007 tăng khoảng 20%. Theo chiều hướng này, lượng khách có nhu cầu vào Hà Nội tăng cao vào những năm tới. Vấn đề của ngành Du lịch Hà Nội cần làm là tổ chức tốt cơ sở hạ tầng và khả năng đón khách.
Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực du lịch năm 2007 đã trở nên sôi động sau nhiều năm phát triển chậm. Hiện nay, có hơn 30 dự án đầu tư trong lĩnh vực khách sạn từ 3-5 sao đang được triển khai. Một số dự án xây dựng khách sạn có quy mô nhỏ từ 12-25 phòng do các chủ đầu tư trong nước xây dựng tại khu vực trung tâm Thành phố với khoảng 300 phòng và khách sạn Inter Continental với khoảng 350 phòng (có chất lượng tương đương 5 sao) đã đi vào hoạt động trong năm 2007. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của ngành Du lịch bằng nguồn vốn ngân sách như Dự án xây dựng đường từ quốc lộ 35 vào ranh giới dự án khu du lịch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn ; Dự án cải tạo đường từ chợ Sa (Cổ Loa) đi chợ Tó (Đông Anh) ; Dự án xây dựng cảng du lịch Bát Tràng (Gia Lâm)... đang được đẩy nhanh tiến độ để phấn đấu hoàn thành vào năm 2010. Các dự án đầu tư vào khu vui chơi giải trí cũng được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Một số dự án khu vui chơi giải trí đã được Thành phố cấp phép hoặc đồng ý cho nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư như: khu vui chơi giải trí công viên Tuổi trẻ, công viên Mễ Trì, công viên Thống Nhất, khu vui chơi giải trí Long Biên...
Lãnh đạo Thành phố đã ký quyết định cho phép các chủ đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư với quy mô lớn (5 dự án tổng số vốn khoảng 1242 triệu USD, với 2200 phòng khách sạn 5 sao). Các chủ đầu tư đã cam kết đưa các dự án khách sạn nói trên vào khai thác trong năm 2010 để kịp tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đến nay có 3 dự án đã khởi công xây dựng, đó là dự án do các Công ty Charmvit, Keangnam (Hàn Quốc), Công ty Trần Hồng Quân (Việt Nam) làm chủ đầu tư. Ngày 13/11/2007, UBND Thành phố có Thông báo số 379/TB-UBND chấp thuận một số chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch đối với 2 dự án tổ hợp khách sạn 5 sao – văn phòng – căn hộ cao cấp tại 281 Đội Cấn và dự án khách sạn 5 sao – văn phòng cao cấp tại số 10 Trấn Vũ của Công ty Du lịch Xúc tiến đầu tư (Tổng cục Du lịch). Ngày 27/11/2007 UBND Thành phố có văn bản chấp thuận phương án đầu tư khách sạn 5 sao Marriot tại khuôn viên Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình của Công ty Bitexco. Năm 2007, TP. Hà Nội tiếp tục kêu gọi đầu tư vào 76 dự án, trong đó có trên 10 dự án xây dựng khách sạn, sân golf và khu vui chơi giải trí cao cấp, đến nay số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký tham gia đầu tư các dự án này đã lên đến hơn 40.
Ngành Du lịch Hà Nội đã tăng cường việc tuyên truyền và nâng cao kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các thỏa thuận song phương, đa phương liên quan đến lĩnh vực du lịch cho các doanh nghiệp, cán bộ quản lý và người lao động trong ngành Du lịch.
Đến nay, các doanh nghiệp đã nắm rõ những cam kết của ngành Du lịch trong WTO để từ đó xây dựng kế hoạch của đơn vị trước bối cảnh hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Năm 2007, một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động, lập chi nhánh tại các quốc gia có thể khai thác thị trường trực tiếp như Thái Lan, Trung quốc, Nga... Nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã triển khai bán hàng qua mạng để khai thác khách trực tiếp. Vì vậy, hoạt động đón khách quốc tế vào Việt Nam đã có sự chủ động và hiệu quả hơn.
ĐỂ DU LỊCH HÀ NỘI PHÁT TRIỂN TRONG HỘI NHẬP
Nguồn nhân lực du lịch vẫn là một trong những hạn chế cần quan tâm nhất của ngành Du lịch Việt Nam khi gia nhập WTO, vì thiếu nhân sự có khả năng làm việc độc lập, có ngoại ngữ tốt và có chuyên môn. Theo điều tra của Dự án Phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam, lực lượng nhân viên đáp ứng yêu cầu trong tất cả các lĩnh vực đều dưới 50% cả về chuyên môn và ngoại ngữ, đặc biệt những sinh viên mới ra trường hầu như các doanh nghiệp đều phải đào tạo lại, vì các trường đào tạo du lịch đều thiên về lý thuyết, thiếu kiến thức thực tế, chưa đào tạo được lực lượng nhân sự cao cấp.
