Truyền thống tín ngưỡng dân gian
Người Việt có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và nhân hóa các hiện tượng thiên nhiên, nên cùng với tranh dân gian, tranh thờ ra đời rất sớm cách đây 300 -400 năm. Tranh làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) thuộc dòng tranh thờ, đã trở thành nhu cầu của đời sống văn hóa, là thành tố của mỹ thuật cổ truyền và hợp thành văn hóa truyền thống xứ Huế.
Thời Trịnh - Nguyễn, trong đoàn người tìm vào đất Thuận Hóa định cư, ông Kỳ Hữu Hoà mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản để mưu sinh, tranh làng Sình ra đời từ đó. Ông Hòa chọn làng Sình đối diện với phố cổ Bao Vinh và cảng Thanh Hà làm chỗ nương thân, nhờ vị trí đắc địa có sông, có phố, có làng mạc trù phú, nên tranh làng Sình có cơ hội lan tỏa rất nhanh trong cả khu vực.
Các gia đình làm tranh ở làng Sình ngày xưa tự làm tất cả các nguyên vật liệu, làm giấy, chế màu… Họ làm thủ công, theo kỹ thuật gia truyền, nên muốn có những bức tranh như ý phải hết sức khó nhọc. Để có giấy in tranh, người dân làng Sình xuôi thuyền dọc phá Tam Giang về vùng Cầu Hai - Lăng Cô để cào điệp (là loại sò có vỏ mỏng nhiều màu sắc), đem về giã thành bột, rồi trộn với hồ, sau đó phết hỗn hợp này 2 lần lên giấy dó. Khi phơi khô, hỗn hợp sẽ tạo nên màu trắng thuần khiết của loại giấy làm tranh làng Sình. Thời hoàng kim, trong làng đâu đâu cũng nghe tiếng hò, tiếng chày giã điệp, 90% người dân trong làng theo nghề này, cũng chính vì thế mà nghề làm tranh dân gian làng Sình được gọi bằng cái tên nghề “Hồ Điệp”.
Đến phần màu sắc cũng rất công phu. Vừa sang thu, họ đi thành từng đoàn, lên tận những cánh rừng phía Tây xứ Huế để tìm cây lá chế màu. Có hai loại cây chỉ có thể kiếm được ở đây: một là cây trâm, hai là cây đung. Cây trâm thì phải chặt khúc mang về, chẻ nhỏ để nấu màu; cây đung thì hái lá, bẻ cành. Để tạo màu vàng phớt thì dùng lá đung giã với búp cây hòe. Muốn có màu đỏ sẫm thì dùng nước lá bàng, màu vàng đỏ thì dùng hạt hòe, màu xanh dương thì dùng hạt mùng tơi… Dễ nhất là chế màu đen, mà màu này lại được dùng nhiều nhất. Cứ lấy rơm nếp đốt thành than, hòa tan trong nước, lọc sạch rồi đem cô đặc, thế là thành mực đen nhánh.
Theo lời nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, thời hoàng kim, tranh làng Sình có hàng trăm bản khắc, mỗi bản có ý nghĩa khác nhau: tranh bếp - thờ Táo quân, tranh thờ tượng bà, tranh thờ tượng ông, tranh con heo nái, tranh con trâu (để cầu cho chăn nuôi không bị dịch bệnh thì mua về cúng, treo trong chuồng), tranh hai đô vật (liên quan đến hội vật làng Sình, các đô vật mua về để cúng cầu cho mình giành phần thắng trong cuộc đấu trên sới vật của làng)…
Gìn giữ và phát triển chậm mà chắc
So sánh với các dòng tranh dân gian khác, sẽ thấy tranh làng Sình không lẫn vào đâu được. Nét vẽ và bố cục còn rất thô sơ, mộc mạc nhưng lại rất có hồn. Mới nhìn đã thấy bức tranh toát lên sự linh thiêng, uy nghiêm của tranh thờ cúng, không phải để thưởng ngoạn. Khi sáng tác một bức tranh, bản mộc chỉ giữ vai trò làm khuôn và in màu chính (thường là màu tím chàm). Những màu sắc còn lại đều được nghệ nhân vẽ bằng tay, để tăng thêm vẻ sinh động cho tranh.
Vào những năm 80 thế kỷ trước, nghề tranh của làng Sình suýt bị triệt tiêu tận gốc. Bao nhiêu mộc bản đều bị tịch thu, hay tự nguyện đem nộp, rồi chất đống chẻ làm củi thổi. Ông Phước ngậm ngùi: “Hồi đó cứ cái gì bị coi mê tín dị đoan là cấm đoán ghê lắm. Tính trước là nếu bị truy ra thể nào người ta cũng tịch thu hết bộ bản khắc gia truyền của nhà mình, thế là tôi đóng hết vào hòm gỗ chôn sau vườn”. Quả đúng như ông Phước đoán, rất nhiều bản khắc gỗ bị tịch thu và đem ra thiêu hủy. Nhưng cũng may là còn những người yêu nghề như ông Phước, họ giữ nghề đến cùng, nếu không thì nghề tranh thờ đã mất hẳn. Muốn giữ nghề thì phải giữ mộc bản cổ, họ đào hầm cất giấu, ban đêm lại mang ra lén lút in, vẽ khi có người mua.
Năm 1997 là thời điểm dân làng Sình đưa những tấm mộc bản cất giấu lên mặt đất và bắt đầu khôi phục nghề tranh. Tết đó họ làm tranh không kịp cho tiểu thương các chợ Đông Ba, Bến Ngự đến lấy về bán. Người Huế thường mua những bộ tranh Sình trong các lễ nghi đặc biệt như Tết Nguyên đán, lễ thôi nôi, động thổ, cầu mong được mùa, xây nhà dựng cửa… chính vì thế tranh Sình chia thành tranh để thờ và tranh để hóa (đốt) như hóa vàng. Nghề tranh làng Sình gắn liền với lịch sử Hội vật Sình hàng năm. Hội vật ngày mùng 10 tháng giêng thì ngày mùng 9 tháng giêng cả làng làm lễ giỗ tổ nghề tranh ngoài đình làng.
Để sản phẩm tranh thờ làng Sình ngày càng nổi tiếng hơn, xã Phú Mậu đã đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, các khu bán tranh lưu niệm phục vụ khách tham quan, đặt biển hướng dẫn đến làng nghề trên tỉnh lộ 2, quốc lộ 49. Đồng thời, phát triển làng nghề dưới hình thức làng nghề du lịch cộng đồng. Trong cuộc thi thiết kế hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ của Thừa Thiên - Huế 2017, tỉnh đã thực hiện tốt việc chắt lọc hình ảnh làng Sình để tạo ra sản phẩm mang bản sắc Huế, đáng chú ý là các poster của nhóm sinh viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng đã có nhiều gợi mở tích cực cho quảng bá tranh dân gian làng Sình.
Dù đã sang thế kỷ 21, trong tâm thức dân gian xứ Huế vẫn tồn tại một niềm tin: con người sinh ra có bổn mạng. Bổn mạng của mỗi người là những vị thần phù hộ cho sức khỏe, công việc làm ăn, vận hạn… Vào tháng giêng, tháng hai, người Huế thường tổ chức cúng đất, cúng sao, để giải hạn xấu, cầu điều lành. Tranh thờ làng Sình được mua về để cúng bái như thế. |
Hào Vũ
Nguồn: Tạp chí Du lịch T1+2/2021