Cả ngày đánh vật với quãng đường, vừa đi vừa hỏi đường, sẩm tối chiếc cổng đồn sơn màu xanh của lính biên phòng cũng đã chập chờn hiện ra trước mắt, trong làn sương mù đặc quánh cùng cái rét đến tê dại miền rừng núi. Mệt nhọc sau một ngày chinh phục núi rừng và cua dốc, nhưng lòng tôi chợt ấm lên khi được các anh ra tận nơi đón chào niềm nở. Người thì dắt hộ xe, người thì mang giúp túi xách, tôi có một cảm giác như đang nhận được sự chăm sóc của những người thân trong gia đình.
Một chiến sỹ nhìn tôi cười rất tâm đắc rồi lên tiếng: “Có chất lính đấy! Thấy các anh dưới tỉnh điện báo, chúng tôi đã cắt phiên chờ ông từ sáng, lâu không thấy đến anh em tưởng phóng viên bỏ của chạy lấy người”. Những ngày cận kề cuối năm, miền ngã ba biên giới này rét lạnh, cái lạnh miền biên viễn đã làm cho cơ thể tôi như muốn đóng băng. Tôi thoáng buồn khi nghe nói đồn thiếu 1/3 quân số do anh em đi tuần biên. Vì phải quản lý tới 36km đường biên giới với 14 cột mốc thuộc 2 tuyến biên giới Việt - Lào và Việt - Trung nên những người lính ở đây khi đi tuần, có đi nhanh cũng phải mất 15 ngày mới kịp về đồn. Kíp trực này về thì kíp khác lại lên đường, công việc tuần tra như vậy nên nhiều anh em cả năm không nhìn thấy mặt nhau.
Bữa cơm lính biên phòng đơn giản và kết thúc nhanh chóng. Nhìn bữa cơm đạm bạc, các anh cho biết: Không phải lính đồn lười, không tăng gia sản xuất, ở đây mùa này lạnh quá nên nuôi con gì trồng cây gì cũng bị chết. Chợ thì quá xa, muốn có gì cải thiện cũng phải đi mất cả ngày. Những ngày cuối đông, đầu xuân ở đây nếu không chui vào chăn thì mặc áo bông vẫn phải ngồi sưởi lửa. Nhiều đêm lạnh quá, không ngủ được anh em thường phải đốt lửa sưởi để chờ sáng. Đồn A Pa Chải có đặc thù là nằm ở ngã ba biên giới, giữa nước ta và hai nước bạn láng giềng, một con gà gáy ba nước cùng nghe, lính của ba nước trên đường tuần tra cùng chào cột mốc và cùng chào nhau.
Đồn A Pa Chải mới tách từ Đồn biên phòng Leng Su Sìn từ năm 2007, trước đường vào Đồn không có phương tiện gì vào được, kể cả xe đạp. Do vậy tất tần tật mọi cái đều do “phương tiện chân” và sức của lính đồn đem vào.
Có lẽ ít có nơi nào lính lại khổ và cũng có nhiều điều thú vị như những người lính ở “Đồn biên phòng ngã ba biên giới” A Pa Chải này. Ở đây người lính chỉ được nhìn mặt trời, không phải đắp chăn bông và mặc được áo mỏng trong độ 3 tháng. 9 tháng còn lại trong năm mặc áo bông 24/24 giờ kể cả lúc lên giường. Chăn bông và áo khoác ở đây theo “kinh nghiệm” là không được giặt vì sẽ chẳng bao giờ khô được. Chăn bông và áo lạnh treo trên mắc trông có vẻ khô đấy thế nhưng mỗi khi đem đắp hoặc mặc thì phải một lúc sau mới thấy ấm vì nó đã bị sương và giá lạnh thẩm thấu.
Thêm nữa, Đồn A Pa Chải nằm trên địa bàn xã Sín Thầu rộng tương đương một huyện của đồng bằng. Do xã rộng, thế nên để nơi phên dậu tổ quốc này được bình an bàn chân lính biên phòng phải mải miết đi suốt… Trong ngàn lẻ cái khổ của lính biên phòng nơi này thì khổ nhất vẫn là chuyện gia đình. Hầu như ai ở đây đường tình duyên cũng đều chậm chễ. Không phải lính biên phòng ở A Pa Chải không có duyên mà họ hy sinh nhiều quá!...
Đằng sau mỗi bước tuần tra của người lính ở A Pa Chải là những người phụ nữ đầy quả cảm. Chuyện tình duyên một thời của thiếu úy Vũ Kim Thạch và người vợ Nguyễn Thị Sen là một chuyện tình rất thơ mộng và không dễ kiếm tìm. Anh Thạch gặp chị Sen trong một lần về quê. Khi tình duyên bén lửa, do sợ người yêu khổ vì mình nên anh Thạch có ý thoái lui. Ấy thế mà chị Sen đã đi bộ 7 ngày đường để lên tìm anh và ngỏ lời. Sau khi tổ chức đám cưới, chị đã lên A Pa Chải ở với anh và hiện tại đang là cán bộ của xã Sín Thầu.
Sáng, cũng cơm nắm muối vừng, tôi bám theo những người lính đội điều tra để lên cột mốc số 0. Trèo đèo lội dốc đến non nửa ngày chúng tôi đã có mặt ở cột mốc số 0 - cột mốc thiêng liêng nằm ngã ba biên giới Tổ quốc cao hơn 2m có 3 mặt, mỗi mặt có viết chữ của các quốc gia chủ quyền.
Chúng tôi làm lễ chào cột mốc, chưa khi nào tôi thấy tấc đất Tổ quốc linh nghiêm và đáng quý trọng như lúc này. Và tôi cũng được biết, những người lính nơi đây đã góp phần tăng cường tình cảm đoàn kết giữa cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải với nhân dân 6 bản của xã Sín Thầu. Đồng bào Hà Nhì nơi biên cương cực Tây Tổ quốc đã thực sự tin yêu và “chung sức” cùng bộ đội biên phòng giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ an ninh, chủ quyền biên cương. Minh chứng là đến nay, Sín Thầu đã có trên 230 hộ dân đăng ký tham gia phong trào tự quản an ninh trật tự, tích cực đấu tranh với các loại tội phạm. Đặc biệt, gần 100 hộ ở 3 bản giáp biên giới Việt - Trung là Tá Miếu, Pờ Nhù Khồ và Tả Kô Ky đã tự giác tham gia ký kết và thực hiện tốt phong trào tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Đức Tuyền
Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2019