Trong báo cáo này, Hội đồng chuyên gia du lịch của UNWTO cũng chỉ ra rằng cùng với sự lên ngôi của du lịch nội địa, nhu cầu về các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên thiên và du lịch nông thôn sẽ được đẩy mạnh.
Dự báo, trong năm 2021, du lịch nội địa và gần nhà cũng sẽ là xu hướng nổi bật (chiếm trên 90%). Hiện nay, du lịch nội địa đang diễn ra ở nhiều thị trường, người dân trên khắp thế giới có xu hướng đi du lịch gần nơi cư trú, những điểm đến gần gũi với thiên nhiên (chiếm 60%) và đi theo nhóm nhỏ, đi cùng gia đình…
Thời gian này, các biện pháp bảo đảm sức khỏe và an toàn tiếp tục là mối quan tâm chính của du khách trong năm 2021 (chiếm gần 70%). Với các diễn biến khó lường của dịch bệnh và các lệnh hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia, xu hướng đặt chương trình du lịch vào phút chót (last-minute bookings) sẽ tiếp tục là hành vi phổ biến của du khách (chiếm hơn 40%).
UNWTO cũng đề cập một số xu hướng khác như du lịch thanh niên, thăm bạn bè và người thân, du lịch kết hợp công việc và nghỉ dưỡng, du lịch đường sắt...
Khi được hỏi “Du lịch nội địa có giúp phục hồi điểm đến của bạn không?”, Hội đồng chuyên gia du lịch UNWTO cho rằng: 53% sẽ hồi phục 1 phần, 32% cho là có và 15% cho là không.
Mặc dù du lịch nội địa đang là cứu cánh ở nhiều nước và có các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, tuy nhiên, các chuyên gia UNWTO cũng cảnh báo rằng đối với phần lớn các điểm đến, du lịch nội địa chỉ giúp phục hồi phần nào ngành Du lịch vì không thể bù đắp được sự sụt giảm của du lịch quốc tế. Với những điểm đến phụ thuộc chủ yếu vào du lịch quốc tế thì thị trường du lịch nội địa càng không thể giúp phục hồi ngành Du lịch. Ngoài ra, ở một số quốc gia, du lịch nội địa vẫn bị gián đoạn nghiêm trọng do lệnh giãn cách xã hội ở trong nước do dịch bệnh.
Báo cáo tháng 1.2021 của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, năm 2020 Du lịch thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sụt giảm 73,9% lượng khách du lịch quốc tế so với năm 2019, lùi lại thời điểm cách đây 30 năm.
Theo đó, lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 chỉ đạt 381 triệu lượt, giảm 73,9% (tương đương trên 1 tỉ lượt) so với năm 2019. Nguyên nhân chính do sự sụt giảm mạnh về nhu cầu du lịch và các lệnh hạn chế đi lại trên toàn cầu nhằm ứng phó với dịch bệnh. Mức giảm này nằm giữa kịch bản 2 (-70%) và kịch bản 3 (-78%) được UNWTO dự báo hồi tháng 5.2020.
Cùng với sự sụt giảm về lượng khách quốc tế, giá trị xuất khẩu du lịch quốc tế thiệt hại khoảng 1,3 nghìn tỉ đô la Mỹ, cao hơn 11 lần so với mức thiệt hại trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Xét về giá trị đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP, đại dịch cũng đã làm thiệt hại khoảng 2.000 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 2% tổng GDP kinh tế toàn cầu.
Đại dịch còn làm mất khoảng 100- 120 triệu việc làm trực tiếp trong ngành Du lịch, rất nhiều trong số đó là lao động trong các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Tất cả các khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó châu Á và Thái Bình Dương là khu vực đầu tiên hứng chịu tác động của dịch và có mức sụt giảm mạnh nhất (-84,1%), ít hơn 300 triệu lượt khách quốc tế so với năm 2019.
Hai khu vực Trung Đông và châu Phi giảm lần lượt 75,1% và 74,6%, mức giảm cao thứ hai trong các khu vực. Châu Âu giảm 70,4%, mặc dù có thời điểm cố gắng mở lại du lịch quốc tế vào mùa hè năm 2020. Châu Mỹ giảm 68,5%, chứng kiến tình hình sáng sủa hơn trong 3 tháng cuối năm 2020.
Thông tin từ Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng cho thấy nhu cầu đi lại hàng không quốc tế giảm khoảng 75% trong năm 2020, tương đồng với sự sụt giảm về lượng khách du lịch quốc tế. Thậm chí, trong tháng 11.2020, chỉ số lượng hành khách luân chuyển (RPKs) giảm 88% so với cùng kỳ 2019 do dịch tái bùng phát ở nhiều quốc gia. Trong đó, khu vực châu Á và Thái Bình Dương ghi nhận 5 tháng liên tiếp có mức sụt giảm mạnh nhất (giảm 95%).
Nguồn: baovanhoa.vn