Giá cả thị trường 2007 liên tục tăng cao, CPI bình quân hàng tháng tăng 1%/tháng, sau 12 tháng tăng 12,6%, cả năm 2007 tăng 8,3% so với năm 2006 là các tốc độ tăng cao nhất từ 1996 đến 2007.
Nguyên nhân do: (1) giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu tăng cao; (2) thực hiện lộ trình tăng giá điện, than và thị trường hóa giá xăng dầu; (3) thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất và làm mất cân đối cung cầu lương thực, thực phẩm trên thị trường; (4) công tác quản lý điều hành thị trường tài chính, tiền tệ còn nhiều bất cập.
Dự báo CPI 2008 tiếp tục tăng cao, diễn biến và tốc độ sẽ tương tự 2005 và 2007.
|
Trong lĩnh vực thị trường, giá cả tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách quản lý, điều hành để phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, từng bước tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế “giá nhà nước” đối với một số hàng hóa, dịch vụ không còn thích hợp, đồng thời kiểm soát và kiềm chế được CPI tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Nhiệm vụ này là rất nặng nề, khó khăn khi bước vào đầu năm 2007 đã có một loạt các áp lực tăng giá thị trường như việc Nhà nước điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân lên 842 đồng/kwh, tăng 7,6%, trong đó riêng khu vực hành chính sự nghiệp và kinh doanh dịch vụ tăng từ 12% - 14%; là phương án điều chỉnh giá bán than đối với 4 hộ tiêu thụ lớn là điện, xi măng, phân bón và giấy lên đến 20%; giá xăng dầu thị trường thế giới tiếp tục biến động tăng cao và quyết định của Chính phủ cho các doanh nghiệp xăng dầu tự định giá bán theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập, đe dọa và đã liên tiếp xảy ra trong năm làm cho sản xuất nông nghiệp nhiều vùng, địa phương gặp không ít khó khăn, dẫn đến nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho thị trường bị giảm sút, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vẫn không ngừng tăng lên.
Trước những khó khăn, thách thức lớn đặt ra cho thị trường giá cả này, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về xu hướng CPI và lạm phát năm 2007 sẽ tăng lên 2 con số. Chính phủ cùng các cấp, các ngành quản lý cũng đã sớm nhận thức được nguy cơ này và đã đưa ra nhiều biện pháp quản lý, điều hành nhằm kiềm chế bằng được tốc độ tăng giá và lạm phát cao. Đặc biêt, từ những tháng giữa năm, khi CPI đã liên tục tăng lên ngày càng cao không còn theo quy luật thời vụ hàng năm và nguy cơ lạm phát 2 con số đã nhìn thấy rõ thì các biện pháp điều hành quyết liệt về tài chính, tiền tệ, giá cả đã được đưa ra. Đó là việc giảm thuế nhập khẩu các nhóm hàng quan trọng; hoãn thực hiện lộ trình điều chỉnh giá bán than, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiền tệ để thu hút tiền mặt trong lưu thông... Tuy nhiên, do áp lực, thách thức quá lớn, trong đó có những yếu tố ngoài tầm kiểm soát, như thiên tai liên tiếp xảy ra, bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ và giá cả thị trường thế giới tiếp tục tăng cao… vì vậy kết quả điều hành giá cả thị trường đã không theo được như mong muốn, một số loại hàng hóa, dịch vụ có lúc giá đã đột biến tăng 2 con số trong một tháng và chỉ số chung giá tiêu dùng đã tăng đến mức kỷ lục so với hàng chục năm qua. Có thể thấy được một số đặc điểm về tốc độ tăng và nguyên nhân chủ yếu làm cho CPI tăng cao trong năm 2007 sau đây:
ĐẶC ĐIỂM BIẾN ĐỘNG VÀ TĂNG CAO CPI NĂM 2007
1. CPI năm 2007 đã liên tục tăng cao qua từng tháng và đạt kỷ lục 12 năm
Trong nhiều năm trước đây giá cả thị trường nước ta thường chỉ biến động và tăng cao ở đầu và cuối năm, đỉnh cao của tốc độ tăng CPI là tháng 1 hoặc tháng 2, tức là trong tháng trùng với Tết Nguyên đán, các tháng giữa năm thường ổn định, biên độ tăng giảm không lớn. Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI năm 2007 đã không theo quy luật thời vụ này mà đã liên tục tăng lên qua từng tháng với tốc độ khá cao, chỉ trừ tháng 3 là tháng là sau Tết Nguyên đán do một số mặt hàng phục vụ Tết giá đã tăng cao trong tháng 2 chững lại và giảm đôi chút làm cho CPI tháng 3 giảm 0,2% so với tháng 2. Tốc độ tăng CPI bình quân hàng tháng năm nay đã lên đến 1%/tháng và trở thành mức tăng kỷ lục trong 12 năm, kể từ 1996 đến nay. Trong đó các tháng 6, 7, 10, 11 và 12 CPI cùng đạt luôn kỷ lục tăng so với CPI các tháng tương ứng của 12 năm, các tháng còn lại tuy chưa đạt kỷ lục tuyệt đối 12 năm, nhưng cũng đã tăng cao hơn so với nhiều năm trong thời kỳ này.