Từ nay đến năm 2010 ngành Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ: hoàn thành rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2030 để có cơ sở định hướng phát triển du lịch trong những năm tiếp theo; cùng với Ủy ban Du lịch vùng Ile-de-France nghiên cứu, xây dựng Đề án bảo tồn, khai thác và quản lý khách du lịch tại các khu di sản của Hà Nội, thí điểm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám; xây dựng Chương trình thực hiện Kế hoạch 84/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội triển khai Đề án 19/TU của Thành ủy về «Phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2007 – 2015 ».
Có thể nói, trong khuôn khổ WTO, thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức luôn song hành, đan xen. Sau một năm triển khai, thời gian chưa nhiều, kết quả đạt được là hệ quả của một quá trình chuẩn bị từ nhiều năm trước. Muốn phát triển trong sự cạnh tranh của tiến trình hội nhập, Du lịch Hà Nội cần nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cả cạnh tranh, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, linh hoạt, thích ứng với xu thế mở cửa, chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng liên doanh liên kết với đối tác nước ngoài, tránh rơi vào thế bị động có thể dẫn tới hậu quả khó lường.
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
Bên cạnh việc cùng với các cấp, các ngành triển khai thực hiện những biện pháp, kế hoạch của UBND Thành phố, ngành Du lịch Hà Nội cần phải:
1- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2010. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Hà Nội tới năm 2020, tầm nhìn 2030, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội và quy hoạch phát triển tổng thể du lịch cả nước; tích cực học tập, tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước trong khu vực và thế giới về phát triển du lịch.
2- Triển khai sâu rộng tới 14 quận, huyện và các Sở, Ngành có liên quan Kế hoạch 84/KH - UBND ngày 14/11/2007của UBND TP. Hà Nội về việc triển khai thực hiện Đề án 19-ĐA/TU của Thành ủy về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2007 - 2015.
3- Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, phấn đấu tăng thêm từ 8.500 đến 10.000 phòng khách sạn từ 3 - 5 sao vào năm 2010 để đảm bảo có đủ phòng đón khoảng 2 triệu khách du lịch quốc tế; kêu gọi đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm triển lãm đạt tiêu chuẩn quốc tế vào những năm tiếp theo.
4- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, rà soát và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về du lịch, tiếp tục thực hiện Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 27/2/2007 của UBND Thành phố quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thành phố theo hướng tăng cường phân cấp cho cơ sở;
5- Về sản phẩm du lịch:
Khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn của Hà Nội, vị thế và thế mạnh là Thủ đô của cả nước, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để tạo các sản phẩm đặc thù hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái tại tất cả các quận huyện trên địa bàn
Tập trung đẩy mạnh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các khu du lịch cấp quốc gia tại Sóc Sơn, khu du lịch chuyên đề Cổ Loa, Hoàng thành, thành cổ, khu phố cổ…
Nâng cao chất luợng sản phẩm dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình và các hoạt động du lịch. Trong đó, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chương trình du lịch trong TP. Hà Nội, các chương trình du lịch liên tỉnh, liên quốc gia. Phát triển đồng bộ các loại hình du lịch, trong đó tập trung phát triển loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch MICE, du lịch sinh thái, các tuyến, điểm du lịch và các khu vui chơi giải trí… phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế
6- Tiếp tục giữ vững và phát triển thị trường du lịch trong nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các thị trường trọng điểm, mục tiêu trong khu vực và thế giới, trên cơ sở nhu cầu, thị hiếu của từng loại thị trường để xây dựng chiến lược sản phẩm phù hợp. Xây dựng kế hoạch dài hạn đối với chương trình tuyên truyền, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế với quy mô lớn, trình độ chuyên nghiệp
7- Tăng cường đầu tư để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Du lịch Hà Nội. Nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch thuộc mọi thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế
8- Đẩy mạnh sự phối hợp, hợp tác liên ngành, liên vùng, liên quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của du lịch; khai thác triệt để các nguồn hỗ trợ quốc tế cho du lịch, kêu gọi các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nước ngoài cho một số lĩnh vực Hà Nội còn yếu kém như: quy hoạch, quảng bá sản phẩm, xây dựng hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực…
Với sự quyết tâm cao của Lãnh đạo và nhân dân Thành phố, chúng ta tin tưởng rằng ngành Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục có những bước phát triển, chuyển biến rõ rệt trên bước đường hội nhập kinh tế thế giới.
CAO THỊ NGỌC LAN
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội