(Tạp chí Du lịch) - Chúng tôi vô cùng ấn tượng khi đến tham quan cơ sở Tịnh Tâm (số 154-156 Lê Đại Hành, Q. Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) rộng 200m2, trồng phong lan ghép trên gỗ lũa. Đến đây, mọi người như lạc vào một không gian “non bộ”, rừng gỗ lũa độc đáo, thiên hình vạn trạng với hàng trăm tác phẩm đặc sắc từ hoa lan ghép trên gỗ lũa đang khoe màu, khoe sắc, tạo nên một không gian sống động khi Tết đến, xuân về.
Anh Tịnh vừa chăm sóc những cây phong lan, vừa cho chúng tôi biết, trước đây, trong những lần đi mua chim cảnh nơi núi rừng xứ Quảng, anh có dịp chiêm ngưỡng những gốc, rễ gỗ lũa nằm lăn lóc bên suối hay lấp lánh dưới khe. Do vậy, những tác phẩm gỗ lũa của anh có lúc mang dáng dấp của dãy núi xanh lơ, có khi lại có hình dáng của những ngọn núi kỳ vĩ với những hang, động, khe suối gập gềnh trong các bức họa “cao sơn - thủy mặc” của người xưa.
Gỗ lũa đạt yêu cầu thẩm mỹ để ghép lan chính là phần ròng của gốc, rễ, thân của các cây danh mộc như trai, nghiến, muồng, sơn đào… Gỗ lũa rất cứng, không mối mọt nào ăn được, không bị cong vênh hay bị ảnh hưởng bởi mưa, nắng. Có nhiều loại gỗ lũa và mỗi loại lại mang một đặc điểm riêng như: gỗ lũa dưới đất giữ nguyên màu gỗ nguyên thủy; gỗ lũa ngâm trong bùn có màu như mun, như sừng; gỗ lũa phơi trước gió là loại quý hiếm nhất vì có những đường vân sóng rất đẹp.
Để có được một tác phẩm đẹp, nghệ nhân phải lựa chọn lan thích hợp với từng loại gỗ lũa. Gỗ lũa trước khi được ghép lan vào cần được vệ sinh sạch sẽ, ngâm với nước vôi vài ngày rồi đem ra phơi khô. Sau đó tiếp tục ngâm với nước có pha hỗn hợp hợp NPK Lân Kali vài ngày cho no nước rồi mới đem ra ghép lan. Những cây lan trong vườn nhà khi thay giá thể để ghép vào gỗ lũa phải tránh làm cây bị dập lá, hư bộ rễ. Với những cây mới mua về nên cắt tỉa gọn gàng, bỏ hết những lá và rễ bị dập hỏng, sau đó ngâm trong dung dịch Physan 20 có pha với nước để diệt nấm khuẩn trong 10-15 phút (có thể thay thế Physan 20 bằng Nano bạc hoặc Benkona…). Tiến hành ghép lan vào gỗ lũa, cách đơn giản nhất là dùng dây ni lông hoặc dây xiết bằng nhựa cố định thật chặt cây lan vào lũa. Đối với những loại lan đơn thân ghép trên những cục lũa to thì dùng đinh để cố định cây. Ngoài ra, cũng có thể khoan 1 lỗ nhỏ vào gỗ, sau đó dùng tre hoặc thanh sắt cắm vào lỗ. Dùng dây rút cố định chặt cây lan vào thanh sắt đó. Đợi khi bộ rễ bám chắc vào giá thể là có thể gỡ ra để tăng tính thẩm mỹ cho tác phẩm.
Tiên Sa