2. Tốc độ tăng CPI cả năm 2007 so với 2006 cũng đạt kỷ lục thời kỳ 1996 - 2007
Chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của năm 2007 so với cùng kỳ năm 2006 cũng liên tục tăng lên ngày càng cao: Từ mức tăng 6,5% trong tháng 1 và tháng 2 đã lên 6,8% trong tháng 3, lên 7,2% trong tháng 4, lên 7,3% trong tháng 5, lên 7,8% trong tháng 6, rồi 8,4% trong tháng 7, lên 8,6% trong tháng 8, lên 8,8% trong tháng 9, lên 9,3% trong tháng 10, lên 10% trong tháng 11 và lên 12,6% trong tháng 12 và bình quân cả năm 2007 so với 2006 đã tăng 8,3%. Với mức tăng 8,3% này thì tốc độ tăng CPI năm 2007 so với 2006 đúng bằng mức tăng của năm 2005 so với năm 2004 và cả hai năm này cùng đạt tốc độ tăng kỷ lục của thời kỳ 12 năm: 1996 - 2007.
Tốc độ CPI cả năm 2007 so với 2006 (tăng 8,3%) chính là tốc độ trượt giá và lạm phát năm 2007, còn CPI tháng 12/07 so với tháng 12/06 tăng 12,6% ở trên lâu nay vẫn gọi là tốc độ lạm phát cả năm là một sự nhầm lẫn không chính xác. Vì đó chỉ là tốc độ tăng CPI của tháng 12 năm 2007 so với tháng 12 năm 2006, hay tốc độ trượt giá từ đầu năm đến cuối năm 2007, không thể lấy tốc độ tăng CPI của riêng tháng 12 làm tốc độ lạm phát chung cả năm được. Như vậy là, với tốc độ tăng CPI hay lạm phát năm 2007 so với năm 2006 là 8,3%, thì điều này có nghĩa là, lạm phát năm 2007 vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP theo là 8,48%. Và điều đó cũng có nghĩa là nhiệm vụ kiềm chế tốc độ tăng giá và lạm phát năm 2007 tưởng chừng không thực hiện được thì đã trở thành hiện thực, cho dù đây là một tốc độ lạm phát khá cao và đã xấp xỉ với tốc độ tăng trưởng của GDP.
DỰ BÁO XU HƯỚNG BIẾN ĐỘNG CPI TRONG NĂM 2008
Có thể thấy các nhân tố và áp lực tăng giá và lạm phát năm 2007 sẽ vẫn còn tiếp tục tác động đến giá cả thị trường và CPI trong năm 2008. Đồng thời, trong năm 2008 sẽ còn một số nguyên nhân riêng có của nó cùng tác động lên giá cả thị trường của năm này.
Trước hết, về nguyên nhân bắt nguồn từ thị trường thế giới cho thấy, bức tranh kinh tế thế giới trong năm 2008 được dự báo chung là không mấy sáng sủa, tốc độ tăng trưởng nhiều nền kinh tế lớn có nguy cơ bị sụt giảm và lạm phát có nguy cơ tăng cao hơn; tình hình chính trị nhiều khu vực trên thế giới tiếp tục bất ổn, nhất là vùng rốn đầu Trung Đông; giá các nhiên, nguyên, vật liệu, giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng cao do cung cầu tiếp tục căng thẳng, đặc biệt là dầu thô, lương thực và các sản phẩm từ dầu thô, lương thực. Tình hình đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả xuất nhập khẩu và giá cả thị trường nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập sâu rộng hiện nay .
