Dự án EU-ESRT là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ, với mục tiêu đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành Du lịch Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet hy vọng các nguồn lực đã được đầu tư thông qua Dự án EU-ESRT sẽ là nền tảng để phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững sau 10 năm liên tiếp Liên minh châu Âu tại Việt Nam hỗ trợ ngành Du lịch Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu thông qua Dự án EU-ESRT; cam kết sẽ tiếp tục duy trì và khai thác có hiệu quả những kết quả mà Dự án đã đạt được; đồng thời, hy vọng Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục dành sự quan tâm hỗ trợ Du lịch Việt Nam, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Nguyên tắc cốt lõi của du lịch có trách nhiệm là tạo môi trường sinh sống tốt cho người dân, đồng thời tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách. Theo các chuyên gia quốc tế, nguyên tắc này chỉ được áp dụng thành công nếu mọi thành phần tham gia vào du lịch (nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và du khách) có nhận thức cao và đầy đủ về du lịch có trách nhiệm.
Thị trường du lịch toàn cầu đang ngày càng hướng tới tính “có trách nhiệm” trong hoạt động du lịch, từ đó tạo ra nhu cầu cao về sản phẩm du lịch có trách nhiệm. Điều này đòi hỏi tất cả các đối tác trong ngành Du lịch nỗ lực phối hợp hành động để cung cấp thêm nhiều sản phẩm du lịch có trách nhiệm, đáp ứng được nhu cầu mà thị trường đặt ra.
Qua 6 năm triển khai, các hoạt động của Dự án EU-ESRT về thực hành du lịch có trách nhiệm đã bắt đầu có tác động đến nhận thức của các cấp, các ngành đối với yêu cầu về sự phát triển bền vững của Du lịch Việt Nam. Dự án đã thành công trong việc đưa Du lịch có trách nhiệm từ một khái niệm mới lạ trở thành một thuật ngữ quen thuộc, một phần tất yếu trong nhiều chính sách, kế hoạch và hoạt động thực tế của Du lịch Việt Nam. Nhận thức về phát triển du lịch có trách nhiệm được lan tỏa rộng rãi trong cả nước nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các điểm đến và cộng đồng.
Cơ chế đối thoại công - tư (PPD) được triển khai thông qua xây dựng Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) và Tổ chức Quản lý điểm đến (DMO) đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong phương thức quản lý du lịch tại Việt Nam. Việc xây dựng các tài liệu tiêu chuẩn nghề du lịch và tài liệu đào tạo đã mang lại nguồn tài liệu học tập quý giá với nhiều chức năng, được sử dụng như một công cụ để đào tạo tại chỗ trong các doanh nghiệp du lịch cũng như tài liệu tham khảo để xây dựng giáo trình đào tạo trong các trường du lịch.
Chuyên gia Dự án EU-ESRT Trương Nam Thắng cho rằng, nếu mỗi cấp, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân nhận thức được trách nhiệm, cam kết có trách nhiệm và thực hành có trách nhiệm trong khả năng của mình, khi đó Du lịch Việt Nam sẽ phát triển bền vững theo nguyên tắc của du lịch có trách nhiệm.
Các kết quả nổi bật của Dự án EU-ESRT
Dự án EU-ESRT có tổng trị giá 12,1 triệu Euro, được triển khai dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch từ năm 2011 và sẽ kết thúc vào tháng 11/2016. Trong 6 năm qua, Dự án EU-ESRT đã đạt được nhiều kết quả nổi bật:
- Cuộc thi nâng cao nhận thức về Du lịch có trách nhiệm với sự tham gia của 32.572 học sinh đại diện cho 1.726 trường THPT trên cả nước.
- Các tài liệu kỹ thuật của Dự án EU-ESRT đã được tải về tổng cộng 70.410 lượt.
- Hỗ trợ trang thiết bị cho 10 nhà văn hóa và phòng thực hành mẫu cho 5 trường du lịch.
- Tổng cộng 460 khóa tập huấn theo nhiều chủ đề cho 13.276 lượt học viên. |
Tại hội nghị, cũng diễn ra lễ bàn giao của Dự án EU-ESRT cho Tổng cục Du lịch (Tài liệu hướng dẫn thực hiện phát triển bền vững ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu).
PV