Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan tới việc thúc đẩy bảo tồn di sản văn hóa trước các tác động biến đổi kinh tế - xã hội; đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ di tích trong bối cảnh biến đổi khi hậu như: cải cách về chính sách, pháp luật; giáo dục nâng cao ý thức của người dân; hạn chế khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Viện Quốc tế Pháp ngữ đã đưa ra giải pháp được nhiều chuyên gia đánh giá cao về tính thực tiễn, tiết kiệm chi phí, đó là dự án số hóa các di sản văn hóa. Hiện nay, dự án số hóa các di sản có thể áp dụng được vào tất cả các lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể để lưu giữ hình ảnh cho du khách, cho nhà nghiên cứu sau này khi tiến hành phục dựng, trùng tu di sản.
Khác với những dự án bảo tồn di sản trên nền tảng công nghệ khác, số hóa di sản không chỉ chụp ảnh, trưng bày trên website mà còn giúp du khách được chạm vào di sản, tạo ra cảm xúc giống như khi xem thực tế. Qua đó, giúp du khách hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của đất nước; hạn chế du khách chạm vào hiện vật, di tích, góp phần nâng cao ý thức về bảo tồn, gìn giữ những di sản văn hóa…
Dự án số hóa các di sản văn hóa của Viện Quốc tế Pháp ngữ đang tập trung vào nhiều công trình ở Hà Nội mang kiến trúc của Pháp. Thời gian tới, dự án sẽ tập trung vào Thăng Long tứ trấn của Hà Nội và các công trình về tôn giáo trên địa bàn Thủ đô.
|
AT