Thứ hai, về nguyên nhân bắt nguồn từ trong nước: Trong năm 2008 sẽ có đồng thời cả hai loại nguyên nhân tích cực và tiêu cực cùng tác động đến giá cả thị trường nước ta. Trước hết về nguyên nhân tích cực sẽ tác động làm cho giá cả thị trường hạ nhiệt so với năm 2007. Đó là thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục phải cắt giảm theo lộ trình cam kết với WTO, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa nước ngoài tràn vào nước ta cạnh tranh ác liệt hơn và làm giá cả thị trường trong nước giảm xuống. Mặt khác, Chính phủ cùng các cấp, các ngành quản lý sẽ rút được kinh nghiệm quan trọng từ việc quản lý, điều hành giá cả thị trường trong năm 2007 chưa được theo mong muốn để chủ động quản lý điều hành tốt hơn trong 2008 này. Tuy nhiên, có thể thấy các nguyên nhân sẽ làm cho giá cả thị trường và CPI trong năm 2008 tăng cao nhiều và mạnh hơn. Đó là lộ trình điều chỉnh tăng giá một số loại nguyên, nhiên, vật liệu Nhà nước còn nắm giữ sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện trong năm 2008; việc điều chỉnh lương tối thiểu cho cán bộ công nhân viên chức tại chức và nghỉ hưu, các khoản trợ cấp cho những người có công với cách mạng đã được thực hiện từ 1/1/2008 tăng đến 20% so với năm 2007; là các loại dịch bệnh cúm ở gia cầm, dịch tai xanh ở lợn, lở mồm long móng ở gia súc đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương vẫn đang chứa đựng nguy cơ có thể bùng phát rất lớn như các năm trước đây; là thời tiết chung đang có xu hướng biến đổi phức tạp, thiên tai, bão lụt rất khó lường và tránh khỏi như trong năm 2007; là luồng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp, kiều hối nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam gây áp lực cho Ngân hàng Nhà nước phải xuất tiền Đồng Việt Nam ra để mua vào làm tăng khối lượng phương tiện thanh toán trong lưu thông; là thị trường bất động sản, thị trường vàng, thị trường chứng khoán đang nóng lên từng ngày hiện nay sẽ không thể dễ dàng bình ổn ngay được trong ngày một, ngày hai...
Tất cả những yếu tố nêu trên đều là những sức ép rất lớn sẽ đè lên giá cả thị trường nước ta trong năm 2008. Riêng 2 tháng đầu năm 2008 còn thêm một yếu tố mang tính chất thời vụ nữa sẽ tác động rất mạnh đến tốc độ tăng cao của giá cả thị trường. Đó là nhu cầu các hàng hóa và dịch vụ phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tý sẽ tăng cao hơn mọi năm do các loại tiền lương, tiền thưởng, kiều hối gửi về từ nước ngoài… trong dịp Tết năm nay cao hơn so với các năm trước đây.
Do Tết Nguyên đán Mậu Tý sẽ đến vào tháng 2/2008, nên tháng 2/2008 sẽ là tháng có tốc độ tăng CPI cao nhất, vì theo quy định hiện hành của Tổng cục Thống kê về thời điểm lấy giá để tính CPI tháng 2/2008 sẽ là các ngày 18 và 29 tháng chạp Đinh Hợi và ngày 9 tháng giêng Mậu Tý, đây là thời điểm giá hàng hóa, dịch vụ phục Tết sẽ tăng cao nhất
Tổng hợp từ các yếu tố tác động tích cực và tiêu cực cũng như các yếu tố sẽ tác động xuyên suốt cả năm và các yếu tố chỉ tác động mang tính thời vụ có thể dự đoán xu hướng và tốc độ biến động giá và CPI trong năm 2008 như sau:
Trước hết, trong tháng 1 là tháng áp tết và tháng 2 là tháng trùng với Tết Nguyên đán Mậu Tý nên giá cả và CPI sẽ tăng mạnh nhất trong năm 2008. Dự đoán CPI cả 2 tháng 1 và 2 đầu năm sẽ tăng khoảng từ 4 - 5%, trong đó tháng 1 tăng từ 1,5 – 2% và tháng 2 tăng từ 2,5 -3%. Tháng 3 là tháng sau Tết Nguyên đán giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ phục vụ Tết sẽ đứng và giảm trở lại, nhưng một số loại hàng hóa, dịch vụ khác phục vụ các lễ hội sau Tết sẽ tăng cao. Vì vậy, trên mặt bằng chung toàn bộ rổ hàng hóa thì CPI tháng 3 sẽ chững lại hoặc có thể giảm đôi chút so với đỉnh cao đã đạt trong tháng 2 và dự đoán biên độ dao động CPI tháng 3 sẽ chỉ tăng, giảm trong khoảng 0,3 - 0,5%. Từ tháng 4 trở đi CPI sẽ tiếp tục tăng với tốc độ tương tự hoặc cao hơn một chút so với năm 2005 và sẽ thấp hơn tốc độ trong năm 2007. Do đó dự đoán CPI tháng 6/08 so với tháng 12/07, tức tốc độ trượt giá sau 6 tháng đầu năm 2008 sẽ từ 5,5-6%; tốc độ tăng CPI bình quân 6 tháng 2008 so với 6 tháng 2007 sẽ từ 8,3 – 8,6%; tốc độ trượt giá tháng 12/08 so với tháng 12/07 sẽ tăng từ 8,5-9% và tốc độ tăng bình quân cả năm 2008 so với 2007 sẽ từ 8,2 - 8,5%.
TS. LÝ MINH KHẢI